Home » Gương sáng - Khuyến học » Cắm bản, bám biên ươm mầm con chữ

Cắm bản, bám biên ươm mầm con chữ

Kiên trì cắm bản, bám biên

Theo cô Nguyễn Thị Kim Len – Hiệu trưởng Khối trường Mẫu giáo A Mú Sung thì cả khối hiện có 24 giáo viên mầm non, phải chia ra 12 điểm cắm bản. Nhiều điểm trường cách trụ sở chính đến 10 – 15km, thậm chí 30km, có khi phải cuốc bộ cả nửa ngày đường, điều kiện vật chất và tinh thần đều thiếu thốn, nhưng các giáo viên cắm bản một khi đã xác định lên với núi rừng, sương gió xứ A Mú Sung này thì hầu như không ai “rời vị trí” giữa chừng…

Cô giáo Bùi Thị Hà chăm từng giấc ngủ trưa cho học sinh.  Ảnh:  Trương Huyền 

Cô Bùi Thị Thu Hường, quê Yên Bái kể,  ngay sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Trung ương năm 2010 đã gắn bó với mảnh đất này, đến nay đã tròn 5 năm. Còn cô Hoàng Thị Hà, một trong những cô giáo mầm non có thâm niên “cắm bản, bám biên” tâm sự: “Rất nhiều đứa trẻ mới 5 tuổi nhưng do nhà neo người nên đi lớp phải kiêm luôn cả nhiệm vụ trông em. Khi lũ trẻ quấy khóc quá, đành phải cho các em ra ngoài dỗ đến khi chúng ngủ mới vào học tiếp. Có hôm, em bé không chịu ngủ, anh chị chúng phải đưa về rồi… ở nhà luôn”.

Thương học sinh, cô Hà, cô Hường nghĩ ra cách “nhử” để giữ chân các em. Mỗi khi có đứa bé nào quấy khóc, cô sẽ dỗ bằng một chiếc kẹo hay mẩu bánh. Và trong hành trang của các cô mỗi khi đi họp hay đi chợ trên trung tâm xã trở về không bao giờ thiếu “bảo bối” là những bọc bánh kẹo, để níu giữ, mong học sinh của mình cóp nhặt được thêm kiến thức, con chữ quý báu để các em lớn hơn mỗi ngày…

Gắn bó nghĩa tình

Ở mảnh đất A Mú Sung này, rất nhiều giáo viên và cả cán bộ địa phương đều biết về tấm gương của cô giáo Nguyễn Thị Kim Len –  Hiệu trưởng Khối trường Mẫu giáo. Sinh năm 1981 ở Bát Xát (Lào Cai), như nhiều giáo viên khác khi mới ra trường, Len cũng rất sợ bị “điều” đi dạy ở vùng cao.

Năm 1999, Len được phân công về dạy ở Trường Mẫu giáo và Tiểu học Tả Ngảo (xã Bản Qua, huyện Bát Xát). Đến năm 2006, Len được điều chuyển về Trường Mẫu giáo và Tiểu học A Mú Sung.

Khi đó, ngôi trường chỉ là gian nhà tranh vách đất, 100% lớp học đều là nhà tạm. Được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền xã, bản, sau một thời gian, Len thấy mình gắn bó hơn với trường, với các em. Đến nay, mặc dù công tác tại đây 9 năm, đã “vượt” cả chế độ luân chuyển về giảng dạy gần nhà, nhưng cô giáo Len vẫn tiếp tục bám trường, bám lớp, ở lại cùng các em A Mú Sung.

“Nhiều người hỏi tôi sao không xin chuyển về xuôi cho đỡ vất vả? Mỗi khi nhìn thấy các em, tôi lại tự nhủ lòng mình cần phải cố gắng hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa” – cô giáo Hiệu trưởng Khối Mẫu giáo tâm sự.

Bình luận bài viết

x

Check Also

Tấm lòng những cô giáo dạy trẻ khuyết tật

GDTĐ – Năm học mới sắp bắt đầu, nhưng rất nhiều thầy cô ở các ...