Home » Gương sáng - Khuyến học » Thầy giáo đầu tiên gieo chữ cho tộc người Rục ở Quảng Bình

Thầy giáo đầu tiên gieo chữ cho tộc người Rục ở Quảng Bình

Vốn sinh ra và lớn lên ở xã Yên Hóa thuộc huyện núi Minh Hóa (Quảng Bình), chàng thanh niên Đinh Văn Hướng (SN 1960) sớm mang theo hoài bão lớn lên sẽ làm thầy giáo gieo mầm chữ cho con em dân tộc thiểu số. Với suy nghĩ đó, khi học hết bậc phổ thông, Hướng quyết tâm theo học tại Trường Trung cấp sư phạm Huế.

Năm 1978, Hướng tốt nghiệp ra trường rồi về giảng dạy tại Trường Cấp 1 Dân Hóa (huyện Minh Hóa). Khi ước mơ đã được thỏa nguyện, thầy Hướng ngày đêm hăng say với công việc ươm mầm trí tuệ.

Sau 4 năm làm công tác giảng dạy, cũng như bao thanh niên khác, thầy lại “xếp bút nghiên” đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc lên đường nhập ngũ. Cho đến năm 1986, thầy rời quân ngũ về lại quê hương tiếp tục theo đuổi niềm đam mê “trồng người”.

Khi dòng chảy câu chuyện quá khứ đang theo mạch cảm xúc, giọng thầy bỗng trở nên hào sảng hơn, nó như nhấn mạnh một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời, đặc biệt là trong sự nghiệp “trồng người” của thầy.

 

Thầy Đinh Văn Hướng đã có 27 năm gắn bó với đồng bào Rục

Chia sẻ với PV thầy Hướng nói: “Ngày mình trở về, gia đình ai cũng vui mừng và hạnh phúc bởi họ tưởng mình sẽ giảng dạy ở một nơi gần nhà. Nhưng sau đó, mình lại quyết định đến với trẻ em đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa. Vừa nghe thấy quyết định của mình, trong gia đình ai cũng cực lực phản đối. Họ nói, Thượng Hóa là một xã miền núi nằm biệt lập trong núi rừng hoang vu, cách nhà cả trăm km đường rừng, đi đến đó biết khi nào về lại với gia đình”.

Con đường độc đạo để đến với đồng bào Rục khi đó gặp muôn vàn khó khăn, hiểm trở. Mỗi lần đến lớp, thầy Hướng phải dậy thật sớm để chuẩn bị đồ rồi đi bộ băng rừng một ngày mới vào đến nơi.

Ngày thầy lên, đồng bào Rục còn nhiều bỡ ngỡ, rụt rè khi tiếp xúc với người lạ: “Họ chưa tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài, không biết tiếng người Kinh, vì vậy, những ngày đầu tiên đến với người Rục mình phải tìm cách học tiếng của họ để thuận tiện trong giao tiếp. Rồi sau đó mới nghĩ cách dạy tiếng phổ thông, dạy chữ cho họ được. Những lúc như vậy, thầy giáo vừa là người đứng lớp vừa là người phiên dịch, học trò vừa là người học chữ vừa là người dịch chữ”, thầy Hướng nhớ lại.

 

27 năm gắn bó với đồng bào, thầy Đinh Văn Hướng đã dạy chữ cho biết bao nhiêu thế hệ học sinh nơi đây

Đồng bào Rục ngày ấy sống biệt lập trong các hang núi heo hút giũa đại ngàn Trường Sơn, trình độ dân trí thấp nên để đưa được cái chữ đến với trẻ em nơi đây quả là một điều không đơn giản. Trước mỗi lần lên lớp, thầy Hướng phải đến từng nhà vận động để các phụ huynh đồng ý cho con em họ đi học.

“Mỗi lần đến nhà vận động con em đi học là họ lại nói với mình: ở nhà rồi vào rừng hái bắp chuối, bắt con hươu con nai còn có cái mà ăn, chứ đi học chữ thì có cái chi mà ăn?”. Những lần như vậy, thầy Hướng lại phải kiên trì phân tích, giải thích để họ hiểu được sự quan trọng của việc học cái chữ, cho đến khi cái đầu người Rục gật gù ra vẻ hiểu rồi thì thầy mới đứng dậy ra về.

Lớp học đầu tiên của người Rục có 21 học sinh từ 6 đến 15 tuổi. Những buổi dạy học trên lớp, thấy em nào còn yếu, chưa học được chữ thì tối thầy Hướng lại đến nhà luyện thêm cho các em.

“Học ở nhà không có bảng, thầy trò liền lấy than viết dưới nền nhà học chữ. Dưới ánh đèn thắp sáng từ dầu trám, nghe thấy tiếng học sinh đọc vanh vách các chữ cái làm lòng mình dâng lên những cảm xúc khó tả, nó như xóa tan mọi mệt mỏi, nhọc nhằn trong cuộc sống lúc bấy giờ”, thầy Hướng tâm sự.

Những thiếu thốn, khổ cực về vật chất, thầy Hướng đều có thể chịu đựng được, nhưng mỗi lần đứng lớp, nhìn thấy các em học sinh lấm lem bùn đất, người thâm tím vì lạnh giá làm thầy không cam lòng. Những lúc như vậy, thầy chỉ biết đốt một đống lửa thật to để sưởi ấm những đối chân tím tái vì lạnh, xua đi cơn lạnh giá khi gió mùa đông bắc thổi thốc từng hồi.

 

Ngôi trường Tiểu học Yên Hợp đã ngày càng khang trang và kiên cố hơn

Cứ như vậy, 27 năm thầy cùng ăn, cùng ở, cùng gieo mầm chữ cho những thế hệ học sinh Rục nối tiếp nhau ra đời. Nghĩ lại những năm tháng gian khổ ấy, đã có lúc thầy muốn buông xuôi, muốn rời đồng bào để về lại quê hương, nhưng tình yêu thầy dành cho các em học sinh ở đây quá đổi lớn lao, nó như ghì chặt trái tim của thầy với lũ học trò lấm lem nơi đây.

“Có những đợt mưa lũ kéo dài, bản làng của người Rục bị cô lập với thế giới bên ngoài nên có khi ba tháng liền tôi không về nhà được. Trong khi đó, vợ một mình ở nhà chăm sóc con nhỏ với biết bao khó khăn, thiệt thòi. Vì vậy, có lúc vợ bảo tôi xin chuyển công tác về gần nhà giảng dạy nhưng tôi không đồng ý”, thầy Hướng chia sẻ.

Thầy giải thích cho quyết định của mình: “Mình là người công tác lâu năm nhất, gắn bó với tất cả người Rục ở đây nên đã hiểu hết mọi phong tục tập quán, thói quen của đồng bào, nhất là tình yêu với những đứa học trò nơi đây đã quá lớn. Vì vây, mình muốn ở lại để giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với những đồng nghiệp đến sau”.

Năm 2013, sau 27 năm cắm bản với đồng bào Rục, khi đã bước gần đến ngưỡng tuổi xế chiều, thầy Hướng mới chấp nhận chuyển lên công tác tại Trường PT Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Trọng Hóa (Minh Hóa).

Nói đến thầy Hướng, bà Cao Thị Liễu (người Rục ở xã Thượng Hóa) không dấu được xúc động cho biết: “Thầy sống cùng đồng bào đã mấy chục năm, cùng đồng bào ăn củ mài, củ nu, đi hái từng đọt cây rừng về làm thức ăn cho đến tận khi đồng bào no đủ cơm gạo. Thầy đã dạy con chữ cho nhiều thế hệ học sinh ở đây rồi nên chúng tôi không muốn cho thầy đi”.

Thấy mọi người bịn rịn với mình như vậy, thầy Hướng lại phải tìm cách thuyết phục cho đồng bào hiểu: “Thầy chuyển trường đến dạy chữ cho nhiều em khó khăn hơn, lúc nào có thời gian thầy lại về thăm bản làng, thăm bà con”.

Ngày hôm nay, nhìn lại các thế hệ học sinh của đồng bào Rục ngày càng trưởng thành, nhiều em học sinh của thầy đã bước đầu thanh đạt như em Hồ Phong, hiện là công an, em Hồ Tiến Nam hiện là giáo viên dạy Trường tiểu học Yên Hợp… trong lòng thầy lại dâng lên niềm hạnh phúc khó tả, thầy bảo đó là món quà quý giá nhất cho những năm tháng “không thể nào quên” với đồng bào.

Bình luận bài viết

x

Check Also

Tấm lòng những cô giáo dạy trẻ khuyết tật

GDTĐ – Năm học mới sắp bắt đầu, nhưng rất nhiều thầy cô ở các ...