Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Dạy học về nguyên hàm, tích phân, ứng dụng theo hướng thi trắc nghiệm

Dạy học về nguyên hàm, tích phân, ứng dụng theo hướng thi trắc nghiệm

GDTĐ – Thi tự luận, đề thi chương nguyên hàm, tích phân và ứng dụng đòi hỏi học sinh phải thuộc các công thức, nắm được các phương pháp tính và vận dụng linh hoạt chúng. Năm nay thi trắc nghiệm, học sinh phải được trang bị những gì để đi thi? Việc dạy học có thay đổi so với trước kia không, thay đổi thế nào?

Những lưu ý trong dạy học

Trả lời câu hỏi trên, cô Huỳnh Thị Mỹ Duyên – Giáo viên Toán Trường THPT Huỳnh Hữu Nghĩa (Sóc Trăng) – cho rằng: Nếu đề tự luận chủ yếu tập trung giải toán, đề trắc nghiệm còn chú ý đến kiến thức lý thuyết, các công thức. Học sinh cần nắm chắc lý thuyết để giải nhanh các câu hỏi này.

Thông thường, trong câu hỏi lý thuyết, các phương án trả lời sẽ từa tựa nhau và đều dường như là có lý. Vì vậy khi dạy lý thuyết, giáo viên cần dạy cho học sinh hiểu kỹ định nghĩa nguyên hàm, định nghĩa tích phân, ứng dụng của tích phân, các công thức tính; cho học sinh nắm kỹ các tính chất, các chú ý nhỏ trong sách giáo khoa, những phần này trong thi tự luận ít đề cập tới.

Cũng theo cô Huỳnh Thị Mỹ Duyên, trong quá trình dạy, giáo viên cần hướng dẫn học sinh sử dụng máy tính một cách hiệu quả. Tuy nhiên không nên lạm dụng vì có những câu chỉ cần tỉnh táo nhận ra đáp án nhanh hơn mà không cần bấm máy. Ngoài ra khi lạm dụng máy tính, học sinh sẽ không có kỹ năng làm những câu có tham số hoặc những câu không bấm máy được.

Sau mỗi phần, giáo viên cho thêm câu hỏi vấn đáp hoặc cho câu hỏi trắc ngiệm nhằm để biết được thông tin phản hồi rằng học sinh hiểu vấn đề chưa.

Việc giải bài tập, giáo viên cũng nên giải theo tự luận để học sinh biết được cách giải, nhất là trong bài nguyên hàm. Trong quá trình dạy tự luận giáo viên nhấn mạnh những vấn đề cần lưu ý, những điều dễ nhầm lẫn cho học sinh.

Việc dạy học sinh tự học là vấn đề vô cùng quan trọng. Nhấn mạnh điều này, cô Mỹ Duyên chia sẻ: Chúng ta đều biết, đối với bài nguyên hàm, muốn trả lời một câu hỏi trắc nghiệm có khi học sinh phải gần giải như một bài tự luận, cũng có những câu hỏi về lý thuyết…

Muốn làm được như vậy, học sinh phải học rất nhiều, nhớ lý thuyết, nhớ cách làm bài rồi mới trả lời trắc nghiệm được. Mặt khác, thời lượng dành cho mỗi bài không nhiều nên nếu chỉ học trên lớp thì không đủ. Ngoài ra, việc tự học còn giúp học sinh khắc sâu kiến thức và nhớ bài lâu và khoa học.

Để giúp học sinh tự học có hiệu quả, sau phần lý thuyết nguyên hàm, giáo viên phát cho học sinh bài tập về công thức hoặc liên quan tới công thức cho học sinh về nhà làm, từ đó học sinh nhớ luôn công thức mà không cần học thuộc lòng. Sau khi dạy xong bài tập nguyên hàm theo kiểu tự luận, giáo viên phát bài tập về cho học sinh giải theo kiểu trắc nghiệm.

Lúc đầu học sinh sẽ giải như một câu tự luận, mất nhiều thời gian nhưng các em sẽ tự rút kinh nghiệm cho bản thân làm sao cho ra kết quả nhanh nhất. Tiết sau, giáo viên sửa bài và dạy cho học sinh cách trả lời trắc nghiệm.

“Trên cơ sở học xong lý thuyết, biết cách giải bài tập và đã làm thử ở nhà, học sinh đã có một số kinh nghiệm tự rút ra, giáo viên hướng dẫn thêm là các em sẽ có kỹ năng làm bài trắc nghiệm tốt.

Đối với tích phân, giáo viên hướng dẫn học sinh bấm máy tính; đối với nguyên hàm và ứng dụng tích phân, học sinh sẽ đọc nhanh 4 đáp án, sử dụng loại suy, nếu loại suy không hoàn toàn thì sẽ kết hợp tính.

Có những bài không loại suy được, học sinh sử dụng vốn kiến thức tự luận đã học để giải, chỉ các những bước nào cần ghi nháp, bước nào cần lướt nhanh. Quan trọng là phải rèn luyện tính cẩn thận cho học sinh” – Cô Huỳnh Thị Mỹ Duyên lưu ý thêm.

Soạn đề kiểm tra chương nguyên hàm, tích phân và ứng dụng

Việc soạn đề kiểm tra chương nguyên hàm, tích phân và ứng dụng theo hướng trắc nghiệm khách quan cũng được cô Huỳnh Thị Mỹ Duyên chia sẻ.

Theo đó, trước khi soạn một đề kiểm tra hay một đề bài tập trắc nghiệm, giáo viên nên tham khảo thêm những nguồn tài liệu uy tín, không nên soạn chủ quan theo ý của mình.

Đối với kiểm tra định kỳ và thường xuyên bài nguyên hàm, giáo viên có thể cho cả trắc nghiệm và tự luận, tự luận để giáo viên biết thông tin phản hồi học sinh nắm bài tới đâu, có biết cách làm hay không.

Lưu ý, đề bài tập đầy đủ theo chuẩn kiến thức kỹ năng, từ công thức, chú ý nhỏ đến các bài tập. Đề phải có đủ các cấp độ như nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao và có 3 kiểu đáp án là loại suy hoàn toàn, loại suy 50% và tính để ra kết quả;

Bên cạnh đó, đề có các câu nhận biết không cần bấm máy tính, đáp án cho theo kiểu loại suy hoàn toàn. Dạng câu hỏi thứ hai là sử dụng hình ảnh hoặc công thức, đáp án theo kiểu loại suy hoàn toàn hoặc loại suy 50%.

Các câu đỏi hỏi phải tính toán, vận dụng kiến thức, đáp án theo kiểu loại suy 50% hoặc chỉ tính, không loại suy. Trong đề phải có câu vận dụng cao, đáp án theo kiểu tính hoặc loại suy 50%. Về đáp án, phương án nhiễu phải tốt, tránh những phương án nhiễu hiển nhiên.

“Hiện nay, đổi mới dạy học để phù hợp phương án thi là một điều mà bất cứ giáo viên dạy Toán lớp 12 nào cũng phải làm. Đổi mới từ cách dạy lý thuyết, dạy bài tập đến đổi mới cách ra đề kiểm tra.

Muốn học sinh làm bài đạt hiểu quả cao, giáo viên phải giúp học sinh nắm được lý thuyết, nắm được cách giải bài tập và quan trọng là dạy các em kỹ năng làm bài trắc nghiệm.

Do mới bước đầu thực hiện nên chúng tôi rất cần trao đổi học hỏi thêm từ đồng nghiệp, tham khảo thêm tài liệu trên mạng, hợp tác tạo ra ngân hàng đề đa dạng” – Cô Huỳnh Thị Mỹ Duyên chia sẻ.

Hải Bình

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...