Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Điểm mới đáng lưu ý từ đề thi minh học môn Toán

Điểm mới đáng lưu ý từ đề thi minh học môn Toán

GDTĐ – Điểm mới nhất trong đề thi minh họa môn Toán là có những câu hỏi mang tính ứng dụng kiến thức toán để giải quyết vấn đề thực tiễn đời sống, giải quyết vấn đề tích hợp liên môn như các câu trả tiền ngân hàng, tính quãng đường, cắt tôn làm thùng đựng nước…

Điều này sẽ loại trừ được những học sinh học vẹt, hoặc không nắm được kiến thức căn bản một cách vững vàng.

Đề có khả năng phân loại thí sinh

Về kiến thức, đề thi minh họa chỉ bao gồm kiến thức lớp 12, đúng như thông báo của Bộ GDĐT trước đó. Mức độ tư duy phân phối tương đối hợp lý giữa các mức độ nhận biết, thong hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Kiến thức trong đề không tập trung vào một số chủ điểm mà dàn trải; bám sát với chương trình học, không đánh đố. Phân bố các câu hỏi hình học, đại số và giải tích hợp lý. Đề có khả năng phân loại học sinh, điều này sẽ thể hiện rõ hơn nếu phòng thi có 24 đề/ 24 thí sinh.

Một điều phải ghi nhận là trong đề ít câu hỏi sử dụng thủ thuật, mẹo tính loại trừ; các câu hỏi kiểm tra được kỹ năng vận dụng kiến thức đã học để giải toán.

Học sinh thể học lệch, học tủ theo chủ điểm

Từ đề thi minh họa của Bộ GDĐT, học sinh không thể học lệch, học tủ theo chủ điểm (đây là hạn chế trong các đề thi dưới hình thức tự luận những năm qua).

Học sinh phải nắm vững kiến thức căn bản, hiểu đúng bản chất của các phần kiến thức đã được học, không thể bỏ qua, xem thường một số nội dung mà lâu nay đôi khi được cho là “không đáng quan tâm”.

Trên cơ sở nắm vững kiến thức căn bản, học sinh cần nâng cao kỹ năng áp dụng giải toán; song song phối hợp với các phương tiện hỗ trợ như máy tính cầm tay, phần mềm hỗ trợ môn toán; rèn luyện kỹ năng phân tích loại trừ.

Các em cũng phải biết vận dụng kiến thức toán đã được học để giải quyết các tình huống thực tiễn thường gặp trong đời sống, hoặc phải có liên hệ với các môn học có sử dụng đến toán.

Bên cạnh đó, học sinh cần quan tâm nhiều hơn đến việc ứng dụng và vận dụng kiến thức toán vào đời sống kinh tế, môi trường sống, về dân số, các chỉ số xã hội…

Từ đó, không chỉ nâng cao được vị thế, vai trò của môn toán trong đời sống mà còn phối hợp để giáo dục ý thức cộng đồng, trách nhiệm với nghề nghiệp tương lai.

Cũng với đề thi này, học sinh sẽ phải đầu tư thời gian, tâm sức học đồng đều các phần và liên tục trong cả quá trình học.

Lưu ý với giáo viên

Trước hết, giáo viên phải phối hợp các phương pháp, phương tiện để hướng dẫn học sinh làm quen tiến tới thành thạo phương thức làm bài trắc nghiệm. Tuy nhiên, không vì thế mà giáo viên trong quá trình giảng dạy, làm mất đi đặc thù tư duy của môn Toán.

Các thầy cô cũng cần tăng cường cho học sinh làm quen và thực hành việc giải Toán dưới hình thức trắc nghiệm, phối hợp hướng dẫn học sinh sử dụng phương tiện hỗ trợ như máy tính cầm tay, phần mềm ứng dụng môn Toán …

Tăng cường và chủ động phối hợp các hình thức kiểm tra tự luận và trắc nghiệm trong các bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ. Chữa bài, rút kinh nghiệm cẩn thận cho học sinh trong việc làm bài.

Giáo viên không được cắt xén chương trình, hoặc không thể dạy lướt, dạy đối phó cho qua những phần kiến thức lâu nay “hay bị xem nhẹ”.

Phải quan tâm thường xuyên hơn đến học sinh trong việc định hướng, giúp đỡ học sinh tiếp cận, làm chủ kiến thức. Phải phân loại và giúp đỡ nhiều hơn đối với học sinh yếu kém môn toán, giúp các em từng bước thực hiện được từng mục tiêu đơn vị kiến thức và giúp các em hoàn thiện dần kỹ năng làm toán. Bên cạnh đó cũng không thể lơ là mà phải có phương án phát triển tố chất môn toán cho học sinh khá giỏi.

Giáo viên đồng thời phải định hướng và giúp học sinh vận dụng kiến thức toán để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Cần đưa nhiều minh họa ứng dụng thực tiễn trong bài giảng, chủ động cho thêm bài tập thường gặp trong đời sống để học sinh làm quen với việc học đi đôi với hành, biết liên hệ kiến thức với các vấn đề thực tế xung quanh. Học sinh qua đó, sẽ không bị khó khăn và không “thấy lạ” khi gặp các bài toán dạng này trong đề thi.

Giáo viên Đỗ Tất Tâm – Tổ trưởng tổ tự nhiên – Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội)

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...