Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Kinh nghiệm dạy học theo dự án với phân môn Tập làm văn

Kinh nghiệm dạy học theo dự án với phân môn Tập làm văn

GDTĐ – Đặc thù của phân môn Tập làm văn cho phép phân môn này vận dụng phương pháp dạy học theo dự án để nâng cao hiệu quả dạy học một cách tối ưu nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế, giáo viên và học sinh đều thấy khó khăn trong việc dạy học phân môn này. Đặc biệt, học sinh ít hứng thú khi phải đối diện với những bài văn có thể dễ dàng chép từ văn mẫu và học thuộc lòng. Cách học máy móc và rập khuôn của học sinh cũng có nguyên nhân từ cách dạy của giáo viên.

Trước thực trạng này, sinh viên Phạm Thanh Hoa (Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP Hà Nội) đã chia sẻ nghiên cứu với nội dung vận dụng phương pháp dạy học theo dự án trong phân môn Tập làm văn lớp 3 và đưa ra quy trình dạy học theo 5 giai đoạn: Hình thành dự án, thực hiện dự án, bảo vệ dự án, triển lãm dự án; đánh giá và nghiệm thu dự án.

Hình thành dự án: Đặc biệt lưu ý xây dựng hệ thống câu hỏi

Trong giai đoạn hình thành dự án, giáo viên cần lên ý tưởng hình thành dự án và xây dựng hệ thông câu hỏi định hướng, gồm câu hỏi khái quát, câu hỏi bài học và câu hỏi nội dung.

Muốn vận dụng phương pháo dạy học theo dự án vào phân môn Tập làm văn có hiệu quả phải căn cứ vào nội dung chủ điểm, điều kiện thực tế và tính ứng dụng của chủ điểm đó trong đời sống học sinh.

Câu hỏi khái quát sẽ khái quát những ý tưởng xuyên suốt chủ điểm, giúp học sinh hình dung một cách toàn diện nội dung và ý nghĩa của chủ điểm. Với câu hỏi này, có thể có nhiều câu trả lời và để trả lời được phải thông qua quá trình học sinh tìm tòi, khám phá.

Để xây dựng câu hỏi khái quát trong phân môn Tập làm văn tốt, giáo viên cần tập trung suy nghĩ về chủ điểm mình dạy một cách tổng thể. Ví dụ: Tại sao học sinh phải học chủ điểm này?

Tại sao chủ điểm đó quan trọng và vì sao học sinh lại phải quan tâm đến nó? Việc học chủ điểm này có giá trị như thế nào? Trong chủ điểm, khái niệm quan trọng cần hướng đến là gì? Nội dung của chủ điểm ảnh hưởng đến cuộc sống thực của học sinh ra sao? Làm thế nào để nội dung chủ điểm có ý nghĩa với học sinh?

Với câu hỏi bài học, cần có đáp án mở nhằm lôi cuốn học sinh tới việc khám phá những ý tưởng cụ thể đối với từng chủ điểm. Các câu hỏi cũng nhằm đưa ra những vấn đề kích thích việc thảo luận, bổ trợ cho câu hỏi khái quát.

Để xây dựng câu hỏi bài học, giáo viên cần tự đặt cho mình những định hướng như: Trọng tâm của chủ điểm là gì? Những câu hỏi mở nào học sinh các năm học trước đã đặt ra và thắc mắc khi học chủ điểm này? Mong muốn học sinh phát hiện nội dung mới này ra sao? Làm thế nào để giúp học sinh liên kết, mở rộng kiến thức mình đang học?

Với câu hỏi nội dung, đây là loại câu hỏi kiểm tra khả năng ghi nhớ của học sinh dựa trên các thông tin, thường yêu cầu học sinh phải xác định bằng cách trả lời các câu hỏi: Ai? Cái gì? Ở đâu? Khi nào? Như thế nào? Tại sao?

Để xây dựng các câu hỏi này, giáo viên cần xem có những câu hỏi nào ngắn gọn học sinh trả lời được sau khi học xong chủ điểm và những việc nào học sinh mong muốn thực hiện…

Đánh giá, nghiệm thu dự án

Đây là bước rất quan trọng vì qua đó sẽ rút ra kinh nghiệm cho các dự án tiếp theo. Đánh giá dự án không chỉ đơn thuần là đánh giá sản phẩm của dự án mà còn phải đánh giá mức độ hiểu, khả năng nhận thức và kĩ năng của học sinh, đồng thời theo dõi sự tiến bộ của học sinh.

Một số công cụ đánh giá có thể dùng trong phương pháp dạy học theo dự án là: Bài kiểm tra viết và kiểm tra nói; sổ ghi chép; phỏng vấn và quan sát dựa trên kế hoạch đã chuẩn bị; sự thể hiện; kế hoạch dự án;

Phản hồi qua bạn học; quan sát các nhóm làm việc để hỗ trợ đánh giá kĩ năng cộng tác; các sản phẩm.

Các nguyên tắc dạy học theo dự án cần lưu ý

Để thực hiện tốt phương pháp dạy học theo dự án, giáo viên cần đảm bảo các nguyên tắc: Dạy học tập trung vào những mục tiêu học tập quan trọng gắn với các chuẩn; dạy học đảm bảo người học là trung tâm của hoạt động dạy học; 

Đảm bảo sự hợp lý giữa lí luận và thực tiễn; đảm bảo tính khách quan, khoa học, thường xuyên trong quá trình đánh giá việc thực hiện dự án của học sinh; đảm bảo có sự hỗ trợ của các phương tiện kĩ thuật hiện đại trong quá trình dạy học.

Hải Bình (ghi)

TIN LIÊN QUAN

  • Hướng dẫn dạy học Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân
  • Ứng dụng CNTT dạy học Văn: Để không biến giờ dạy thành trình diễn
  • Phát triển năng lực từ đổi mới phương pháp dạy học

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...