Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Lưu ý quan trọng khi ôn tập, làm bài thi THPT quốc gia môn Hóa học

Lưu ý quan trọng khi ôn tập, làm bài thi THPT quốc gia môn Hóa học

GDTĐ – Các thầy cô giáo tổ Hóa học Trường THPT Đại Ngãi (Sóc Trăng) chia sẻ kinh nghiệm dạy ôn thi THPT quốc gia môn Hóa học; trong đó đưa ra những lưu ý với học sinh khi ôn tập và làm bài thi môn học này trong kỳ thi THPT quốc gia.

Những lưu ý với học sinh cụ thể như sau:

Giáo viên nhắc nhở, yêu cầu học sinh lưu ý một số điểm sau trong kì thi THPT quốc gia:

Do đề thi rút ngắn thời gian và phải thi cùng lúc 3 bài thi nên thí sinh phải luyện tập thật nhiều và nên cố gắng tính giờ cho một bài thi hoàn chỉnh. Khi giải bài, nếu có thể nên tập trung làm ba bài liên tiếp để cho não hình thành thói quen tư duy.

Riêng với kiến thức lý thuyết, khi học nên hệ thống thành sơ đồ tư duy hoặc những kiến thức nào có liên quan thì tập trung thành một chủ đề. Xem kĩ những dòng chữ màu xanh trong sách giáo khoa (những câu này có thể xuất hiện ở dạng câu hỏi nhận định đúng hoặc sai).

Học sinh nên đặt mục tiêu điểm 8 trước; khi nào thấy bản thân có thể đạt được điểm 8 thì hãy nghĩ tới điểm 9, 10 để tránh sa đà vào các câu quá khó mà bỏ qua những câu cơ bản (vì mỗi câu có số điểm đều như nhau từ câu khó nhất đến câu dễ nhất).

Học sinh đừng mất thời gian quá nhiều cho những câu bài tập quá khó. Đôi khi câu lý thuyết dễ nhất mà không nắm rõ thì nó có thể trở thành câu khó nhất trong cả bài thi.

Trước khi thi khoảng một tháng, thí sinh nên dành thời gian giải lại các đề thi của Bộ GDĐT trong các năm gần đây. Đề thi tập trung trong chương trình 12 nên tập trung giải lại các câu hỏi có liên quan đến bài thi.

Khi làm bài, không nhất thiết phải giải thật nhiều đề mà nên giải đi giải lại các dạng cho thật nhuần nhuyễn, tự bản thân phải cố gắng rút ra kiến thức, tư duy, kỹ năng sau mỗi dạng bài để biến nó thành kinh nghiệm của bản thân.

Không xem nhẹ bất kì kiến thức nào trong một bài học. Bên cạnh đó, đề minh hoạ có rất nhiều câu hỏi lý thuyết (khoảng 25 câu) nên thường dành thời gian để kiểm tra phần lí thuyết và luôn xâu chuỗi lại những kiến thức có liên quan giữa các chương với nhau.

Đề thi chủ yếu trong chương trình 12, nhưng phần bài tập vận dụng cao vẫn có một số kiến thức liên quan đến 10 và 11, bởi vậy giáo viên nên lưu ý với học sinh và cho học sinh làm một số bài tập minh họa.

Đánh giá phân loại đúng năng lực, trình độ học sinh

Kinh nghiệm của các thầy cô giáo tổ Hóa học Trường THPT Đại Ngãi, giáo viên cần dựa vào ý thức, thái độ tham gia xây dựng bài học, đặc biệt là căn cứ vào kết quả học tập của năm trước, kết quả của các lần kiểm tra 15 phút, một tiết, thi học kì… để phân loại được các nhóm đối tượng học sinh để từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp với từng nhóm học sinh.

Sau khi có danh sách học sinh đăng kí ôn thi, chia học sinh thành hai lớp riêng để ôn tập. Lớp thứ nhất dành cho học sinh đăng kí thi tốt nghiệp THPT quốc gia; lớp thứ hai dành cho các em đăng kí thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học.

Đối với từng lớp, giáo viên xây dựng đề cương ôn tập riêng và đề ra kế hoạch ôn tập phù hợp với năng lực và trình độ của học sinh như sau:

Đối với học sinh chỉ đăng kí thi tốt nghiệp THPT quốc gia, giáo viên sẽ hệ thống lại kiến thức của từng bài, từng chương, sau đó hướng dẫn các em giải chi tiết từng câu trắc nghiệm trong đề cương theo các cấp độ nhận thức từ dễ tới khó.

Đối với các em đăng kí thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, giáo viên hệ thống kiến thức từng chương theo sơ đồ tư duy, sau đó hướng dẫn các em ôn tập theo từng chủ đề như: kinh nghiệm giải các bài toán về este, amin, amino axit…., cách sử dụng phương pháp bảo toàn electron, phương pháp bảo toàn khối lượng, phương pháp đường chéo, phương pháp tăng giảm khối lượng..

Giáo dục ý thức học tập cho học sinh

Giáo viên phải giáo dục ý thức học tập của học sinh, tạo cho học sinh sự hứng thú trong học tập, từ đó sẽ giúp cho học sinh có ý thức vươn lên. Thường xuyên động viên, khích lệ các em để các có niềm tin và động lực học tập.

Xác định kiến thức cơ bản, trọng tâm

Xác định rõ kiến thức trọng tâm, kiến thức nền (những kiến thức cơ bản, có nắm được những kiến thức này mới giải quyết được những câu hỏi và bài tập) trong tiết dạy cần cung cấp, truyền đạt cho học sinh.

Đối với học sinh yếu kém không nên mở rộng, chỉ dạy phần trọng tâm, cơ bản, làm bài tập nhiều lần và nâng dần mức độ của bài tập sau khi các em đã nhuần nhuyễn các dạng bài tập đó.

Xây dựng môi trường học tập thân thiện

Sự thân thiện của giáo viên, không khí học tập thoải mái cũng góp phần đạt hiệu quả giáo dục rất cao. Thông qua cử chỉ, lời nói, ánh mắt, nụ cười… giáo viên tạo sự gần gũi, cảm giác an toàn nơi học sinh để các em bày tỏ những khó khăn trong học tập.

Giáo viên luôn tạo cho bầu không khí lớp học thoải mái, nhẹ nhàng, không dùng lời thiếu tôn trọng đối với các em, đừng để cho học sinh cảm thấy sợ giáo viên mà hãy làm cho học sinh thương yêu và tôn trọng mình.

Giáo viên phải là người chịu khó, kiên trì, không nản lòng trước sự chậm tiến của học sinh, phải biết phát hiện ra sự tiến bộ của các em cho dù là rất nhỏ để kịp thời động viên khuyến khích làm niềm tin cho các em cầu tiến.

Tổ chức kiểm tra kết quả ôn tập của học sinh theo định kì

Các thầy cô tổ Hóa học Trường THPT Đại Ngãi cho rằng qua kiểm tra sẽ đánh giá được năng lực tiếp thu kiến thức của học sinh, từ đó đưa ra phương pháp ôn tập phù hợp, kịp thời uốn nắn giúp đỡ những em có học lực yếu.

Hải Bình

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...