Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Phân loại bài tập và mẹo hay làm bài dự thi IOE

Phân loại bài tập và mẹo hay làm bài dự thi IOE

GDTĐ – Giúp học sinh trong các vòng thi IOE cấp tỉnh, cấp quốc gia, cô Nguyễn Thị Cúc (Trường THPT Giao Thủy, Nam Định) – chia sẻ các kỹ xảo làm bài cũng như hướng dẫn học sinh thực hiện từng dạng bài cụ thể.

Dạng 1: Thủ môn bắt bóng – Defeat the goalkeeper

Giáo viên hướng dẫn cho học sinh như sau: Có 10 câu hỏi dạng trắc nghiệm lần lượt xuất hiện; học sinh phải đưa ra câu trả lời của mình bằng cách click chuột vào 1 trong 4 đáp án A, B, C hoặc D.

Nếu lựa chọn của học sinh đúng thì bóng sẽ bay vào khung thành. Nếu lựa chọn của học sinh sai thì thủ môn sẽ đẩy được bóng ra ngoài . Thời gian làm bài cho phép là 20 phút. Đồng hồ đếm ngược trên góc phải màn hình sẽ thông báo thời gian làm bài còn lại.

Dạng 2: Chọn cặp tương ứng – Cool Pair Matching

Thông thường dạng bài tập này là kết hợp từ tiếng Anh và bức tranh tương ứng. Do đó sẽ có rất nhiều từ mới học sinh chưa được học, hoặc phải tự học thêm, khả năng sai cao.

Vì thế, HS cần bình tĩnh kết hợp, suy nghĩ, phán đoán và kết hợp suy luận; được quyền làm sai nhưng không quá 3 cặp từ. Học sinh cần phải biết cách làm lựa chọn cặp nào mình biết làm trước, còn lại các từ không biết nghĩa phải loại trừ kết hợp các từ vừa làm sai để đưa ra phương án cuối cùng cho đúng.

Dạng 3: Giúp Gấu lấy mật – Find the Honey

Giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng phím mũi tên để di chuyển, vượt qua chướng ngại vật bằng cách chọn đáp án đúng, hoặc điền chữ cái còn thiếu vào chỗ trống. Trên đường đi Gấu gặp chướng ngại vật là những ô có đặt dấu “?”.

Để vượt chướng ngại vật, học sinh phải trả lời các câu hỏi trong mỗi dấu “?” đó. Nếu trả lời đúng, Gấu sẽ tiếp tục được đi qua. Khi trả lời sai, ô chứa dấu “?” sẽ biến thành đá. Khi ấy, ta phải tìm đường khác để đưa Gấu đến được lọ mật ong.

Trong trường hợp nhập sai câu trả lời, học sinh có quyền nhập lại bằng cách dùng phím “Backspace” hoặc “Delete” trên bàn phím để xóa câu trả lời cũ.

Tuy nhiên học sinh cần lựa chọn cho chú Gấu đi theo hướng nào là rất quan trọng. Hướng lựa chọn khôn ngoan là đướng đi khi bị bí mà Gấu vẫn có thể đi lại được đường khác để qua cửa.

Dạng 4: Lái xe an toàn – Safe Driving

Dạng bài này, ta phải đưa xe về đích bằng cách vượt qua các chướng ngại vật ở trên đường. Học sinh dùng bàn phím của máy tính hoặc bàn phím ảo cho sẵn để đánh câu trả lời của mình. Mỗi dấu gạch dưới ” _ ” tương ứng với 1 chữ cái còn thiếu. Có bao nhiêu dấu gạch dưới thì phải điền bấy nhiêu chữ cái.

Khi trả lời sai sẽ xuất hiện một câu hỏi khác để học sinh làm tiếp; chỉ được trả lời tối đa 3 câu hỏi trong 1 lần vượt chướng ngại vật.

Dạng 5: Thứ tự nào đúng? – What’s the Order?

Thông thường với dạng bài này học sinh cần nắm 2 điểm cơ bản. Thứ nhất là chữ in hoa thông thường là đứng đầu câu; thứ hai là dấu chấm hoặc dấu hỏi, thường đứng cuối câu.

Đây là dấu hiệu loại trừ đầu tiên khi phần sắp xếp cho 4 hoặc 5 cụm từ cần sắp xếp. Nếu nắm được 2 yếu tố này ta đã chắc đúng 2 cụm từ, còn 3 cụm từ còn lại ta sử dụng kiến thức và phương pháp loại trừ để sắp xếp.

Dạng 6: Chú khỉ thông minh – Smart Monkey

Trò chơi này đòi hỏi học sinh phải nhanh tay, nhanh mắt, ngoài việc chọn từ đúng nghĩa tiếng Anh và tiếng Việt còn phải tiết kiệm thời gian. Trò chơi này cũng giống như dạng bài tập Cool pair matching nhưng khác ở chổ khi từ hoặc tranh sẽ chạy ra từ phải sang trái một cách từ từ.

Bí quyết là khi từ đã chạy sang cuối cùng bên trái học sinh vẫn có thể nhấn nút chuột để chọn không để đợi chạy sang vòng sau vì rất tốn thời gian, hơn thế nữa học sinh có thể chờ nháy chuột phía bên phải khi từ mình biết vừa xuất hiện là chọn ngay, không đợi cho từ hoặc tranh chạy ra giữa dòng rồi mới chọn.

Dạng 7: Điền chữ cái/ từ còn thiếu – Fill the Blank

Bài thi này có 10 từ tiếng Anh sai (thiếu 1 chữ cái) hoặc 10 câu tiếng Anh sai (thiếu 1 từ). Ta phải điền 1 chữ cái còn thiếu vào từ hoặc 1 từ còn thiếu vào câu để được 1 từ hoặc 1 câu tiếng Anh đúng.

Phần thi này cũng giống với phần thi Lái xe an toàn. Tuy nhiên phần điền từ đa số là giới từ, cho nên nếu gặp câu nào khó ta cứ tìm giới từ nào có đủ chữ cái là điền ngay.

Dạng 8: Loại chữ cái thừa – Leave Me out

Bài thi này có 10 từ tiếng Anh sai (thừa 1 chữ cái). Học sinh phải loại bỏ 1 chữ cái thừa trong từ để được 1 từ tiếng Anh đúng bằng cách click vào chữ cái mà ta cho là thừa.

Ta có thể thay đổi sự lựa chọn của mình bằng cách click vào chữ cái khác. Chữ cái mà ta chọn trước đó sẽ trở lại vị trí cũ. Để xác nhận quyết định cuối cùng, ta cần phải click “Submit”.

Phần thi này đòi hỏi học sinh phải có vốn từ vựng phong phú. Chính vì vậy, tôi luôn yêu cầu học sinh học hỏi nâng cao vốn từ vựng của mình không chỉ ở sách giáo khoa, ở chương trình THPT mà còn ở các giáo trình tiếng Anh khác nữa.

Một số mẹo làm bài

Trong vòng thi cấp tỉnh hay cấp quốc gia, học sinh phải giải đề 200 câu, hoặc 220 câu và hệ thống các dạng bài rất đa dạng. Khi dự thi, câu hỏi nào không làm được học sinh có thể bỏ qua và khi làm xong nếu còn thời gian hệ thống sẽ quay lại các câu mà các em chưa làm xong.

Nếu không làm được, học sinh em chọn ngẫu nhiên một phương án để nhanh chóng tới câu hỏi khác thì các em sẽ không có cơ hội làm lại. Nhiều học sinh đã mắc phải lỗi này. Khi làm bài xong các em còn thời gian nhưng không còn câu hỏi để làm, điều này thật đáng tiếc.

Những kỹ xảo trên máy tính khi thi vòng thi các cấp như sau:

Học sinh nên kiểm tra máy đã đủ các ứng dụng chưa, đã cài đủ trình duyệt Fire Fox hay Google Chrome, Flash Player. Hãy thử máy của mình trước giờ thi bằng cách vào phần thi thử để thi, trong quá trình thi thử phải kiểm tra chất lượng của tai nghe, các phím trên bàn phím có kẹt không, phần listening có thấy âm thanh không.

Vì có nhiều máy cài đặt sẵn phần mềm tự động download, khi đến phần âm thanh, máy sẽ báo download về, và như thế chúng ta sẽ không nghe thấy âm thanh.

Hay là nhiều máy cài phần mềm diệt vi rus hay một số phần mềm khác, khi thi kết nối mạng các phần mềm này đến lúc cần nâng cấp nên luôn hiện bảng đòi update, các em chưa quen sử dụng máy lạ nên lúng túng xử lí, có thể làm hỏng bài thi của mình. Một điều nữa là các em phải chắc chắn rằng các em đã tắt các phần mềm gõ Tiếng Việt.

Khi gặp sự cố trong quá trình thi, các em không được ra bất cứ lệnh gì cả, cứ nguyên hiện trạng máy như thế và báo ngay cho giám thị coi thi. Đặc biệt không được ấn phím Enter, vì như thế máy sẽ hiểu là nộp bài.

Quan trọng hơn, các em phải luôn luôn giữ bình tĩnh, thái độ tự tin, và trước giờ thi hít thở thật sâu vài lần để có tâm lý thật tốt, như vậy chúng ta sẽ làm bài trong một tâm thế thoải mái và kết quả đạt được sẽ cao.

Cô Nguyễn Thị Cúc – Trường THPT Giao Thủy (Nam Định)

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...