Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Thi trắc nghiệm môn Toán: Không thể học tủ

Thi trắc nghiệm môn Toán: Không thể học tủ

GDTĐ – Đây là khẳng định của thầy Đỗ Tất Tâm – Tổ trưởng tổ Tự nhiên, Trường THPT Đoàn Thị Điểm, Hà Nội – khi trao đổi về việc dạy – học môn Toán trước những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Cần tăng cường kỹ năng giải quyết vấn đề cho học sinh

Liên quan đến điều chỉnh phương pháp giảng dạy, giúp học sinh thực hiện tốt bài thi trắc nghiệm Toán trong kỳ thi THPT quốc gia, thầy Đỗ Tất Tâm cho rằng, trước hết cần phải phát huy vai trò tích cực của học sinh, với môn Toán là phát huy năng lực toán học.

Hiện nay, nhiều thầy cô nghĩ năng lực toán phải là khi cho bài toán, học sinh phải tìm được đáp số, dùng các thủ thuật. Nhưng thực chất, năng lực toán đích cuối cùng là từ các vấn đề được học, học sinh nhìn nhận, vận dụng được vào thực tế ra sao. Đó cũng là mảng yếu nhất hiện nay của học toán.

“Trên thực tế, có học sinh học hết lớp 12 nhưng ra ngoài cuộc sống, tính thể tích 1 cái ao hay ước lượng vấn đề nào đó có sử dụng toán rất lúng túng. Nên việc giải quyết các tình huống và vận dụng vào thực tiễn mới là quan trọng. Đó cũng là định hướng của Bộ GDĐT” – thầy Đỗ Tất Tâm chia sẻ.

Thầy Đỗ Tất Tâm 

Khi thi Toán theo hình thức tự luận, nhiều khi các thầy cô chỉ cần tập trung học sinh những chủ đề chắc chắn sẽ có theo cấu trúc đề thi. Nhưng với thi trắc nghiệm, kiến thức trải rộng sẽ không làm được việc đó nữa. Học sinh cũng sẽ chủ động hơn trong việc đưa ra nhận định về những vấn đề mà thầy cô đưa ra trong tiết học.

Cũng bởi vậy, giáo viên phải tăng cường rèn kỹ năng giải quyết các vấn đề; tập dượt cho học sinh trong các kỳ kiểm tra, kỳ thi làm quen với hình thức trắc nghiệm và thi trắc nghiệm; tập cho học sinh phản xạ, kỹ năng giải toán nhanh, chính xác phối hợp sử dụng máy tính cầm tay…

Chia sẻ về sự chuẩn bị của Trường THPT Đoàn Thị Điểm, thầy Đỗ Tất Tâm cho biết: Mặc dù cũng có những băn khoăn nhất định nhưng chúng tôi không bị động vì ngay từ đầu năm học, nhà trường cũng đã triển khai đổi mới về hình thức kiểm tra, đánh giá, đổi mới phương pháp dạy học.

Dưới sự chỉ đạo của Ban giám hiệu, các thầy cô trong trường đã nhanh chóng nắm bắt được tinh thần chỉ đạo của Sở GDĐT, Bộ GDĐT; chủ động xây dựng hệ thống kiến thức và thậm chí triển khai những nội dung đó trước cuộc họp giáo vụ đầu năm của Sở GDĐT.

Với giáo viên, các thầy cô đã xây dựng hệ thống chuyên đề, tập hợp các mảng kiến thức trọng tâm; từ đó, triển khai đồng bộ vấn đề chuyên môn, giúp học sinh có hệ thống kiến thức tối ưu nhất để các con tập trung ôn tập.

“Chúng tôi cũng đã chủ động xây dựng các câu hỏi trắc nghiệm, đặc biệt theo nguồn cấu trúc các câu hỏi kiểm tra năng lực của ĐHQG Hà Nội. Tổ Tự nhiên yêu cầu các thầy cô cho học sinh tham khảo đề thi nói trên kết hợp với câu hỏi có sẵn trong sách giáo khoa… và hướng dẫn học sinh tiếp cận” – thầy Đỗ Tất Tâm chia sẻ.

Thi trắc nghiệm môn Toán không hoàn toàn xa lạ

Theo thầy Đỗ Tất Tâm, qua nhiều kỳ thi, việc chuyển thi môn Vật lý, Hóa học, Sinh học sang hình thức trắc nghiệm đã khẳng định được ưu thế. Với môn Toán, trong chương trình của Bộ GDĐT, ở kênh chính thống là sách giáo khoa cũng có câu hỏi trắc nghiệm ở cuối mỗi chương.

Thêm nữa, cho dù là hình thức thi trắc nghiệm hay tự luận thì với môn Toán, học sinh đều phải nắm chắc kiến thức, đều phải rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo.

Với bộ câu hỏi hợp lý, đủ độ tin cậy, phân loại học sinh, thí sinh chỉ điền hú họa sẽ không đáng kể, xác xuất không cao.

“Với thi trắc nghiệm, học sinh không thể học tủ được mà phải hiểu thực sự thấu đáo vấn đề; vai trò người thầy phát huy hơn, phải đưa ra phương pháp giúp học sinh tiếp cận vấn đề một cách hiệu quả nhất và nắm chắc kiến thức. Với Toán và các môn khoa học tự nhiên, học sinh phải hiểu bản chất mới giải quyết được vấn đề; nên các em phải được dạy căn bản, nền tảng” – thầy Đỗ Tất Tâm nêu quan điểm.

Cũng theo thầy Tâm, không phải chỉ thi tự luận mới phát huy năng lực tư duy của học sinh. Thi trắc nghiệm cũng đáp ứng được nhiệm vụ này, nhưng vấn đề đề thi rất quan trọng. Một đề thi trắc nghiệm cần đáp ứng được những yếu tố như: Đưa ra được thông tin muốn kiểm tra; tạo độ nhiễu giữa các đáp án; kiểm tra được khả năng tư duy của học sinh; đảm bảo yếu tố thời gian…

“Đề cần đánh giá với mức độ kiến thức bao quát được chương trình học, không cần phải quá khó. Câu hỏi cần xây dựng để làm sao học sinh phải nắm kiến thức căn bản, không thể học tủ, học lệch. Câu hỏi phân loại ra theo mức độ tăng dần, từ căn bản để phân loại học sinh khá giỏi; không nên có câu hỏi đánh đố.

Nếu Bộ GDĐT xây dựng được cấu trúc đề hợp lý, hệ thống câu hỏi đủ độ tin cậy và có khả năng phân loai học sinh tốt thì chắc chắn sé thành công” – thầy Đỗ Tất Tâm khẳng định.

Hiếu Nguyễn (ghi)

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...