Home » Thi - Tuyển sinh » Dự thảo phương án thi khắc phục được học tủ, học lệch

Dự thảo phương án thi khắc phục được học tủ, học lệch

4 điểm mới cơ bản

Nghiên cứu Dự thảo, ông Nguyễn Hóa chỉ ra 4 điểm mới cơ bản so với năm 2016 như sau:

Thứ nhất là thực hiện 5 bài thi. Theo đó, năm 2017, thay bằng việc thực hiện các môn thi, thí sinh sẽ thi 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổng hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổng hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).

Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT: Thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội.

Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học tự nhiên (tổng hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi Khoa học xã hội (tổng hợp các môn Lịch sử, Địa lí).

Thứ 2, chỉ còn môn Ngữ văn thi tự luận. Theo dự thảo, tất cả các bài Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm; phiếu trả lời trắc nghiệm thí sinh được chấm bằng phần mềm máy tính. Riêng bài thi Ngữ văn, thi theo hình thức tự luận.

Thứ 3, chỉ thi trong 2 ngày, thời gian thi của mỗi môn thi cũng được rút ngắn rất nhiều. Năm 2017, các bài thi Toán, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội: 90 phút mỗi bài; bài thi Ngữ văn: 120 phút; bài thi Ngoại ngữ: 60 phút.

Cụ thể như sau: Ngày thứ nhất, buổi sáng thi bài thi Ngữ văn; buổi chiều thi bài thi Khoa học tự nhiên. Ngày thứ hai, buổi sáng thi bài thi Toán và bài thi Ngoại ngữ; buổi chiều thi bài thi Khoa học xã hội.

Thứ tư, có 4 phương thức xét tuyển ĐH, CĐ, gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh; xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT; phối hợp nhiều phương thức xét tuyển.

Cũng theo dự thảo này, các trường có thể tuyển sinh 1 hoặc 2 kỳ trong năm thay vì chỉ tuyển sinh 1 kỳ như năm 2015, 2016.

Tạo thuận lợi cho giáo dục địa phương

Ngoài việc thay đổi hình thức bài thi, lần đầu thi trắc nghiệm môn Toán có thể khiến giáo viên, học sinh bỡ ngỡ, ông Nguyễn Hóa cho rằng, nhìn chung những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tạo thuận lợi cho giáo dục của của địa phương.

Cụ thể: Giảm chi phí, tốn kém cho gia đình học sinh, cho toàn xã hội vì kỳ thi chỉ thực hiện trong 2 ngày thay vì 4 ngày như trước đây.

Đối với các nhà trường, giáo viên thì kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường, giáo viên thực hiện mục đích giáo dục toàn diện cho học sinh.

Tránh được học tủ, học lệch, do phải thi theo bài thi: Bài thi Khoa học tự nhiên và bài thi Khoa học xã hội; do đó học sinh phải học đều các môn, giúp cho học sinh phát triển nhân cách một cách toàn diện.

Cũng theo ông Nguyễn Hóa, năng lực của Sở GDĐT có thể đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, Bộ GDĐT cần tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ, thanh tra, giám sát. Có thể 2 trường đại học, cao đẳng phối hợp, hỗ trợ, thanh tra, giám sát một cụm thi của tỉnh.

“Với sự thay đổi của kỳ thi: Chỉ còn môn Ngữ văn thi tự luận, các môn trăc nghiệm khách quan mỗi thí sinh một mã đề và tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra của các trường đại học, cao đẳng, tôi cho rằng kết quả kỳ thi là trung thực, khách quan, các trường đại học, cao đẳng yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh” – ông Nguyễn Hóa nhận định.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng thi THPT quốc gia 2017

Ông Nguyễn Hóa cho biết: Sở GDĐT Kon Tum đã có sự chuẩn bị trong khi chờ Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 chính thức của Bộ GDĐT.

Theo đó, chỉ đạo các trường phân loại năng lực học tập của học sinh lớp 12 (dựa vào kết quả năm học lớp 11), tổ chức thăm dò nguyện vọng của học sinh 12 chọn bài thi Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội, chọn mục đích thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT hay xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng để có biện pháp giảng dạy và ôn tập phù hợp từng đối tượng.

Tăng cường chỉ đạo dạy môn tiếng Anh (vì môn thi bắt buộc trong xét tốt nghiệp THPT), đảm bảo kiến thức cơ bản, đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu môn tiếng Anh để những học sinh này có thể dùng môn tiếng Anh để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định hướng thi THPT quốc gia năm 2017, đặc biệt là cách ra đề trắc nghiệm khách quan môn Toán và bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, tích cực vận dụng các đề thi tham khảo của Bộ sắp ban hành trong tháng 10 tới.

“Dự kiến cuối học kì I năm học 2016 – 2107, Sở GDĐT sẽ tổ chức Hội thảo về việc vận dụng cách dạy học, cách kiểm tra, đánh giá theo định hướng thi THPT quốc gia năm 2017 để bàn bạc, thảo luận; cùng nhau tìm ra phương pháp tối ưu nhất trong điều kiện hiện tại của các nhà trường ở Kon Tum nhằm đáp ứng Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017” – ông Nguyễn Hóa chia sẻ.

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngành Kỹ thuật xây dựng Trường đại học Xây dựng

1. Chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển     Chỉ tiêu tuyển sinh: 400       Tổ ...