Home » Thi - Tuyển sinh » Gắn kiến thức Vật lý trong nhà trường vào cuộc sống qua bài tập thực tiễn

Gắn kiến thức Vật lý trong nhà trường vào cuộc sống qua bài tập thực tiễn

GDTĐ – Trong quá trình dạy học Vật lý, giáo viên phải dùng hệ thống bài tập để học sinh tiếp cận và vận dụng những kiến thức, định luật vào giải thích hiện tượng trong đời sống.

Với vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình nhận thức của người học phát triển năng lực tư duy của người học, giúp người học ôn tập đào sâu, mở rộng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo…, bài tập Vật lý có nhiều dạng, trong đó dạng bài tập giúp cho người học dễ dàng nắm vững lý thuyết, định luật, định lý… và liên hệ với thực tế nhiều nhất, đó là bài tập thực tiễn.

Nhận dạng các loại bài tập Vật lý thực tiễn

Nhấn mạnh vai trò của bài tập thực tiễn, cô Lý Minh Hòa – giáo viên Trường THPT Dương Quảng Hàm (Hưng Yên) – cho rằng: Đặc điểm của bài tập thực tiễn là nhấn mạnh về mặt bản chất của các hiện tượng đang khảo sát, hiện tượng quen thuộc tồn tại xung quanh con người. Có thể phân ra 2 loại bài tập thực tiễn là bài tập thực tiễn định tính và bài tập thực tiễn định lượng.

Theo cô Lý Minh Hòa, bài tập thực tiễn định tính là những bài tập mà khi giải, học sinh không cần thực hiện các phép tính phức tạp hay chỉ sử dụng vài phép tính đơn giản có thể nhẩm được. Để giải được bài tập định tính học sinh phải thực hiện những phép suy luận logic trên cơ sở hiểu rõ bản chất của các khái niệm, định luật Vật lý và nhận biết được những biểu hiện của chúng trong các trường hợp cụ thể.

Bài tập thực tiễn định tính là bài tập có thể đưa ra dưới dạng giải thích hiện tượng: Cho biết một hiện tượng đã xảy ra, luôn xảy ra và giải thích nguyên nhân của nó. Nguyên nhân đó chính là những đặc tính của các định luật Vật lý.

Ưu điểm của bài tập thực tiễn định tính là tạo điều kiện cho học sinh đào sâu, củng cố kiến thức, là phương tiện kiểm tra kiến thức và kỹ xảo thực hành của học sinh. Rèn luyện học sinh hiểu rõ bản chất Vật lý của các hiện tượng và những quy luật của chúng, dạy học sinh biết áp dụng những quy luật, kiến thức vào thực tiễn đời sống và lao động, sản xuất.

“Dạng bài tập này có tác dụng tăng khả năng hứng thú đối với môn học, tạo điều kiện phát triển óc quan sát, khả năng phân tích, tổng hợp của học sinh nhờ đưa lý thuyết các định luật, quy tắc Vật lý vào đời sống xung quanh phát triển khả năng phán đoán, mơ ước, sáng tạo…

Đây là phương tiện tốt nhất phát triển tư duy cho học sinh do phương pháp giải những bài tập này bao gồm những suy luận logic dựa trên kiến thức Vật lý học sinh đã học, những kinh nghiệm của học sinh có được trong đời sống hàng ngày” – cô Lý Minh Hòa cho hay.

Với bài tập thực tiễn định lượng, cô Lý Minh Hòa cho rằng đây là những bài tập muốn giải được yêu cầu học sinh phải thực hiện một loạt các phép tính để tìm quy luật mối liên hệ giữa các đại lượng Vật lý. Các bài tập thực tiễn định lượng đề cập đến những số liệu liên quan trực tiếp tới đối tượng có trong đời sống, kĩ thuật.

Trong quá trình dạy học giáo viên có thể sử dụng loại bài tập thực tiễn định lượng tùy vào từng trường hợp, có thể sau khi học xong một định luật, một định lý nào đó thì có thể cho học sinh áp dụng vào để phân tích và giải thích hoặc có thể sử dụng bài tập này để đặt vấn đề cho học sinh tìm hiểu kiến thức mới.

Bài tập thực tiễn định lượng có ưu điểm giúp rèn luyện tính cẩn thận trong tính toán, phát triển tư duy cho học sinh về mặt toán học; giúp học sinh chú ý phân tích nội dung Vật lý, ứng dụng của bài tập tính toán và hiểu được mối liên hệ giữa các kiến thức đã học với các số liệu trong thực tế….

Những lưu ý khi sử dụng bài tập thực tiễn

Từ thực tiễn dạy học, cô Lý Minh Hòa chia sẻ: Để phát huy tác dụng của bài tập thực tiễn, khi sử dụng loại bài tập này trong dạy học, giáo viên cần căn cứ vào nội dung kiến thức mà học sinh cần nắm trong một đơn vị kiến thức, một chuyên đề dạy học hay một tiết học, tùy vào điều kiện cụ thể của lớp học, thời gian cho phép cũng như khả năng học tập của học sinh để lượng hóa mục tiêu về kiến thức, kĩ năng và thái độ, từ đó lựa chọn các bài tập thực tiễn cho phù hợp. Các câu hỏi, bài tập có nhiều phương án trả lời để kích thích tư duy, tính tò mò của học sinh.

Giáo viên nên hướng dẫn học sinh nhận xét về phương án giải, rút ra kết luận, khái quát hóa để bổ sung; hoàn thiện kiến thức, đề xuất ý kiến, vận dụng trong cuộc sống. Đồng thời, thầy cô phải xác định những ứng dụng kỹ thuật của từng bài cũng như những ứng dụng của Vật lý trong cuộc sống để xây dựng hệ thống bài tập. Đặc biệt lưu ý, bài tập thực tiễn phải có tác dụng giáo dục tư tưởng, đạo đức, thế giới quan khoa học cho học sinh ở từng bài học, từng chuyên đề.

Những nguyên tắc cần lưu ý khi sử dụng bài tập thực tiễn:

– Kết hợp, sử dụng trong các phương pháp dạy học hợp lý.

– Nội dung bài tập phải có khả năng thực hiện, phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

– Không lạm dụng quá nhiều, số lượng hơn chất lượng.

– Những ứng dụng đưa ra hấp dẫn, có chọn lọc, đảm bảo tính chính xác, khoa học, phù hợp với trình độ của học sinh.

– Mang tính phổ biến, thời sự.

Hải Bình

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngành Kỹ thuật xây dựng Trường đại học Xây dựng

1. Chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển     Chỉ tiêu tuyển sinh: 400       Tổ ...