Home » Thi - Tuyển sinh » Hướng đến thuận lợi cho người học và nhà trường

Hướng đến thuận lợi cho người học và nhà trường

Hầu hết các ý kiến đều đồng tình với Dự thảo. Những đổi mới tích cực từ dự thảo cho thấy các nội dung đều hướng đến giảm áp lực cho người học, đồng thời góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ trong vấn đề tuyển sinh.

PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp: Dự thảo thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ 2017 được Bộ GDĐT đưa ra đã kế thừa những thành công của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và đặc biệt là những đổi mới tích cực đem lại kết quả tốt được xã hội đánh giá cao tại Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Những bất cập, hạn chế của kỳ thi cũ đã được khắc phục triệt để.

Theo Dự thảo thi THPT quốc gia 2017, kỳ thi sẽ tổ chức một loại cụm thi ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước.

Điều này không chỉ tạo tâm lý bình đẳng chung cho các cụm thi mà còn là sự cải tiến tinh giản theo hướng gọn nhẹ, tiết kiệm và giảm áp lực cho xã hội. Như vậy, các địa phương sẽ cảm thấy mình có phần trách nhiệm lớn hơn trong việc tổ chức thi.

Với việc điều chỉnh đề thi, hình thức thi như Dự thảo đưa ra, theo đánh giá của tôi như thế là hết sức hợp lý, cách thức thi và ra đề như vậy sẽ hướng đến đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, hạn chế học lệch, khắc phục tình trạng học tủ, dạy thêm, học thêm trong các trường phổ thông.

Tôi đặc biệt tán thành việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động tổ chức thi, cách thức này chắc chắn sẽ giúp các nhà trường tiết kiệm nhân lực, vật lực, cùng với đó là các khâu tổ chức thi, chấm thi, công bố kết quả thi cũng đơn giản hơn nhiều.

Hơn thế nữa, cách thức này sẽ hạn chế tốt tình trạng tiêu cực trong thi cử. Cũng như vậy, với các trường ĐH, CĐ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xét tuyển ĐH, CĐ sẽ hỗ trợ các trường khắc phục thí sinh ảo. Nếu các trường cùng chung một phần mềm thì công nghệ sẽ giúp loại bỏ thí sinh ảo là điều đơn giản.

Thầy Phạm Văn Sinh – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk): Là một giáo viên từng giảng dạy nhiều năm trên Tây Nguyên, hiện tôi làm quản lý tại một trường THPT ở trung tâm thành phố.

Tôi có điều kiện quan sát, chiêm nghiệm nhiều thế hệ học sinh học tập, trưởng thành, từ đó suy luận và đặt vấn đề so sánh những nội dung cách thức trước đây chúng ta tổ chức dạy học và thi trong các nhà trường phổ thông và những nội dung đổi mới thi THPT theo dự thảo 2017.

Sau khi đã nghiên cứu kỹ Dự thảo, tôi đánh giá cao các nội dung đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng mà ta gọi là kỳ thi hai trong một (Kỳ thi THPT quốc gia) của Bộ GDĐT.

Đây thực sự là kế thừa và phát huy những điểm mạnh của Kỳ thi THPT quốc gia đã được tổ chức thành công năm 2015 và 2016, cũng như việc sử dụng kết quả thi để xét tuyển sinh ĐH, CĐ.

Một kỳ thi với những mục đích to lớn là vừa xét tốt nghiệp THPT lại vừa dùng kết quả để tuyển sinh ĐH, CĐ, cần phải đặc biệt nhấn mạnh là rất ý nghĩa vì giảm chi phí đáng kể cho thí sinh và phụ huynh.

Với một địa phương như Đắk Lắk, một tỉnh trung tâm Tây Nguyên có nhiều dân tộc anh em sinh sống, điều kiện học tập, tiếp cận với thi cử chắc chắn không thể bằng các tỉnh vùng đồng bằng, đặc biệt là những đô thị phát triển.

Theo Dự thảo, việc rút ngắn môn thi cho đến thi trắc nghiệm theo hướng đánh giá năng lực, cho thấy sẽ đánh giá học sinh một cách toàn diện và khách quan hơn, sẽ đảm bảo tính công bằng và thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia dự thi.

Thầy Bùi Quang Tiếp – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Hải Hậu, Nam Định): Tôi đánh giá cao Dự thảo thi THPT quốc gia 2017 vừa được Bộ GDĐT đưa ra.

Dự thảo đã kế thừa và phát triển những thành công của các kỳ thi THPT gần đây, đặc biệt là Kỳ thi THPT quốc gia 2016. Với chủ trương của Bộ GDĐT là đề thi theo hướng “học gì thi nấy”, đã được cụ thể hóa trong Dự thảo, điều này khiến học sinh và giáo viên cảm thấy yên tâm hơn, quyền chủ động luôn nằm trong tay chính các thầy cô giáo và các em học sinh.

Đặc biệt, dự thảo có đưa nội dung tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo hướng tổ chức kỳ thi khảo sát năng lực đầu vào như ĐHQG Hà Nội đang thực hiện thành công. Đây là cách thức hiệu quả, đơn giản, đảm bảo đánh giá năng lực người học toàn diện, công bằng và khách quan rất nên triển khai.

Hiện nay, một số ý kiến cho rằng, nếu các trường ĐH, CĐ thực hiện tuyển sinh đầu vào bằng hình thức thi đánh giá năng lực như ĐHQG Hà Nội thực hiện thì sẽ không đảm bảo vì đặc thù của một số trường đại học yêu cầu đầu vào rất cao.

Tôi thì lại không cho rằng như vậy, thực tế cho thấy đề thi đánh giá năng lực như của ĐHQG Hà Nội đang triển khai hiệu quả đã đảm bảo đánh giá đúng năng lực học tập của người học.

Kết quả thi đã phản ánh đúng điều này, nếu thí sinh có kiến thức xuất sắc thì mới đạt điểm cao, lực học khá – giỏi thì điểm số sẽ thấp hơn, còn nếu lực học trung bình thì kết quả bài thi cũng thể hiện rõ.

Từ đó suy ra, nếu thí sinh nào đó có nguyện vọng học trường Y, thì kiến thức các môn tự nhiên, đặc biệt là môn Hóa – Sinh của họ phải rất tốt.

Như vậy chắc chắn những em này sẽ điểm cao, cho dù là hình thức thi đánh giá năng lực hay thi theo cách truyền thống. Vấn đề ở đây là cách thức thi này không chỉ giúp đánh giá năng lực người học một cách toàn diện hơn mà còn đảm bảo tính công bằng, khách quan, nghiêm túc.

Thầy Hoàng Minh Quân – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc: Trước tiên, tôi hoàn toàn nhất trí với việc sẽ chỉ có duy nhất một cụm thi ở toàn bộ các tỉnh, thành và công tác tổ chức Kỳ thi THT quốc gia giao về cho các địa phương là điều nên làm.

Thực tế, các Sở GDĐT có đủ năng lực để đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi THPT an toàn, đúng quy chế. Chúng ta nên tin tưởng vào các Sở GDĐT. Nếu được giao nhiệm vụ tổ chức thi thì tôi chắc một điều là Sở nào cũng phải căng mình ra để thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.

Việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia của mỗi Sở không chỉ là nhiệm vụ của Sở với Bộ mà còn là nhiệm vụ với chính quyền và nhân dân địa phương.

Chính vì vậy, các ở sẽ phải tổ chức thi thật nghiêm túc, thực chất với sự giám sát của ngành Giáo dục, các trường ĐH, CĐ và của cả xã hội. Nếu Sở GDĐT nào làm không tốt, sẽ chịu trách nhiệm không nhỏ.

Với mục đích nhằm hạn chế học lệch, học tủ và kỳ thi đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, theo như Dự thảo của Bộ GDĐT đưa ra, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, thí sinh sẽ thi 6 môn trong 4 bài thi gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn bài thi Khoa học Tự nhiên (tổ hợp Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (tổ hợp Sử, Địa, Giáo dục công dân), tôi cho rằng như thế cũng là hợp lý.

Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, Kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa tổ chức đã thực hiện hết sức thành công, nếu có thay đổi thì nên ở khâu tổ chức, còn nội dung thi thì nên giữ nguyên như năm 2016.

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngành Kỹ thuật xây dựng Trường đại học Xây dựng

1. Chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển     Chỉ tiêu tuyển sinh: 400       Tổ ...