Home » Thi - Tuyển sinh » Sinh viên đóng phí cao, quyền lợi có cao?

Sinh viên đóng phí cao, quyền lợi có cao?

– Thông báo tăng học phí năm học 2016-2017 ở một số trường ĐH đang vấp phải phản ứng gay gắt từ người học. Lý giải của các trường và các chuyên gia cho vấn đề này thế nào?

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) Bùi Hồng Quang cho biết:

từ năm học 2016-2017, cả nước có 14 trường ĐH triển khai thí điểm tự chủ tại chính.

Các trường ĐH tự chủ thực hiện theo quyết định của Thủ tướng. Sau khi có quyết định giao tự chủ, từng trường sẽ lập đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, trong đó có mức trần học phí và lộ trình…”Đây cũng là chủ trương của Chính phủ khi triển khai thực hiện thí điểm cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục ĐH” – lời ông Quang.

Tuy nhiên, khi một số trường vận hành đã vấp phải phản ứng. Nhiều sinh viên K57 Trường ĐH Kinh tế Quốc dân phản ánh về học phí năm học 2016-2017 của trường tăng gần 30% so với năm ngoái là quá cao. Thậm chí nhiều sinh viên cảm thấy “sốc” với mức học phí nhà trường áp dụng cho năm học tới.

Trong khi chờ phân định của Bộ GD-ĐT việc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có “vượt quyền” trong thực hiện quy định tự chủ, Phó hiệu trưởng Phạm Hồng Chương cho biết, việc tăng học phí của trường được thực hiện theo đúng lộ trình tại Quyết định 368 của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/3 phê duyệt đề án tự chủ của trường trong đó có tự chủ về tài chính.

Ông Chương cho hay, theo Quyết định 368 thì mức thu học phí bình quân cho các chương trình đại trà năm học 2016-2017 là 13,5 triệu/ năm. Quyết định này cũng quy định mức tăng học phí tối đa của trường không quá 30%. Và nhà trường tăng đúng lộ trình.

Lý giải cho việc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tăng học phí gây sốc cho sinh viên, ông Nguyễn Đức Hưng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) khẳng định, khi nhà nước giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, thì các trường ĐH phải thực hiện trách nhiệm giải trình xã hội càng cao.

Ảnh Lê Văn

Việc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tăng 30% học phí đối với năm học 2016-2017 cần phải xem xét ở nhiều khía cạnh. Ông Hưng phân tích, khi nhà nước không còn bao cấp được thì phải thực hiện xã hội hóa, nhưng không có nghĩa đổ hết gánh nặng chi phí lên đầu người học được.

Tuy nhiên, nếu so sánh mức học phí của các trường tự chủ trong nước với ĐH RMIT… thì mức học phí Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chưa phải cao lắm. “Nhưng, vấn đề này cần phải phân tích thấu đáo, vì “tiền nào, của đấy” – ông Hưng ví von.

Đồng quan điểm, ông Bùi Hồng Quang cũng nhìn nhận: Với mức học phí tăng của các trường thí điểm tự chủ so với các nước thì quá thấp. Thậm chí mức phí đầu tư cho học ĐH ở Việt Nam còn rẻ hơn cả học mầm non.

Cùng nằm trong nhóm các trường tự chủ và tự chủ tài chính từ năm 2008, ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương nhìn nhận: Các trường tự chủ không được cấp ngân sách từ nhà nước. Tuy nhiên, không vì vậy mà tăng đột ngột học phí được.

Theo ông Tuấn, việc tăng học phí phải đi liền với những điều kiện nâng cao đảm bảo chất lượng. Cụ thể như: Quy mô lớp học phải thay đổi, chương trình học bổng hỗ trợ sinh viên….

Nhiều ĐH tăng

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đưa ra cam kết mức học phí cho năm học 2016-2017 là 17,5 triệu đồng/năm. Theo đề Thủ tướng chính phủ phê duyệt về cơ chế tự chủ tài chính của ĐH Kinh tế TP.HCM, năm học 2016-2017 mức học phí là 16,5 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Huy Hữu Nhựt, Phó hiệu trưởng cho biết, trường  thu ở mức kịch trần theo Nghị định 86 của chính phủ ban hành. Theo quy định này các trường thuộc khối khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản được thu ở mức 17,5 triệu/năm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

“Chúng tôi tăng ở mức cho phép, với khoản thu này sẽ đủ để cân đối thu chi. Ngoài ra bắt đầu từ năm học này trường áp dụng chương trình đào tạo quốc tế đại trà. Đây là mức học phí đã cam kết theo lộ trình trong đề án thí điểm đổi mới hoạt động đã được Chính phủ phê duyệt và quy định mức học phí hiện hành của Chính phủ. Học phí này cam kết không phát sinh các khoản chi phí khác nằm ngoài danh mục phí, lệ phí theo quy định” – ông Nhựt cho biết.

Còn ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết học phí năm học 2016-2017 đối với bậc đại học cụ thể  khóa tuyển sinh năm sau 2015 và được áp dụng cho khóa mới là  là 423.000 đồng/tín chỉ tương đương 14.800.000đồng/năm.

Đối với các khóa tuyển sinh trước năm 2015, khối Kinh tế 260.000đồng/tín chỉ tương đương 8.580.000 đồng/năm; khối Công nghệ 308.000đồng/tín chỉ tương đương 10.164.000 đồng/năm.

Ông Minh cho biết,mức thu trường đưa ra vẫn thấp so với mức thu theo đề án tự chủ (năm 2016-2017 được thu 15.400.000 đồng/năm học). Và vẫn thấp hơn nhiều và nếu so mức trần học phí của nghị định 86 cho các trường tự chủ thì còn thấp hơn rất nhiều. Nếu theo nghị định này trường thuộc hai lĩnh vực gồm Kinh tế- được thu mức 17,5 triệu/năm và Kỹ thuật, công nghệ- được thu ở mức 20,05 triệu/năm thì mức học phí của trường có thể thu một trong hai mức này.

Theo lý giải của ông Minh, Trường không thu ở mức kịch trần vì đã cân đối mức thu- chi phù hợp. “Với điều kiện tuyển sinh hiện nay, chúng tôi cũng rất lo lắng, vì vậy mức học phí phải phù hợp với khả năng và điều kiện theo học cho sinh viên”.

Bà Phạm Thu Hương, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết, theo quy định thì nhà trường được tăng học phí hơn 17 triệu/ năm. Tuy nhiên, năm học 2015-2016 nhà trường mới thu ở mức 14,5 triệu/ năm. Và năm học 2016-2017 sẽ tăng 10% nữa.

Vẫn theo bà Hương, theo quy định với những sinh viên đang theo học năm hai, năm ba…nhà trường được phép tăng học phí 30% nhưng nhà trường cũng chỉ áp mức tăng 10% như sinh viên năm đầu. Cụ thể, với sinh viên K53 trước nộp học phí 7 triệu/ năm thì năm học này tăng 10% – nghĩa là sinh viên phải đóng hơn 8 triệu/ năm. “Các khoản phí đều được nhà trường công khai vào đầu năm học để sinh viên chọn lựa, tránh gây sốc” – lời bà Hương.

Sinh viên đóng nhiều, quyền lợi phải cao hơn

Ông Nguyễn Đức Hưng cho rằng, xã hội hóa giáo dục không có nghĩa là bắt người học phải chi phí toàn bộ cho việc học hành, mà điều quan trọng là Nhà nước và xã hội phải tăng cường sự chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho toàn bộ người dân được tiếp cận với dịch vụ giáo dục, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, người học cũng phải đóng góp, nhưng họ phải được biết họ được hưởng quyền lợi gì từ việc đóng góp ấy.

Vì vậy, việc tăng học phí của các trường tự chủ nói chung phải giải trình. Quá trình vận hành các hoạt động phải thực hiện minh bạch, công khai, dân chủ; phải giải trình với Nhà nước, xã hội và người học tất cả các hoạt động của nhà trường; phải cam kết về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; cam kết việc sử dụng hợp lý nguồn vốn xã hội đóng góp trong quá trình đào tạo; cam kết về việc thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ của người học…

Kinh nghiệm Trường ĐH Ngoại thương được ông Tuấn chia sẻ, những trường tự chủ cần sự đầu tư lớn của nhà nước về phát triển cơ sở vật chất mới tạo đột phá trong việc nâng chất lượng. Còn hiện nay tự chủ trong điều kiện: Học phí được thu ở mức trần, chỉ tiêu không thể tăng hơn trong điều kiện chưa cho phép…nên có thay đổi về chất lượng cũng rất chậm.

“Để tăng học phí không gây sốc với sinh viên, nhà trường phải tính toán các nguồn thu để có chính sách đồng bộ” – ông Tuấn cho biết. Riêng nguồn thu từ học phí, trước đây các trường phải nộp vào kho bạc thì nay theo quyết định tự chủ nhà trường được gửi vào Ngân hàng thương mại. “Lãi từ nguồn này được gửi vào quỹ hỗ trợ cho sinh viên – mỗi năm cũng được khoảng 7 tỷ đồng tái đầu tư các dịch vụ cung cấp cho cho sinh viên” – ông Tuấn nói. Song song với việc đầu tư các dịch vụ cao cung cấp cho người học – nhà trường cũng giảm dần quy mô theo từng khóa…

Theo tính toán của bà Hương, nguồn thu từ học phí của Trường ĐH Ngoại thương chiếm hơn 60%; nguồn thu từ các chương trình liên kết đào tạo hơn 27%. Còn lại thu từ các nguồn khác…

Còn ông Hưng khái quát, trường tự chủ càng cao thì trách nhiệm giải trình càng lớn. Như vậy, việc tăng học phí phải đồng hành với việc nâng cao chất lượng đào tạo, để người học khi ra trường có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động trong khu vực ASEAN, có thu nhập cao, cuộc sống được cải thiện…

Điều đó có nghĩa là, khi người học đóng góp họ phải biết số tiền đó dùng vào việc gì họ có và họ có được hưởng lợi gì từ đó không. Sinh viên có thể thông qua tổ chức Đoàn và Hội sinh viên đề nghị Nhà trường giải trình về quyền lợi và nghĩa vụ của sinh viên đối với việc tăng học phí.

“Lẽ đương nhiên, khi sinh viên đóng góp nhiều hơn thì họ phải được hưởng quyền lợi cao hơn” – ông Hưng chốt lại vấn đề.

  • Nguyễn Hiền – Lê Huyền

Tin liên quan

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngành Kỹ thuật xây dựng Trường đại học Xây dựng

1. Chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển     Chỉ tiêu tuyển sinh: 400       Tổ ...