Home » Thi - Tuyển sinh » Thi năm 2017: Đề trắc nghiệm được chuẩn bị như thế nào?

Thi năm 2017: Đề trắc nghiệm được chuẩn bị như thế nào?

– Nếu “chốt” phương án thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT năm 2017, Bộ GD-ĐT sẽ chuẩn bị đề thi trắc nghiệm như thế nào để đảm bảo chất lượng?

Phương án thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 của Bộ GD-ĐT đang gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận. Trong đó, vấn đề nhiều người quan tâm nhất chính là đề thi và ngân hàng đề thi trắc nghiệm sẽ được chuẩn bị như thế nào để đảm bảo chất lượng của kỳ thi.

Phải có tối thiểu 1.750 câu hỏi cho mỗi phòng thi

Ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT cho rằng việc Bộ GD-ĐT lựa chọn phương án tổ chức kỳ thi THPT năm 2017 bằng hình thức thi trắc nghiệm là đúng xu thế và nên được đẩy nhanh.

Ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT

Tuy nhiên, theo ông Minh, “công tác tổ chức đòi hỏi phải tính thêm” và “Khó khăn nhất của việc thi trắc nghiệm là chuyện ra đề thi. Nếu giải quyết được vấn đề ra đề thì việc thi trắc nghiệm còn không khó khăn”.

Từ kinh nghiệm tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm của Trường ĐH FPT, ông Minh cho biết trường không tự ra đề mà chủ yếu học tập từ kho đề thi của nước ngoài. Những nước được trường lựa chọn là những quốc gia nói tiếng Anh, trong đó chủ yếu là hai quốc gia Anh, Mỹ.

Do quy mô kì thi không lớn nên đội ngũ làm đề tương đối ít, nhưng đó là những người giỏi nhất của trường.

Đồng quan điểm với ông Minh, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) nhận xét điều đáng lo nhất là Bộ GD-ĐT có đủ khả năng về thời gian và nhân lực để chuẩn bị câu hỏi ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm đủ tốt hay không?

Bà Nga cho rằng, từ dự thảo phương án thi THPT 2017 mà Bộ công bố với thông tin chi tiết về số câu hỏi của mỗi đề thi cũng như thời gian làm bài thì Bộ chắc chắn đã phải có dự thảo cấu trúc đề thi.

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)

“Chắc chắn Bộ GD-ĐT đã có tính toán cân nhắc rồi chứ không thể công bố mà không có bất cứ cơ sở khoa học nào” – bà Nga nhận định. “Bộ nên công bố sớm mẫu đề thi để học sinh, giáo viên và các trường đại học biết được cấu trúc đề thi”.

Bà Nga cũng ủng hộ việc Bộ chỉ đạo xây dựng ngân hàng đề thi dựa trên cơ sở ngân hàng đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội vì đơn vị này đã xây dựng và thử nghiệm ngân hàng câu hỏi của mình ở nhiều vùng miền, phân tích đánh giá cụ thể…

“Nhưng Bộ nên chọn lọc những câu hỏi phù hợp với mục tiêu thi THPT quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ cần phải xây dựng thêm nhiều câu hỏi nữa mới đủ để đảm bảo mỗi thí sinh có một đề thi”.

“Nếu tính mỗi phòng thi trung bình 30 – 35 thí sinh, như với môn Toán có 50 câu trắc nghiệm thì để đảm bảo mỗi thí sinh có một đề thi thì tối thiểu phải có 1.750 câu hỏi cho mỗi phòng” – bà Nga phân tích.

Còn ông Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT đã có kinh nghiệm cho một số môn đã có vài ba nghìn do việc thi trắc nghiệm các môn Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ đã được tiến hành cả chục năm nay.

Ông Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

“Điều khác biệt là trước đây chúng ta chỉ tập trung làm trong một tháng và rất bí mật thì nay ngân hàng đề thi phải đủ lớn để đảm bảo mỗi em có một đề thi” – ông Long cho hay. Tuy nhiên, theo ông Long, nếu Bộ chỉ đạo một bộ phận tập trung làm thì trong khoảng thời gian 6 tháng tới có thể làm được.

Ông Long cho rằng, kinh nghiệm thế giới cho thấy, việc ra đề thi trắc nghiệm rất công phu chứ không đơn giản.

“Để ra được 1.000 câu hỏi được chuẩn hóa thì đầu tiên người ta sẽ đưa ra 1.000 câu hỏi cho học sinh làm thử. Sau đó loại đi 500 đề không phù hợp và bổ sung 500 câu hỏi mới để học sinh làm thử tiếp để lấy 750 câu. Đến lần thứ 3 thì mới chọn được 1.000 câu hỏi cho đề thi” – ông Long chia sẻ thông tin và cho rằng có thể tin tưởng vào chất lượng của đề thi do ĐHQG Hà Nội chuẩn bị. “Tuy nhiên, mô hình thi đánh giá năng lực vẫn cần được đánh giá và tổng kết chính thức”.

Cuối năm công bố nghiên cứu độc lập về kỳ thi đánh giá năng lực

Ông Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQG Hà Nội, thành viên tổ công tác tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, thì cho rằng việc xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 là việc của Bộ GD-ĐT chứ không phải việc của ĐHQG Hà Nội.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu ĐHQG Hà Nội rà soát lại trong ngân hàng câu hỏi đề thi đánh giá năng lực của mình, xem những câu hỏi nào phù hợp với cấu trúc đề thi do Bộ đưa ra thì chuyển giao lại một phần.

Ông Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQG Hà Nội

Ông Hồng cho rằng, với việc chuyển giao này thì tính khả thi của đề án thi THPT 2017 của Bộ sẽ cao hơn.

Trước những băn khoăn rằng cho tới thời điểm hiện tại chưa có đánh giá độc lập nào về hiệu quả của kỳ thi này, ông Hồng khẳng định sau mỗi năm tổ chức kỳ thi, ĐHQG Hà Nội đều tổ chức hội nghị tổng kết và có gửi báo cáo lên cơ quan chủ quản cũng như cơ quan chức năng.

Bản thân ông Hồng cũng được giao cho một đề tài nghiên cứu khoa học đánh giá mối tương quan kỳ thi đánh giá năng lực và kỳ thi THPT quốc gia. Một số kết quả của đề tài đã đăng bài ở các tạp chí khoa học giáo dục như tạp chí khoa học của ĐHQG Hà Nội, tạp chí khoa học của Viện Khoa học Giáo dục, Tạp chí của Bộ GD-ĐT từ tháng 6 tới nay.

“Theo dự kiến, đề tài nghiên cứu  này sẽ được nghiệm thu trong năm nay” – ông Hồng thông tin.

L.Huyền – L.Văn

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngành Kỹ thuật xây dựng Trường đại học Xây dựng

1. Chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển     Chỉ tiêu tuyển sinh: 400       Tổ ...