Home » Thi - Tuyển sinh » Yên tâm hơn với cụm thi địa phương

Yên tâm hơn với cụm thi địa phương

Giữ ổn định là cần thiết

Bộ GDĐT đã chính thức công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2016. Theo nhận định của tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn, nhìn chung việc tổ chức kì thi giữ ổn định như năm 2015.

Theo đó, kì thi được tổ chức thi trong 4 ngày (1, 2, 3, 4 tháng 7/2016); tổ chức thi 8 môn, gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ.

Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài thi mỗi môn 180 phút; các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài thi mỗi môn 90 phút; môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm, thời gian làm bài thi 90 phút.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn 
Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT: Đăng ký dự thi (ĐKDT) 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại; những thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được phép chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.

Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ: ĐKDT 4 môn tối thiểu và ĐKDT thêm các môn khác để xét tuyển sinh; việc xét công nhận tốt nghiệp THPT kết hợp sử dụng kết quả điểm bài thi của 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

“Tôi cho rằng việc cơ bản giữ ổn định phương thức tổ chức thi như năm trước và chỉ điều chỉnh những điểm chưa hợp lý của năm trước, điểm nào tốt thì giữ, điểm nào chưa hợp lý thì điều chỉnh, như vậy là phù hợp để tránh những xáo trộn không cần thiết” – Phó Giám đốc Sở GDĐT Bến Tre nhận định.

Cần tin tưởng các địa phương

So với năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia có một số điểm mới. Theo đó, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức cụm thi. Cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GDĐT; cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do sở GDĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH.

Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH. Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn cho biết, đây là điểm mới vì năm 2015 cụm thi do trường ĐH chủ trì, tổ chức cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, gồm thí sinh của ít nhất 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi là cụm thi liên tỉnh).

Điểm mới này sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh thi ở cụm thi ĐH vì như vậy thí sinh sẽ không phải đi xa để dự thi và không phải tập trung về một nơi như năm trước, gây quá tải cho việc tổ chức thi, như vậy sẽ giảm bớt khó khăn, tốn kém cho thí sinh.

Việc tổ chức coi thi, chấm thi như năm 2015, nhưng tăng số lượng giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi, chấm thi ở các cụm thi tốt nghiệp; tăng số lượng cán bộ, giáo viên thuộc Sở GDĐT tham gia chấm thi tại các cụm thi ĐH.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn khẳng định mình hoàn toàn đồng tình với những điều chỉnh này vì như vậy sẽ tăng cường tính khách quan và làm cho dư luận yên tâm hơn đối với cụm thi tốt nghiệp do Sở GDĐT tổ chức.

Ngoài ra khi tăng số lượng cán bộ, giáo viên các Sở GDĐT tham gia chấm thi tại cụm thi ĐH sẽ tận dụng được tốt nhất lực lượng cán bộ, giáo viên thuộc các Sở GDĐT vốn có nhiều kinh nghiệm chấm thi tốt nghiệp THPT trong nhiều năm qua.

Một số ý kiến cho rằng nên đưa bài thi về các cụm thành phố lớn để chấm thi vì “trình độ chấm thi và kinh nghiệm chấm thi ở các địa phương nhỏ rất thấp”. Tôi cho rằng đây là ý kiến hết sức chủ quan, không có cơ sở, không tin tưởng các địa phương vì trong thực tế các tất cả các địa phương đều có kinh nghiệm tổ chức chấm thi tốt ngiệp THPT rất tốt trong nhiều năm qua”- Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn bày tỏ quan điểm.

Kỳ thi 2016 chắc chắn đảm bảo tính nghiêm túc

Về xét tuyển, năm 2016 Bộ GDĐT sẽ tăng quyền chủ động cho các trường ĐH, CĐ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong ĐKXT và xét tuyển, đây là điểm mới thuận lợi cho các trường ĐH xét tuyển và thí sinh dự tuyển.

Thí sinh sử dụng mã số ghi trong giấy chứng nhận kết quả thi của mình để ĐKXT trong các đợt xét tuyển; thí sinh ĐKXT qua bưu điện và trực tuyến (online); trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng ĐKXT.

Đợt xét tuyển đầu tiên: Thời gian ĐKXT và xét tuyển rút ngắn còn 12 ngày; mỗi thí sinh được ĐKXT vào tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo.

Các đợt xét tuyển kế tiếp: Thời gian ĐKXT và xét tuyển mỗi đợt là 10 ngày; mỗi thí sinh ĐKXT mỗi đợt vào tối đa 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo.

Với những thay đổi về quy định ĐKXT và xét tuyển như trên, tiến sĩ Huấn tin rằng sẽ tạo thuận lợi hơn cho các trường ĐH xét tuyển, thí sinh và gia đình thí sinh so với năm 2015.

“Tôi rất ủng hộ phương án tổ chức thi THPT quốc gia năm 2016 mà Bộ GDĐT vừa công bố, trong đó có một số điều chỉnh cho hợp lý hơn.

Tôi cũng không đồng tình với một số ý kiến cho rằng về cụm thi, với chủ trương mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cụm thi ĐH và cụm thi tốt nghiệp là có nhiều rủi ro. Đây là ý kiến chủ quan, không có cơ sở, không tin tưởng các địa phương.

Thật vậy, việc tổ chức thi ở cả 2 loại cụm thi đều phải thực hiện cùng một quy trình, đảm bảo theo quy chế thi, cùng với sự tăng cường giảng viên các trường ĐH, CĐ coi thi, chấm thi tại các cụm thi tốt nghiệp thì việc tổ chức kì thi ở các cụm thi tốt nghiệp chắc chắn sẽ đảm bảo tính nghiêm túc, không rủi ro như một số ý kiến nhận định chủ quan.

Trong thực tế, năm 2015, cụm thi liên tỉnh Tiền Giang – Bến Tre do Trường ĐH Tiền Giang chủ trì có các điểm thi đặt tại thành phố Mỹ Tho và thành phố Bến Tre (không tập trung về thành phố Mỹ Tho), tổ chức coi thi rất an toàn, nghiêm túc, tạo thuận lợi cho thí sinh vì không phải đi xa, giảm áp lực cho cho việc tổ chức thi, không hề có rủi ro như một số ý kiến lo lắng” – Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn khẳng định.

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngành Kỹ thuật xây dựng Trường đại học Xây dựng

1. Chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển     Chỉ tiêu tuyển sinh: 400       Tổ ...