Home » Tin giáo dục » Giáo dục đại học cần được tách bạch giữa đào tạo và việc làm

Giáo dục đại học cần được tách bạch giữa đào tạo và việc làm

Có nhiều quan điểm đồng tình nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng số liệu công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc cao là chưa khách quan. Số liệu này đưa ra phản ánh tỷ lệ sinh viên có việc làm chưa phù hợp với bằng cấp đào tạo, chứ không hẳn là tỷ lệ thất nghiệp.

Không có việc làm hay việc trái nghề

Theo đánh giá của nhiều nhà tuyển dụng lao động, sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, một số ít, có thể nói là rất ít sẽ có việc làm ngay, thông thường những bạn này là những sinh viên xuất sắc nhất của khóa đào tạo, hoặc các bạn sẽ tiếp tục học lên để giữ lại làm giảng viên, hoặc đầu quân làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp lớn.

Nhóm này được đánh giá là chuyên môn, năng lực tốt nên cơ hội việc làm là rất cao, họ luôn có sự tính toán lâu dài và định hướng tốt cho tương lai.

Nhóm còn lại chiếm số đông hơn, theo như đánh giá của các chuyên gia, thời gian chuyển tiếp từ trường học đến việc làm của nhóm đối tượng này trung bình cần khoảng 7,3 tháng để tìm đến được một công việc họ thấy tương đối ổn định, phù hợp với nghề mình được đào tạo.

Cuối cùng là nhóm có số lượng rất đông, họ là những người có thể khi đặt chân vào giảng đường đại học cũng đã có những tính toán để có một nghề nghiệp trong tương lai phù hợp với chuyên môn mình học.

Tuy nhiên, thời gian đã dẫn đến nhiều thay đổi, có thể do khách quan hoặc chủ quan mà nhiều người trong nhóm này lại có việc làm không đúng với chuyên môn đào tạo.

Có lẽ chưa có một điều tra xã hội học nào về việc này, nhưng rõ ràng là có rất nhiều người đã và đang hài lòng với việc mình làm “trái nghề” nhưng lại thành công hơn mong đợi.

Nói ra điều này để thấy rằng có một thực tế đang diễn ra trong xã hội là không phải cứ tốt nghiệp đại học với tấm bằng chuyên môn gì thì làm nghề với chuyên môn đó.

Một trào lưu đang diễn ra khá phổ biến rằng bằng đại học chỉ là điều kiện đủ để họ có một nền tảng căn bản tiếp thu tri thức mới, và học để làm việc đang trở thành xu hướng liên tục và suốt đời.

PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp – nhận định về việc này: Chúng ta không khuyến khích việc đi làm trái nghề, thực tế là nếu đào tạo đúng ngành nghề thì lao động sẽ hiệu quả hơn.

Doanh nghiệp cũng có thể tận dụng hết tiềm năng, năng suất, kiến thức của người lao động. Tuy nhiên, giờ đây tuổi trẻ năng động hơn thế hệ chúng ta nhiều, họ có thể thay đổi việc làm bất cứ lúc nào.

Nếu quan niệm của người cũ là làm ở cơ quan Nhà nước để ổn định thì lớp trẻ, nhiều người họ lại không thích điều đó. Như ở trường tôi, nhiều bạn trẻ tốt nghiệp các ngành mỹ thuật, nhưng cuối cùng lại đi làm kinh doanh, tất nhiên những kiến thức trong trường đại học sẽ hỗ trợ nhiều các bạn đó.

Vậy thì có đánh giá là làm trái nghề không, có liệt vào tỷ lệ khó xin việc không khi họ thành đạt trong lĩnh vực mới – PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị – phân tích.

Cần tách bạch giữa đào tạo và việc làm

Tại Hội thảo Thực trạng và các giải pháp củng cố, phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam diễn ra ngày 22/12, GS Trần Phương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – từng phản đối việc đổ lỗi cho tỷ lệ sinh viên thất nghiệp cao sau tốt nghiệp là do ngành Giáo dục.

GS Trần Phương phân tích: Hiện tại Việt Nam đã chuyển sang cơ chế thị trường thì không thể mong muốn cung và cầu về lao động phải ăn khớp nhau như hồi kế hoạch hóa tập trung.

Đúng là xã hội hướng dẫn sinh viên chọn nghề để học còn nhiều thiếu sót nhưng dù có hướng dẫn tốt đến mấy chăng nữa cũng không thể bảo đảm cung và cầu về lao động hoàn toàn ăn khớp với nhau.

Nhiều sinh viên chọn nghề chỉ căn cứ vào sở thích của mình chứ không căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động. Họ sẽ phải tìm nghề khác để học lại. Chuyển nghề là một hiện tượng phổ biến trên thế giới, không chỉ một lần mà chuyển nhiều lần – GS Trần Phương nhấn mạnh!

Tuy nhiên, ông Phương cũng thừa nhận, đúng là có một số ngành đào tạo vượt nhu cầu cần phải điều chỉnh, như sư phạm chẳng hạn, nhưng bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp lại không kiếm được đủ kỹ sư. Số thanh niên đăng ký học các ngành kỹ thuật công nghệ ở nước ta chiếm tỷ lệ quá thấp. Nguyên nhân vì đâu?” – GS Trần Phương nêu câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của GS Phương giờ đây không phải Bộ GDĐT có thể trả lời chính xác mà phải là chính các nhà trường. Thực tế là khi Luật Giáo dục đại học đi vào cuộc sống, các trường hoàn toàn được chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh.

Bộ GDĐT chỉ còn có trách nhiệm quản lý Nhà nước ở khía cạnh đảm bảo chất lượng như kiểm soát năng lực đào tạo của trường này hay trường kia có phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh của trường xây dựng không, chứ không thể cho phép trường này hay yêu cầu trường kia phải mở ngành này, ngành nọ mà việc đó là họ làm trên tinh thần Luật định.

Nhiều quan điểm cho rằng cần phải tách bạch giữa đào tạo và việc làm, việc làm là xã hội điều tiết chứ không phải là nhà trường và chủ quan của doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy có thời điểm khi nền kinh tế tăng trưởng nóng, nhu cầu nhân lực cho khối ngành kinh tế – tài chính – ngân hàng tăng mạnh thì trường nào tính được việc đó.

Tất nhiên, việc đào tạo không phải nói thì mỗi trường đều có những tính toán riêng, nhưng vấn đề cốt lõi đối với nhà trường là chất lượng đào tạo, muốn vậy thì phải siết chặt chuẩn “đầu ra”.

GS Đinh Quang Báo (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã rất đồng tình với chủ trương của Bộ GDĐT là bỏ điểm sàn xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Luật Giáo dục đại học cũng đã quy định rõ quyền tự chủ của các trường, việc các trường có tuyển sinh dưới mức điểm sàn hay không là tùy thuộc vào từng trường. Điều quan trọng là phải kiểm soát được hoạt động giảng dạy và chuẩn “đầu ra” để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo.

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngoại khóa “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”

Sáng thứ 2 ngày 09/5, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn phối hợp với Công an ...