Home » Tin giáo dục » Mong muốn kết nối nhà trường, doanh nghiệp được ghi rõ trong luật

Mong muốn kết nối nhà trường, doanh nghiệp được ghi rõ trong luật

Có khách quan khi doanh nghiệp đứng ngoài “phán xét” chất lượng giáo dục?

– Một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục đại học là phải đào tạo được người lao động có đủ kiến thức, kỹ năng, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Khi đưa ra tiêu chuẩn đánh giá chất lượng hiện hành, Bộ GDĐT có những yêu cầu gì cụ thể và ưu tiên đối với các cơ sở giáo dục đại học trong việc liên kết với các doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị để đào tạo sinh viên theo hướng thực nghiệp?

PGS.TS Mai Văn Trinh 
PGS.TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT): Không phải bây giờ Bộ GDĐT mới nói đến việc này. Từ khá lâu, chúng ta đã có chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nhất là trong giáo dục ĐH, phục vụ trực tiếp cho yêu cầu phát triển xã hội. Vì vậy, việc kết nối giữa cơ sở giáo dục đại học và nhà tuyển dụng cũng giúp dự báo việc làm, thiết kế xây dựng chương trình đào tạo.

Thời gian qua, hệ thống giáo dục Việt Nam đã có sự gắn kết rất lớn với doanh nghiệp trong tất cả quá trình. Trong các bộ tiêu chuẩn chất lượng, kể cả bộ hiện hành và sắp tới ban hành, đều có khá nhiều các tiêu chuẩn, tiêu chí đề cập đến mối liên hệ giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp. Trong đó, thể hiện qua các chỉ số như quá trình đào tạo, quá trình quản lý đào tạo, quá trình đánh giá sinh viêv, đây là bước rất tiến bộ.

Về phía Bộ GDĐT, chúng tôi rất muốn và đã vài lần phát biểu, khi nhìn ra thế giới, những nước phát triển ở Châu Âu, mối liên hệ ràng buộc giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục đại học được ghi trong luật, bởi mối liên hệ này mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Chúng tôi rất muốn doanh nghiệp đã tham gia cần mạnh hơn nữa và mong muốn đến một thời điểm cụ thể nào đó, quan hệ nhà trường, doanh nghiệp được ghi vào luật, theo hướng trách nhiệm của doanh nghiệp với phát triển đào tạo đại học. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp rất dễ dàng phê phán và đánh giá giáo dục ĐH Việt Nam không đáp ứng được, nhưng trong quá trình đào tạo thì doanh nghiệp ấy hoàn toàn đứng ngoài. Liệu rằng sự phán xét đó có hợp lý, có logic không?

Nên tôi muốn khi các doanh nghiệp cùng bắt tay với nhà trường trong suốt quá trình giảng dạy, từ đầu vào đến đầu ra, nếu nhà trường vẫn đào tạo ra những sinh viên không đáp ứng yêu cầu công việc, thì khi đó, những lời trách mắng của doanh nghiệp sẽ thuyết phục hơn.

Đào tạo những gì xã hội cần, không nên đào tạo tất cả những gì mình có

– Theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng hiện hành có yêu cầu mời người sử dụng lao động tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo để chương trình thực sự phù hợp với yêu cầu của xã hội, quan điểm của ông về việc này như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Long – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH

PGS.TS Nguyễn Văn Long  

Giao
thông vận tải Hà NộiTrường chỉ đào tạo những gì xã hội cần, không nên đào tạo tất cả những gì mình đang có. Bởi hiện nay, có chương trình đào tạo có những môn học không ăn nhập với cái gì nhưng vì bộ môn đó đang tồn tại ở nhà trường cho nên phải đưa vào. Đó là thực trạng ở một số trường ĐH hiện nay.

Nếu đào tạo kiểu này sẽ lãng phí cho xã hội; người học phải học những thứ mình không cần và tốn thời gian.

Vậy ai là người ra bài toán dạy gì, học gì? Tốt hơn hết đó phải là xã hội, trực tiếp là các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng để đưa ra yêu cầu đầu ra của sinh viên cần gì, từ đó xác định ngược lại, cần đầu vào những môn học nào. Đó là quy chuẩn và xu thế. Trong quy trình kiểm định hiện nay và sắp tới đã rất chú trọng đến vấn đề này, đó là điều hoàn toàn hợp lý.

Chúng tôi chưa chính thống mời các nhà tuyển dụng định kỳ hằng năm, hàng quý bàn về vấn đề này, nhưng đã tận dụng mọi cơ hội để tiếp xúc, trao đổi, nghe tư vấn về nội dung môn học, qua đó có sự điều chỉnh chương trình đào tạo.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh 
GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐHQG Hà Nội): Trong nội dung quản lý chất lượng có hẳn một phần là khi xây dựng chương trình đào tạo mới thì điều chỉnh chương trình đào tạo đó đều phải có sự tham gia của người sử dụng lao động.

Chính vì vậy, trong khi đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục, một trong những nhóm là bắt buộc phải có ý kiến đại diện các cơ sở sử dụng lao động của trường đó để xem họ tham gia vào đến đâu.

Ví dụ, hiện nay chương trình CDIO phải có sự khảo sát ý kiến của các bên liên quan, đặc biệt của người tuyển dụng lao động, làm sao xác định được 2 nội dung quan trọng: Thứ nhất là tính chất sản phẩm đào tạo ra như thế nào và số lượng dự kiến có thể tuyển dụng là bao nhiêu.

Tuy nhiên, đáng tiếc là khi đi đánh giá thấy rằng, các trường học rất quan tâm xem nhà tuyển dụng yêu cầu gì, sẽ tuyển người như thế nào, nhưng quy mô bao nhiêu thì các trường thường quên hoặc không đề cập rõ ràng.

Cần phân tích 2 điểm, về thị trường họ cần lao động như thế nào và quy mô của thị trường ra sao mới có thể đưa ra bài toán về quy mô tuyển sinh đầy đủ hơn. Tính toán quy mô theo đầu ra chứ không phải theo đầu vào như vẫn làm hiện nay là theo lượng giảng viên trên sinh viên.

Đối với trung tâm kiểm định, trong hội đồng cũng có đại diện các nhà tuyển dụng, bộ ban ngành liên quan, để họ nhìn từ góc độ của người sử dụng thì chất lượng đào tạo của trường đó có đáp ứng được yêu cầu hay không…

Như vậy, tiếng nói của các nhà tuyển dụng đặc biệt quan trọng, sự gắn kết càng ngày càng phải được tăng cường hơn nữa và mang tính thường xuyên, định kỳ chứ không phải thi thoảng mới mời tới.

Thực tế thị trường lao động, khi đưa yêu cầu thì phải cam kết sử dụng sản phẩm, tránh tình trạng, khi nhà trường đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp, ra trường doanh nghiệp không dùng. Doanh nghiệp phải có tầm nhìn 4 – 5 năm tới cần gì, nếu không sẽ rơi vào tình trạng đưa ra yêu cầu về nhu cầu trước mắt, nhưng khi lứa sinh viên đó ra trường không còn phù hợp nữa.

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngoại khóa “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”

Sáng thứ 2 ngày 09/5, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn phối hợp với Công an ...