Home » Tin giáo dục » Yên Bái thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số

Yên Bái thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Để khắc phục khó khăn về đội ngũ, Sở GDĐT đã tham mưu với UBND tỉnh giao kế hoạch mở lớp Sư phạm mầm non đào tạo theo địa chỉ về giảng dạy phục vụ tại địa phương có dân tộc Mông, Dao và Khơ Mú; mở lớp Trung cấp mầm non đào tạo theo địa chỉ, hệ vừa học vừa làm cho 2 lớp/96 người của huyện Văn Yên và Mù Cang Chải.

Để giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề, tỉnh Yên Bái giao chỉ tiêu tuyển dụng vào biên chế Nhà nước cho các huyện, thị xã, thành phố đặc biệt ưu tiên bổ sung giáo viên vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn 2011 -2015, tỉnh Yên Bái đã tuyển dụng 1.865 giáo viên cho các cơ sở giáo dục mầm non.

Sở chỉ đạo các Phòng GDĐT phối hợp với các Trung tâm giáo dục thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiếng Mông, Dao cho giáo viên. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giáo viên tăng cường tiếng Việt: Tập huấn giáo viên về phương pháp phát triển tiếng mẹ đẻ và dạy tiếng Việt cho trẻ; phương pháp dạy học tích cực; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện; tổ chức các hoạt động ở lớp mẫu giáo ghép.

Hướng dẫn giáo viên xây dựng mục tiêu, nội dung, phương pháp; xây dựng kế hoạch chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số trong thực hiện chương trình GDMN. Từ đó giúp giáo viên biết cách xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị…

Xây dựng môi trường và tổ chức dạy nghe, nói tiếng Việt

Để thực hiện tốt việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trên cơ sở cuốn tài liệu “Hướng dẫn chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non 3 độ tuổi”; Nghiên cứu, xây dựng chương trình phù hợp cho cả năm học, trong đó giáo viên phải có kế hoạch cụ thể nhằm cung cấp tiếng Việt cho trẻ đảm bảo tính hệ thống và theo hướng phát triển.

Sở đã chỉ đạo các đơn vị trường chú trọng đến việc xây dựng môi trường giáo dục cho trẻ. Phòng học, không gian lớp học, góc hoạt động, đồ dùng, đồ chơi và các trang thiết bị trong và ngoài lớp học sạch sẽ, an toàn; xây dựng môi trường tinh thần giao tiếp bằng ngôn ngữ (tiếng dân tộc và tiếng Việt), thái độ của giáo viên đối với trẻ nhằm tạo cảm giác thoải mái an toàn khi tham gia hoạt động, xây dựng môi trường gắn với chủ đề thông qua việc trang trí lớp học và các hoạt động theo nội dung chương trình, thường xuyên trò chuyện với trẻ thông qua các hoạt động hằng ngày (bằng tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ); khuyến khích trẻ tham gia trò chuyện, trao đổi với bạn, với cô giáo bằng tiếng Việt; xem băng đĩa, tivi tiếng Việt, sử dụng các trò chơi, kết hợp với lời ca; tổ chức các hoạt động có sử dụng ngôn ngữ kết hợp với văn hóa dân tộc, nghe kể chuyện dân gian, đọc thơ, đồng dao, ca dao…

Hướng dẫn phương pháp tổ chức dạy trẻ nghe, nói tiếng Việt: Để giúp cho trẻ nghe, hiểu, nói được tiếng Việt, Sở đã chỉ đạo các Phòng GDĐT tổ chức hướng dẫn giáo viên nắm được đặc điểm khả năng tiếng Việt của lớp để xây dựng bảng từ phù hợp gần gũi với trẻ, phù hợp với địa phương, tổ chức dạy tiếng Việt linh hoạt. Ngoài ra các nhà trường còn phối hợp với các già làng, trưởng bản kết hợp với cha mẹ trẻ và cộng đồng để tăng cường tiếng Việt cho trẻ; Sử dụng hình thức trợ giảng để hỗ trợ việc học cho trẻ…

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trên đây, trẻ em mầm non người dân tộc thiểu số của Yên Bái đã khắc phục được vốn tiếng Việt hạn chế của mình; Học hết bậc học mầm non, trẻ có thể nghe, hiểu và trả lời bằng tiếng Việt, trẻ hát trọn vẹn nhiều bài hát, kể câu chuyện ngắn, trẻ biết giới thiệu về bản thân, sở thích, nhớ tên các thành viên trong gia đình… Trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, tự tin, được chuẩn bị tốt các nội dung giáo dục theo độ tuổi, tạo tâm thế cho trẻ vào lớp 1 tiểu học.

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngoại khóa “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”

Sáng thứ 2 ngày 09/5, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn phối hợp với Công an ...