Home » Chuyên đề - Chuyên môn » 3 bước để khích lệ học sinh làm việc nhóm

3 bước để khích lệ học sinh làm việc nhóm

GDTĐ – Dạy học theo nhóm nhằm nâng cao tính tương tác giữa các thành viên trong nhóm, tăng cường động cơ học tập, nảy sinh hứng thú, kích thích giao tiếp, chia sẻ tư tưởng, hướng giải quyết vấn đề, tăng cường kĩ năng biểu đạt, phản hồi…Qua đó, nhằm phá huy năng lực tự chủ, sáng tạo của học sinh tiểu học.

Đó là chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng – Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Hải Phòng). Dưới đây là hướng dẫn của cô để học sinh có thể tự đề xuất nhiệm vụ hoạt động nhóm của mình.

Bước 1: Xác định kiến thức, kĩ năng học sinh cần chiếm lĩnh

Việc 1: Xác định nội dung hoạt động nhóm. Hoạt động để nắm kiến thức gì, kĩ năng gì?

Việc xác định kiến thức, kĩ năng cần đạt trong một hoạt động của nhóm học tập là một vấn đề quan trọng với giáo viên. Ngoài việc xác định hoạt động này cần chiếm lĩnh kiến thức gì thì người giáo viên phải tự đặt ra câu hỏi như: Có cần thiết giới thiệu kiến thức này không? Cần thiết giới thiệu kiến thức này vào thời điểm nào? Cần yêu cầu học sinh hiểu kiến thức này ở mức độ nào?

Giáo viên có thể làm điều này thông qua việc nghiên cứu nội dung bài học, mục đích yêu cầu bài học từ sách giáo khoa, sách giáo viên, sách tham khảo, hướng dẫn thực hiện chương trình để xác định rõ hàm lượng kiến thức, kĩ năng tương đối phù hợp với nhận thức và năng lực của học sinh.

Ví dụ: Khi dạy bài “Diện tích hình tam giác”, giáo viên cho các em làm việc nhóm với mục đích xây dựng cách tính diện tích hình tam giác. Vậy để học sinh tự đề xuất được nhiệm vụ hoạt động thì giáo viên cần phải xác định được học sinh đã biết những gì, học sinh dựa vào cách tính những hình nào (Hình chữ nhật) để xây dựng cách tính diện tích hình tam giác.

Việc 2: Lên kế hoạch xây dựng hệ thống câu hỏi để dẫn dắt học sinh tự đề xuất nhiệm vụ hoạt động nhóm.

Để học sinh có thể tiếp cận thật sự với sự tìm tòi, nghiên cứu chiếm lĩnh kiến thức thì học sinh phải hiểu rõ vấn đề đặt ra cần giải quyết trong hoạt động của nhóm.

Để đạt được yêu cầu này bắt buộc học sinh phải tham gia vào bước xây dựng các câu hỏi. Người giáo viên cần nắm chắc các bước của một tiến trình thực nghiệm khoa học để dẫn dắt học sinh đưa ra được những đề xuất hướng vào khai thác kiến thức, kĩ năng bài học.

– Kiến thức ta cần đạt được là gì?

– Chúng ta nghĩ gì về vấn đề ấy?

– Ta phải làm gì để giải quyết vấn đề ấy?

– Ta muốn đề xuất gì?

– Ta muốn kiểm chứng gì?

Ví dụ: Trong tiết Tập đọc: “Phong cảnh đền Hùng”, trong phần: Luyện đọc đúng, tôi tổ chức cho học sinh hoạt động nhóm để giải quyết mục tiêu thứ nhất của bài, đó là: Đọc trôi chảy toàn bài, phát âm chuẩn, ngắt nghỉ hơi đúng ở những câu dài.

Tôi đã xây dựng một số câu hỏi để dẫn dắt học sinh đề xuất nhiệm vụ hoạt động nhóm như sau:

– Để đọc đúng bài tập đọc này, em cần đọc như thế nào?

– Khi làm việc nhóm, em cần tìm hiểu những nội dung gì?

– Tại sao em lại lựa chọn những nội dung ấy, tại sao cần thực hiện những yêu cầu ấy?

Tổ chức hoạt động học tập nhóm theo hướng học sinh tự đề xuất nhiệm vụ hoạt động nhóm

Bước 2. Giáo viên tổ chức, hướng dẫn học sinh tự đề xuất nhiệm vụ hoạt động của nhóm.

Việc 1: Giáo viên đưa câu hỏi gợi mở nội dung kiến thức.

Giáo viên có thể xuất phát từ logic khoa học sau để xây dựng hệ thống câu hỏi gợi mở: Kiến thức bài học là gì? Em băn khoăn về điều gì? Em đã biết được cái gì? Em đang quan tâm đến cái gì?

Giáo viên có thể vận dụng cách đặt câu hỏi nêu vấn đề cùng với các kĩ thuật đặt câu hỏi để học sinh có thể đặt câu hỏi cho chính bản thân mình, cho các bạn nhằm nắm được kiến thức, kĩ năng cô đã định hướng. Câu hỏi của giáo viên có thể là câu hỏi cho từng cá nhân học sinh, câu hỏi cho từng nhóm, câu hỏi chung cho cả lớp, câu hỏi dạng “ mở” và câu hỏi dạng “đóng”.

Câu hỏi nêu vấn đề ở đây được xuất phát từ chính yêu cầu về kiến thức, kĩ năng của bài học, nhằm định hướng cho học sinh theo chủ đề của hoạt động nhóm nhưng cũng đủ mở để kích thích sự tư vấn của các em.

Ví dụ trong giờ dạy toán: “Diện tích hình tam giác” thì câu hỏi nêu vấn đề là: Em cần phải làm gì để tìm ra cách tính Diện tích hình tam giác?

Từ các câu hỏi xuất hiện trong quá trình gợi mở, giáo viên nêu câu hỏi cho học sinh định hướng đề xuất mình cần phải giải quyết các yêu cầu trong hoạt động nhóm: Em hãy đề xuất nhiệm vụ học tập cho nhóm để…

Việc 2: Các nhóm thảo luận, đề xuất nhiệm vụ hoạt động nhóm

Từ các câu hỏi dẫn dắt, kích thích suy nghĩ của học sinh hướng vào những kiến thức cần đạt, các em có thể thảo luận nhóm để xây dựng nhiệm vụ học tập của nhóm. Ở bước này, học sinh có thể thể hiện ý tưởng của mình bằng nhiều hình thức phong phú.

Kĩ năng làm việc nhóm các em đã được thực hiện thường xuyên vì vậy nhóm trưởng có thể chỉ định luôn kĩ thuật hoạt động nhóm: Bạn hãy ghi nhiệm vụ hoạt động nhóm vào phần bảng của mình, trình bày cho cả nhóm nghe và chúng ta thống nhất nhiệm vụ chung cho cả nhóm.

Như vậy, trước khi đến với kiến thức mới, học sinh lấy cơ sở từ những hiểu biết ban đầu của mình, từ ham muốn cần chiếm lĩnh kiến thức gì, các em sẽ thảo luận, trao đổi với nhau để cùng đi đến thống nhất tất cả chúng ta cần làm gì để đạt được điều cô giáo và chúng ta vừa xác định.

* Ví dụ: Các nhóm đề xuất nhiệm vụ học tập để xây dựng cách tính diện tích hình tam giác:

– Chúng ta đã biết cách tính diện tích hình nào?

– Ta dựa vào hình nào để tính diện tích hình tam giác?

– Dùng hình vẽ để kiểm chứng cách làm.

– Dùng mô hình để kiểm chứng cách làm.

Bước 3. Giáo viên hướng dẫn học sinh thống nhất nhiệm vụ hoạt động nhóm

Sau khi học sinh thảo luận trong nhóm để đề xuất nhiệm vụ học tập, các em thống nhất được nhiệm vụ chung của nhóm. Giáo viên cho đại diện các nhóm trình bày kết quả làm việc của nhóm mình bằng câu hỏi: Để đọc đúng bài tập đọc “Phong cảnh đền Hùng”, các em cần thực hiện những yêu cầu gì?/ Để xây dựng cách tính: “Diện tích hình tam giác”, các em cần thực hiện những yêu cầu gì?

Giáo viên cần chú ý nhiệm vụ hoạt động của các nhóm có thể có sự khác nhau, giáo viên không đòi hỏi cả lớp đều làm chung một nhiệm vụ.

Tuy nhiên, các nhiệm vụ đều phải hướng vào mục tiêu của hoạt động đề ra. Giáo viên có thể hỏi học sinh: “Tại sao nhóm em lại đề xuất với các bạn phải rèn yêu cầu này?” để học sinh có thể nêu thực trạng vì đó là vấn đề mà cả nhóm làm chưa tốt.

Nếu có nhóm đặt ra các nhiệm vụ không thuộc phạm vi kiến thức, kĩ năng của tiết học này thì giáo viên có thể yêu cầu nhóm để nhiệm vụ đó thực hiện trong các hoạt động khác.

Ví dụ: Học sinh đề xuất nhiệm vụ hoạt động nhóm trong tiết toán: “Diện tích hình tam giác”:

– Dựa vào cách tính diện tích hình chữ nhật để tính diện tích hình tam giác.

– Dùng mô hình kiểm tra.

– Vậy diện tích hình tam giác được tính như thế nào?

Căn cứ vào nội dung đề xuất nhiệm vụ học tập cụ thể của từng nhóm, giáo viên sẽ nhận xét, tư vấn, định hướng để các nhóm đưa ra được nhiệm vụ học tập rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện nhằm giải quyết mục tiêu của hoạt động nhóm.

Trong nội dung đề xuất nhiệm vụ học tập của nhóm 2, có một nội dung chưa phù hợp với mục tiêu của hoạt động, đó là: Tìm các từ cần đọc nhấn giọng trong đoạn (Đây là yêu cầu của hoạt động: Luyện đọc diễn cảm), giáo viên cần giải thích và định hướng để học sinh hiểu rõ vấn đề.

Sau khi các nhóm trình bày đề xuất nhiệm vụ học tập, giáo viên chốt lại các nội dung cần thực hiện trong nhóm để đạt được mục tiêu của hoạt động.

Ví dụ: + Tìm các câu có tiếng chứa âm đầu l – n và các từ khó đọc trong đoạn và luyện đọc các câu chứa tiếng đó.

+ Tìm cách đọc các câu dài và luyện đọc các câu đó.

+ Đọc thầm và giải nghĩa một số từ khó trong đoạn.

+ Nối tiếp đọc đoạn trong nhóm và bình chọn bạn đọc tốt nhất.

Sau khi hoàn thành các giải pháp cho bước 1 thì giáo viên và học sinh thực hiện tiếp 6 bước còn lại của quy trình hoạt động nhóm.

Có thể nói, mục tiêu dạy học là đào tạo học sinh trở thành người lao động sáng tạo. Dạy học không chỉ là dạy tri thức mà còn hình thành và phát triển ở học sinh phương pháp, năng lực sáng tạo, tự học và giải quyết vấn đề, khả năng tương tác giữa các cá nhân.

Một trong những hình thức tổ chức dạy học góp phần đạt được mục tiêu dạy học chính là tổ chức các hoạt động dạy học theo nhóm.

7 bước trong tổ chức dạy học theo nhóm:

– Bước 1: Giáo viên giao nhiệm vụ cho các nhóm

– Bước 2: Nhóm trưởng tổ chức cho từng cá nhân tìm hiểu nội dung kiến thức

– Bước 3: Nhóm trưởng tổ chức thảo luận và ghi ý kiến chung. Giáo viên giúp đỡ, hỗ trợ các nhóm (dạy học theo nhóm) hoàn thành nhiệm vụ chung khi cần thiết.

– Bước 4: Đại diện các nhóm trình bày kết quả, nhận xét, bổ sung, đánh giá.

– Bước 5: Các nhóm nêu những thắc mắc (nếu có)

– Bước 6: Đại diện nhóm giải đáp thắc mắc của các nhóm

– Bước 7: Hoạt động chung cả lớp (nếu cần thiết). Giáo viên tổ chức chốt lại kiến thức mới xuất hiện, đánh giá hoạt động học tập của nhóm.

Trong quy trình 7 bước tiến hành dạy học theo hình thức hoạt động nhóm thì: Bước 1: Giáo viên giao nhiệm vụ cho các nhóm là một trong những nội dung hoạt động quan trọng góp phần làm nên thành công của hoạt động nhóm.

Nguyễn Thị Thu Hồng

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...