Home » Chuyên đề - Chuyên môn » “Bật mí” cách dạy học Ngữ văn qua ” Tia chớp“

“Bật mí” cách dạy học Ngữ văn qua ” Tia chớp“

GDTĐ – “Làm thế nào để học sinh thích học Ngữ Văn?”, “Làm thế nào để mỗi ngày dạy và học Văn là một ngày vui?”. Những bật mí của cô Lê Phan Quỳnh Trang – Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng sẽ phần nào trả lời được các câu hỏi trên.

Kỹ thuật Tia chớp: Đây là một kỹ thuật huy động sự tham gia của các thành viên đối với một câu hỏi nào đó, hoặc nhằm thu thông tin phản hồi, cải thiện tình trạng giao tiếp và không khí học tập trong lớp. Các thành viên lần lượt nêu ngắn gọn và nhanh chóng (nhanh như chớp) ý kiến của mình về một câu hỏi hoặc tình trạng vấn đề.

* Quy tắc thực hiện: Có thể áp dụng bất cứ thời điểm nào; lần lượt từng người nói suy nghĩ của mình về một câu hỏi đã thoả thuận. Mỗi người chỉ nói ngắn gọn 1-2 câu ý kiến của mình sau khoảng 30s – 45s suy nghĩ; chỉ thảo luận khi tất cả đã nói xong ý kiến.

* Ưu điểm: Thu thập nhanh các ý tưởng; cải thiện không khí học tập trong lớp; các thành viên được trình bày ý tưởng; rèn luyện khả năng phản xạ, tư duy nhanh gọn, nhạy bén.

* Nhược điểm: Có thể có HS thụ động, phản xạ chậm gây ảnh hưởng đến tình trạng lớp học; có thể có các ý kiến lan man, xa chủ đề, GV cần chủ động xử lí tình huống cho phù hợp.

Kỹ thuật trình bày một phút: Là kĩ thuật tạo điều kiện cho học sinh tổng kết lại kiến thức đã học, đặt những câu hỏi về những điều còn băn khoăn, thắc mắc và đặt ra những vấn đề liên hệ đến thực tiễn từ nội dung bài học.

* Cách thức tiến hành: Cuối tiết học (thậm chí giữa tiết học), giáo viên yêu cầu học sinh suy nghĩ, trả lời các câu hỏi sau: “Điều quan trọng nhất các em học được hôm nay là gì?”, “Theo các em, vấn đề gì là quan trọng nhất mà chưa được giải đáp?”…

Sau đó, học sinh suy nghĩ và viết ra giấy. Các câu hỏi của học sinh có thể dưới nhiều hình thức khác nhau. Mỗi học sinh trình bày trước lớp trong thời gian 1 phút về những điều các em đã học được và những câu hỏi các em muốn được giải đáp hay những vấn đề các em muốn được tiếp tục tìm hiểu thêm.

* Ưu điểm: Các câu hỏi cũng như các câu trả lời học sinh đưa ra sẽ giúp củng cố quá trình học tập của các em và cho giáo viên thấy được các em đã hiểu vấn đề như thế nào.

* Nhược điểm: Một số học sinh không đi vào vấn đề trọng tâm, hoặc có những trình bày lệch chủ đề. Giáo viên cần lắng nghe, phản hồi và định hướng.

Kỹ thuật“3 lần 3”: Là một kỹ thuật lấy thông tin phản hồi nhằm huy động sự tham gia tích cực của học sinh. Giáo viên và học sinh cùng nhận xét, đánh giá, đưa ra ý kiến đối với những yếu tố cụ thể có ảnh hưởng tới quá trình học tập nhằm mục đích là điều chỉnh, hợp lí hoá quá trình dạy và học.

Cách thức tiến hành: Học sinh được yêu cầu cho ý kiến phản hồi về một vấn đề nào đó (nội dung và phương pháp tiến hành thảo luận của các bạn, nội dung và phương pháp của giáo viên …).

Mỗi học sinh cần viết ra: 3 điều tốt, 3 điều chưa tốt, 3 đề nghị cải tiến. Sau khi thu thập ý kiến thì xử lý và thảo luận về các ý kiến phản hồi. Giáo viên có thể vận dụng kĩ thuật này trong một số tiết học có ứng dụng thảo luận nhóm. Mỗi học sinh nói (hoặc viết) phản hồi, nhận xét về nội dung và cách thức thảo luận, trình bày vấn đề của bạn mình trên tinh thần xây dựng, cầu tiến.

Có thể đặt tên cho phần này “Tập làm ban giám khảo”, “Ai là nhà phản biện?”. Người viết định hướng, uốn nắn học sinh cách nhận xét người khác sao cho vừa thẳng thắn vừa khéo léo, tế nhị. Cuối mỗi học kì, giáo viên có thể phát cho học sinh những phiếu phản hồi theo kĩ thuật 3 lần 3 này.

Học sinh được viết 3 điều cảm thấy hứng thú, 3 điều chưa hứng thú, và 3 đề nghị cải tiến giờ học Văn. Học sinh có quyền ghi tên hoặc không ghi tên mình. Nhờ sự lắng nghe học sinh, giáo viên sẽ có những biện pháp, cách thức thay đổi hoặc tác động cho phù hợp để nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

Qui tắc đưa thông tin phản hồi:

– Diễn đạt ý kiến một cách đơn giản và có trình tự (không nói quá nhiều)

– Cố gắng hiểu được những suy tư, tình cảm (không vội vã)

– Tìm hiểu các vấn đề cũng như nguyên nhân của chúng

– Giải thích những quan điểm không đồng nhất

– Chấp nhận cách thức đánh giá của người khác

– Chỉ tập trung vào những vấn đề có thể giải quyết được trong thời điểm thực tế

– Coi cuộc trao đổi là cơ hội để tiếp tục cải tiến quá trình hoạt động.

* Ưu điểm: thu thập được các thông tin phản hồi để có hướng tác động phù hợp, tăng hiệu quả dạy – học; học sinh biết cách đánh giá vấn đề khách quan, khoa học.

* Nhược điểm: Có những HS đưa ra ý kiến phản hồi nặng về cảm tính, cách đưa thông tin thiếu sự khéo léo, dễ gây ảnh hưởng đến tình hình lớp học.

Do đó giáo viên cần định hướng cho học sinh những yêu cầu của việc đưa ra thông tin phản hồi tích cực cần: Có sự cảm thông; có kiểm soát; được người nghe chờ đợi; cụ thể; đúng lúc; có thể biến thành hành động; cùng thảo luận, khách quan.

Lê Phan Quỳnh Trang

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...