Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Cách học hiệu quả cho sinh viên ngành Luật

Cách học hiệu quả cho sinh viên ngành Luật

GDTĐ – Cô Đỗ Thị Minh Thư – Giảng viên khoa Luật Trường ĐH Đại Nam – chia sẻ kinh nghiệm giúp sinh viên học tập có hiệu quả ngành Luật kinh tế. Đây cũng là tham khảo hữu ích cho sinh viên ngành Luật nói chung.

Thứ nhất: Sinh viên phải có đủ tài liệu học, bao gồm hệ thống văn bản pháp luật kinh tế, giáo trình, đề cương bài giảng, hệ thống bài tập tình huống…

Thứ 2: Trước khi bắt đầu học từng môn trong chuyên ngành, sinh viên cần xem môn học có bao nhiêu chương và nội dung chủ đạo của chương đó.

Song song với việc nắm được nội dung chủ đạo của từng chương, sinh viên phải xác định được số mục trong chương, trong mỗi mục đó gồm những ý nào, trong mỗi ý đó lại bao gồm bao nhiêu ý nhỏ, nội dung cụ thể là gì. Có nghĩa là học từ khái quát đến cụ thể.

Để nhớ phần này, sinh viên nên vẽ sơ đồ tư duy. Tên chương sẽ là ô trọng tâm, những nội dung cơ bản chính là những mục trong bài, nhánh 1, nhánh 2 sẽ là những ý tiếp theo trong mục; và cứ thế triển khai các nhánh tiếp theo.

Thứ 3: Khi đã vẽ được sơ đồ tư duy cho mỗi chương, cần xác định nội dung trong chương đó quy định ở những văn bản pháp luật nào, cụ thể hơn là quy định tại điều nào trong văn bản đó.

Khi đã xác định được điều luật, sinh viên sẽ ghi nó bên dưới những ý nhỏ trong sơ đồ tư duy để tạo thành một sơ đồ tư duy hoàn chỉnh.

Có ý kiến cho rằng, học luật là phải nắm được tư tưởng chủ đạo, nội dung mang tính lí luận chứ không phải hệ thống luật thực định (nghĩa là vấn đề đó quy định như thế nào, ở văn bản nào). Quan niệm đó không sai nhưng chỉ đúng với những người nghiên cứu pháp luật, các nhà lập pháp.

Với sinh viên học Luật kinh tế để giải quyết tình huống được giả định trong hệ thống bài tập môn học, trong đề thi và những tình huống thực tế phát sinh tại cơ sở mình công tác sau khi ra trường, do đó, cần phải xác định được cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề đó. Việc xác định cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề đưa ra không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Thứ 4: Cần thường xuyên làm các bài tập trong hệ thống bài tập tình huống đã được giảng viên phổ biến từ đầu chương trình dựa trên sơ đồ tư duy hoàn chỉnh.

Với cách làm như trên, sinh viên có thể tiếp thu tối đa những kiến thức đã học, tích lũy được nhiều kỹ năng trong việc sử dụng văn bản pháp luật để có thể ứng dụng trong công việc sau này.

Biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo

Theo giảng viên Đỗ Thị Minh Thư, đổi mới phương pháp dạy và học ngành Luật Kinh tế là biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng trong phương pháp giảng dạy hiện đại, tạo cho người học có khả năng tự học, hình thành phong cách độc lập trong nghiên cứu và chủ động trong quá trình học tập.

Để thực hiện phương pháp này, người học không thể tự mình thực hiện được mà cần có sự hướng dẫn của giảng viên, nêu trọng tâm, gợi ý những vấn đề cần nghiên cứu, tự học. Tất nhiên, cần phải có một lộ trình và sự chuẩn bị công phu, đảm bảo các yêu cầu và điều kiện thực hiện.

Bài trao đổi được biên tập từ tham luận của giảng viên Đỗ Thị Minh Thư (Trường ĐH Đại Nam) tại hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực người học tại các cơ sở đào tạo đại học ngoài công lập.

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...