Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Cái “duyên” để làm nên một giờ Văn hấp dẫn

Cái “duyên” để làm nên một giờ Văn hấp dẫn

GDTĐ – Một giờ giảng Văn hay được đánh giá ở nhiều phương diện. Nhưng làm nên cái “duyên” chính là giọng điệu của người thầy khi giảng dạy, bởi tiếng nói âm vang của người thầy có thể đọng lại trong tâm hồn học sinh, khiến các em xúc động và nhớ mãi.

Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hương Giang – giáo viên Trường THPT chuyên Sơn La.

Giọng đọc – con đường đi vào tác phẩm văn chương

 Việc đọc văn của người thầy ảnh hưởng không nhỏ đến hứng thú và ấn tượng ban đầu của học trò đối với tác phẩm. Thầy đọc hay – chưa biết tác phẩm hay như thế nào nhưng học sinh cũng thấy hay và đây là những ấn tượng ban đầu cực kì cần thiết.

Cô Giang nhấn mạnh: Giọng điệu của người thầy trong đọc văn không thể xem nhẹ. Theo kinh nghiệm của cô Giang, trong một giờ đọc văn, giọng điệu của người thầy thể hiện ở các khía cạnh sau: Con đường đi vào tác phẩm văn chương nhất thiết phải bắt đầu từ đọc.

“Đọc văn gắn liền hữu cơ với tiếp nhận. Vì muốn lĩnh hội trọn vẹn tác phẩm văn học không còn con đường nào khác là đọc và sử dụng các hình thức khác nhau, dưới những bình diện khác nhau để đạt tới sự hiểu biết và xúc cảm thật sự nhằm tự khám phá bản thân và hướng thiện” – cô Giang dẫn giảng bằng lời của tác giả Nguyễn Thanh Hùng trong tác phẩm ” Hiểu văn dạy văn”.

Cũng theo cô Giang, việc đọc văn trong giờ giảng văn được thực hiện ở cả thầy và trò. Nhưng riêng đối với người thầy, trong thiên chức sáng tạo của mình việc đọc văn lại sáng tạo đến hai lần: Vừa huy động năng lực cảm thụ cá nhân, vừa thức tỉnh sự quan tâm và tò mò của bản thân học sinh. Thế nên khi đọc văn, chúng ta phải đặc biệt chú ý và thực hiện tốt các yêu cầu của đọc như:

– Phát âm rõ ràng chính xác

– Giản dị và tự nhiên

– Thâm nhập vào nội dung tư tưởng ở mức dễ hiểu với học sinh.

– Truyền đạt được loại thể hiện và phong cách nghệ thuật.

– Truyền đạt rõ tư tưởng tác giả.

– Thể hiện trình độ của mình với tác phẩm

– Thái độ tiếp xúc nhiệt tình với người nghe.

– Kĩ năng sử dụng đúng giọng của mình.

“Theo những yêu cầu yêu của đọc văn như trên thì mới thấy việc đọc văn không hề đơn giản. Không phải cứ lên lớp mở sách ra là có thể đọc, coi nó như một việc bình thường phải có” – cô Giang trao đổi. 

Giọng đọc phải thể hiện được tính chất giao tiếp của văn chương

  điều cốt lõi là: thái độ tôn trọng học sinh. Khi phát vấn và nhận xét câu trả lời của học sinh người thầy phải thể hiện được sự trân trọng, động viên khích lệ

  Để có thể đọc được văn hay, ngoài chất giọng riêng ra còn là vấn đề người thầy đó phải hiểu về tác phẩm, hiểu về giọng điệu riêng của nhà văn, nhà thơ, lối ngắt nhịp, vắt dòng của tác phẩm” – cô Giang trao đổi.

Theo cô Giang, khi giảng giải, phân tích, giọng điệu người thầy phải thể hiện được tính chất giao tiếp của giọng giảng văn, phải cho học sinh cảm nhận được một nhiệt huyết trao gửi và truyền đạt.

“Chúng ta phải biết chế ngự hay phát huy, biết giảm hay tăng tốc độ nói, biết lúc nào nên nói hùng hồn, mạnh mẽ hay nhỏ nhẹ, phải biết phát huy cái ưu, cái nhược của từng loại âm thanh hội tụ trong chính giọng giảng của mình sao cho: Mỗi chuỗi lời giảng phải thực sự là chuỗi âm thanh sóng sánh, hoà hợp tuyệt vời rót vào tai học sinh, rót cả vào trí óc và tâm hồn nữa” – cô Giang chia sẻ, đồng thời cho biết:

Khi phát vấn và nhận xét câu trả lời của học sinh người thầy phải thể hiện được sự trân trọng, động viên khích lệ. Cùng với ngữ điệu, giọng điệu của mình, chúng ta có thể kết hợp với ánh mắt chăm chú, đợi chờ, hi vọng, chia sẻ, và phải cho học sinh thấy được tình cảm, sự thân thiện cởi mở của người thầy, giáo viên phải biết lắng nghe trọn vẹn câu trả lời của học sinh ngay cả khi học sinh trả lời chưa đúng, và nếu có chỗ học sinh hiểu sai thì sau đó giáo viên cũng phải nhẹ nhàng giải thích chứ không nặng lời.

Có những trường hợp, chính học sinh lại có những phát hiện rất mới mẻ, khác với cách hiểu từ trước, giáo viên cũng cần phải lắng nghe, khuyến khích và chấp nhận nếu có cơ sở hợp lý, điều này có tác dụng rất quan trọng bởi bất cứ một phát hiện nào theo hướng sáng tạo như thế cũng phải là kết quả của sự đọc hiểu cẩn thận và suy ngẫm thấu đáo của học sinh.

Chính những học sinh ấy đã có ý thức tốt trong học tập, có sự tìm hiểu và có ý kiến của riêng mình, đã làm được một điều đáng khen là học tập theo định hướng tự nghiên cứu chứ không đơn giản chỉ là chờ thầy cô hướng dẫn. Điều này sẽ tạo cho học sinh sự mạnh dạn tự tin.

Bài viết có sử dụng tư liệu từ Cuộc thi “Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017” với phần báo cáo chuyên đề “Phương pháp dạy học giúp học sinh chuyên tự nhiên Trường THPT chuyên” của cô giáo Nguyễn Thị Hương Giang.

Minh Phong

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...