Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Để trò yêu thích học Ngữ Văn

Để trò yêu thích học Ngữ Văn

GDTĐ – Đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo là đòi hỏi tất yếu trong quá trình đổi mới giáo dục. Với bộ môn Ngữ văn, cách đổi mới phương pháp dạy học(PPDH) theo hướng phát triển năng lực đã ghi nhận những thành công.

Khi học sinh ngại học văn

Theo quan sát của thầy giáo Đặng Quốc Trung – Trường THPT Chu Văn An (Đồng Tháp) thì học sinh còn khá nhiều hạn chế về năng lực học tập trong môn học ngữ văn. Cụ thể, các em còn thụ động trong quá trình học tập. Chỉ khi nào giáo viên yêu cầu phát biểu thì các em mới dám nói.

Thậm chí, có trường hợp học sinh ngại nói, có tâm lý ỷ lại hoặc không có chính kiến của riêng mình. Khi giáo viên hỏi ý kiến đến học sinh thứ 2 -3 thì các em đều trả lời rằng ý kiến của mình giống các bạn. Mặt khác, nhiều học sinh còn có thái độ dửng dưng và thiếu tinh thần trách nhiệm xây dựng bài khi trên lớp.

Với môn ngữ văn thì kĩ năng đọc hiểu văn bản cũng như kĩ năng viết của học sinh còn nhiều hạn chế. Khi đứng trước một văn bản thông dụng thường gặp, học sinh tỏ ra không hiểu nội dung chính, chưa xác định được phương thức biểu đạt của văn bản, các thao tác lập luận cũng như phong cách ngôn ngữ. Trong khi các kiến thức này các em thường đã được trang bị từ cấp THCS. Thậm chí sang cấp THPT, đầu lớp 10 học sinh đã được giáo viên năm học trước ôn tập lại mà vẫn chưa nắm kiến thức cơ bản và kĩ năng xác định vấn đề…

Nhiều học sinh rơi vào tình trạng kĩ năng viết thường xuyên sai lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu chưa rõ nghĩa. Đặc biệt có em không biết xác định được đoạn văn và bài văn. Và nhìn chung học sinh có tâm lý ngại viết văn, nhất là khi giáo viên yêu cầu học sinh làm bài tập trên lớp hoặc trong giờ kiểm tra chung, các em thường viết rất ngắn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc ngại học, học không hiệu quả môn ngữ văn của học sinh đã được chỉ ra. Nguyên nhân chính do học sinh lười học, học còn thụ động, ngại phát biểu xây dựng bài, ngại viết, ngại thực hành và bản thân các em thực sự chưa yêu thích thích môn ngữ văn. Về phía gia đình cũng không muốn các em đi học theo các ngành khối khoa học xã hội sau khi ra trường…

Vấn đề trách nhiệm của người giáo viên trong quá trình giảng dạy môn ngữ văn cũng cần được xem xét. Mặc dù thời gian qua với sự đòi hỏi của đổi mới giáo dục thì giáo viên ngữ văn nói chung đã có nhiều đổi mới phương pháp giảng dạy và kết hợp nhiều hình thức hoạt động dạy học nhưng thật sự chưa thường xuyên. Nhiều tiết học thiếu sức hút, sự hấp dẫn…

Dạy và học văn theo hướng phát triển năng lực

Để văn học không trở thành môn “ngại” học của học sinh thì việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên đóng vai trò quyết định. Làm sao để học sinh không học văn với sự thụ động và từ đó dẫn tới hạn chế sự động não, tư duy, tìm tòi, suy nghĩ đa chiều, cũng như hạn chế khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế và ngược lại… luôn là bài toán buộc những người thầy phải giải quyết.

Bằng kinh nghiệm, sáng tạo của mình thầy giáo Đặng Quốc Trung – Trường THPT Chu Văn An (Đồng Tháp) đã chia sẻ kinh nghiệm đổi mới PPDH ngữ văn theo hướng phát triển năng lực đầy hiệu quả.

Thầy Trung cho biết: Khi lên lớp luôn chủ động đổi mới phương pháp dạy học và nhiều hình thức hoạt động giảng dạy khác nhau kết hợp nhiều phương pháp dạy học tích cực. Chẳng hạn, đầu giờ thầy Trung sẽ không gọi học sinh trả bài liền theo các bước lên lớp như thông thường mà luôn cố gắng xây dựng không khí lớp thật sự thoải mái bằng cách sử dụng lời nói thân thiện khi giáo tiếp với học trò.

Thầy giáo luôn chú ý đến từng lời nói, cử chỉ và tâm lý của học sinh khi bước vào lớp. Thầy giáo sẽ tự điều chỉnh lời nói sao cho dễ hiểu nhất với ngữ điệu, cử chỉ và ánh mắt thân thiện… Đổi mới cách kiểm tra miệng, đánh giá kiến thức cũ của học sinh trong suốt quá trình dạy học trên lớp vừa tránh được áp lực vừa tạo động lực cho nhiều học sinh có cơ hội xây dựng bài và tích lũy điểm kiểm tra miệng.

Tạo tâm lý thoải mái cho học sinh ở những tiết học cuối buổi cũng vô cùng cần thiết bởi có như vậy các em mới hứng thú học tập. Ngoài ra thường xuyên cho học sinh rèn luyện kĩ năng đọc hiểu văn bản, kĩ ăng viết văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học trên lớp thông qua hệ thống bài tập đọc hiểu theo phát triển năng lực học sinh, ngân hàng đề kiểm tra chung… Sau mỗi lần luyện tập, tiến hành nhận xét đánh giá cho điểm khuyến khích học sinh và rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.

Khâu trả bài trong ngữ văn cũng vô cùng quan trọng. Ngoài việc tuân thủ các bước cần làm trong một tiết trả bài trên lớp, giáo viên cần đặc biệt quan tâm đến lỗi chính tả, cách dùng từ, đặt câu của học sinh.

Không chỉ ghi nhận ở phần lời phê dành cho giáo viên mà cần ghi nhận đánh giá ngay ở chỗ sai của học sinh trong bài viết. Chỉ ra lỗi sai cụ thể thì học sinh mới biết chỗ để sửa chữa. Đối với đối tượng học sinh khá giỏi, càng cần quan tâm hơn đến cách hành văn của các em. Học sinh khá giỏi có kiến thức rộng hơn các đối tượng học sinh khác, tuy nhiên, các em hành văn thường lan man, sa vào lỗi phô trương kiến thức.

Cần điều chỉnh cách viết của học sinh và hướng dẫn vận dụng kiến thức lý luận văn học để lý giải, phân tích các yêu cầu của đề kiểm tra, đánh giá. Có như vậy bài viết phân tích một vấn đề văn học của học sinh mới sâu sắc và thấu đáo.

Với sự đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực học sinh thì những kết quả đạt được theo thầy Trung thì khá khả quan. Cụ thể, số lượng học sinh tham gia phát biểu xây dựng bài tăng gấp nhiều lần so với đầu năm.

Đây cũng là cơ hội để học sinh tự rèn tính trung thực và mạnh dạn phát biểu và có trách nhiệm với kết quả học tập của mình. Cùng đó mỗi tiết học trở nên sinh động hơn trước. Kĩ năng đọc – hiểu, nói và viết của học sinh đã được cải thiện rất nhiều…

  Đổi mới giáo dục – Nâng cao chất lượng đào tạo luôn là mong muốn, yêu cầu của ngành giáo dục. Trong những năm gần đây hầu hết các nhà trường, giáo viên đã từng bước áp dụng và cải thiện phương pháp dạy học khác nhau để nâng chất giáo dục. Và đổi mới phương pháp giảng dạy ngữ văn theo hướng phát triển năng lực học sinh là một trong những phương pháp ghi nhận hiệu quả tích cực.

Trí Đức

TIN LIÊN QUAN

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...