Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động trẻ mầm non

Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động trẻ mầm non

GDTĐ – Phát triển thể chất là một trong những lĩnh vực phát triển toàn diện cho trẻ ở trường mầm non.

Bộ GDĐT đã ban hành Hướng dẫn thực hiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non, giai đoạn 2013 – 2016”. Thực hiện chuyên đề nhằm mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động giúp cơ thể trẻ phát triển các tố chất vận động (nhanh, bền, dẻo dai và khéo léo) góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của trẻ em Việt Nam.

Dưới đây là những chia sẻ của cô Hoàng Thị Thơm (phòng GDĐT huyện Mường Chà – Điện Biên) về những giải pháp triển khai có hiệu quả chuyên đề này trên địa bàn huyện. Chia sẻ của cô Hoàng Thị Thơm là tham khảo hữu ích, đặc biệt với giáo dục mầm non vùng khó.

Công tác chỉ đạo triển khai

Giải pháp đầu tiên liên quan đến công tác chỉ đạo triển khai, cô Hoàng Thị Thơm nhấn mạnh đến việc các đơn vị trường nắm rõ mục tiêu của việc triển khai thực hiện chuyên đề, nắm rõ các nội dung văn bản để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

Đồng thời, triển khai tới cán bộ giáo viên học tập các văn bản, Chỉ thị liên quan đến công tác chuyên môn, công tác quản lý chỉ đạo. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chuyên đề một cách cụ thể, chi tiết đảm bảo mục tiêu nhiệm vụ năm học.

Chỉ đạo các đơn vị trường mầm non thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, trong đó có chuyên đề: “Giáo dục phát triển vận động” cho trẻ trong trường mầm non triển khai tới 100% nhóm, lớp. Từ thực trạng về phát triển vận động cho trẻ mầm non để có các giải pháp tham mưu trong việc cải tạo, nâng cấp phòng học, sân chơi, phòng thể chất đáp ứng yêu cầu về diện tích cho trẻ hoạt động học tập và vui chơi.

Xây dựng kế hoạch chỉ đạo điểm thực hiện chuyên đề; phân loại chất lượng chuyên môn giáo viên và chất lượng chăm sóc giáo dục của trẻ.

Trên cơ sở kế hoạch nhiệm vụ năm học các cấp chỉ đạo và hướng dẫn, từ đó chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch năm học; kế hoạch tháng; kế hoạch tuần; xây dựng chế độ sinh hoạt; xây dựng kế hoạch chuyên môn… Chỉ đạo giáo viên các nhóm lớp xây dựng kế hoạch hoạt động và được nhà trường phê duyệt mới thực hiện.

Hàng tháng, giáo viên báo cáo kế hoạch, lịch dạy của lớp cho nhà trường. Qua đó, Ban giám hiệu có cơ sở để theo dõi, kiểm tra và có biện pháp chỉ đạo kịp thời tốt hơn.

Cuối cùng, cần thực hiện tốt công tác tham mưu tới các cấp lãnh đạo trong xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề, tập trung đầu tư các thiết bị, dụng cụ phát triển vận động cho trẻ, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Học tập trường điểm, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên

Với nội dung này, cô Hoàng Thị Thơm cho biết, Sở GDĐT đã yêu cầu các trường cử cán bộ, giáo viên tham dự học tập kinh nghiệm tại trường mầm non Thị trấn Mường Chà, trường mầm non số 2 Na Sang – là trường thực hiện điểm về chuyên đề Giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non.

Sở GDĐT đồng thời chỉ đạo các đơn vị trường quy hoạch khu vui chơi cho trẻ tại sân trường, đảm bảo diện tích cho trẻ hoạt động. Đối với các trường mầm non có phòng giáo dục thể chất cũng phải đảm bảo diện tích chơi và tuyệt đối an toàn cho trẻ. Phát huy tính năng sử dụng của các loại đồ chơi ở sân trường và phòng hoạt động thể chất hoặc khu hoạt động giáo dục thể chất. Cùng với đó, tổ chức các hội thi (Ngày hội thể thao của bé cấp trường; Bé vui khỏe – Thông minh nhanh trí)…

Để có kinh nghiệm giảng dạy cũng như một số kỹ năng tổ chức các hoạt động cho trẻ, theo cô Hoàng Thị Thơm, điều không thể thiếu là cán bộ giáo viên các trường cần phải tăng cường việc bồi dưỡng chuyên môn chuyên đề.

Qua đó, phòng GDĐT đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các đơn vị trường thực hiện nghiêm túc việc bồi dưỡng chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề: Xây dựng tiết dạy, phân công giáo viên dạy, tổ chức sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, nhận xét và đánh giá rút kinh nghiệm…tổ chức chuyên đề cụm cấp huyện nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm và có hướng chỉ đạo và định hướng chung cho cán bộ giáo viên toàn huyện áp dụng thực hiện.

Để nâng cao kiến thức trong tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển vận động, đội ngũ giáo viên trường mầm non thường xuyên tăng cường học hỏi và bồi dưỡng về nghiệp vụ. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức, cá nhân xã hội hóa, hỗ trợ nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ chơi cho trẻ.

Chú trọng công tác tuyên truyền

Với nội dung này, cô Hoàng Thị Thơm chia sẻ giải pháp lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với mục đích, nội dung của chuyên đề. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, thu hút sự quan tâm, ủng hộ đóng góp nhà trường đầu tư thiết bị, đồ chơi phát triển vận động cho trẻ mầm non và phối hợp với nhà trường trong hình thành một số thói quen tốt trong ăn uống, vệ sinh cá nhân, giữ gìn sức khỏe và những thói quen vận động cần thiết cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Tăng cường việc huy động phụ huynh học sinh làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Giáo viên tích cực, nhiệt tình làm đồ dùng đồ chơi, tận dụng nguồn nguyên vật liệu sẵn có của địa phương và gần gũi với trẻ để tạo nên đồ chơi phục vụ trong tiết học thể chất đạt hiệu quả cao.

Hằng năm, các trường tổ chức tốt nhiều hội thi của cô và trẻ, lồng ghép với chuyên đề giáo dục phát triển vận động, qua đó không chỉ đánh giá chất lượng giáo dục mà còn tuyên truyền sâu rộng trong phụ huynh ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển vận động cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ; tranh thủ sự ủng hộ của các tập thể, cá nhân nhằm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.

Nâng chất giáo dục phát triển vận động qua các hoạt động giáo dục

Cô Hoàng Thị Thơm cho rằng, cần tăng cường thời lượng vận động cho trẻ, tăng cường hệ thống bài tập vận động, tích hợp với các hoạt động giáo dục phát triển: Ngôn ngữ, trí tuệ, thẩm mỹ và tình cảm xã hội. Cụ thể:

Ở các hoạt động của trẻ trong ngày, cụ thể là buổi sáng, trẻ được tham gia bài thể dục tập thể trước khi vào lớp, sau giờ ngủ trưa, các cô giáo tổ chức cho trẻ vận động nhẹ nhàng trong phòng học giúp trẻ tỉnh táo, thoải mái trước bữa ăn chiều.

Bên cạnh đó, các nhà trường còn tăng cường các trò chơi tập thể, trò chơi vận động cho bé. Các hoạt động được tổ chức không chỉ giúp trẻ rèn luyện và phát triển tốt về thể chất, tạo cho trẻ hứng thú, yêu thích đối với các hoạt động tập thể mà còn giúp trẻ được phát triển trí tuệ, ngôn ngữ, tình cảm, thẩm mỹ nhờ việc lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục vào hoạt động vui chơi của nhà trường.

Theo qui định trong Chương trình giáo dục mầm non, thực hiện cấu trúc, nội dung và cách thức tiến hành tiết học thể dục cho trẻ đảm bảo yêu cầu:

Thể dục buổi sáng: Các động tác trong bài tập thể dục phải đảm bảo phát triển được nhóm cơ và hô hấp. Các tố chất nhanh, mạnh, bền, khéo…được phát triển rất tốt thông qua việc sử dụng các thiết bị, đồ dùng.

Ví dụ: Sử dụng bao cát cho trẻ tập ném trúng đích sẽ phát triển tố chất khéo léo và khả năng kết hợp giữa mắt và tay, dùng bao cát để ném xa giúp trẻ có được cảm giác cơ đúng, nâng cao sức mạnh cơ bắp.

Dụng cụ giúp trẻ thực hiện các động tác được chính xác hơn. Ví dụ: Vận động bò bằng bàn tay, bàn chân chui qua cổng, yêu cầu trẻ bò chui qua cổng mà không chạm cổng. Trẻ có thể tự kiểm tra việc thực hiện động tác của mình vì trẻ sẽ có cảm giác của cơ khi chạm vào cổng.

Những kỹ năng của trẻ cũng sẽ được chuyển thành những kỹ xảo. Ví dụ: cho trẻ đi trên ghế thể dục, đầu đội túi cát, nó sẽ làm tăng độ khó của bài tập. Trẻ sẽ phải vừa đi trên ghế thể dục vừa phải giữ thăng bằng sao cho không bị rơi túi cát…

Tiết học phát triển vận động: Tổ chức hoạt động có chủ đích phát triển các vận động cơ bản cho trẻ, khả năng phối hợp các giác quan và vận động. Tổ chức các trò chơi rèn sự khéo léo của đôi bàn tay…

Cảm giác nhịp điệu cũng được phát triển khi cho trẻ tập với các dụng cụ. Trẻ cầm vòng, gậy, cờ, nơ…để tập các động tác phối hợp với âm nhạc, lời ca giúp ích rất nhiều cho trẻ. Ngoài ra trong tiết dạy tôi luôn quan tâm đến các động tác làm mẫu, làm mẫu phải rõ ràng, xác với khối lượng của vận động, động tác phù hợp với trẻ như: ghế thể dục, túi cát, bóng và những dụng cụ nhỏ mang tính chất tăng tích cực khi thực hiện. Khi làm mẫu giáo viên cần tập đúng, chính xác nhẹ nhàng để trẻ có biểu tượng đúng về bài tập vận động và kích thích trẻ thực hiện tốt.

Tuyệt đối giáo viên không được làm qua loa, đại khái. Khi mới luyện tập cảm giác không gian và thời gian của trẻ còn yếu, trẻ chưa có ý thức điều khiển cơ bắp một cách chủ động, do vậy cần phải có sự hỗ trợ bên ngoài của giáo viên, làm sao giúp trẻ tránh ngã và nhút nhát trong luyện tập.

Phát triển cho trẻ các vận động qua đọc lời ca: Ca dao, đồng dao, vè, hò.. Sử dụng các trò chơi dân gian trong các hoạt động giáo dục phát triển vận động

Theo cô Hoàng Thị Thơm, giáo dục phát triển vận động cho trẻ ở trường mầm non cũng đồng nghĩa với việc phát triển thể chất có thể thông qua nhiều biện pháp như: Tổ chức cho trẻ vận động phù hợp, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đầy đủ…

Như vậy, một trong những biện pháp phát triển thể chất là tổ chức bữa ăn cho trẻ. Cơ thể trẻ đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện, do đó nó cần năng lượng để xây dựng. Năng lượng đó lại do thức ăn cung cấp, vì thế thức ăn chỉ phát huy hết vai trò của mình đối với cơ thể khi phù hợp với thể trạng và lứa tuổi. Ăn uống đấy đủ, hợp lý, hợp vệ sinh, đủ chất, đủ lượng cũng là một trong những yêu cầu đáp ứng chuyên đề giáo dục phát triển vận động cho trẻ.

Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động của chuyên đề

Cô Hoàng Thị Thơm cho biết, hàng năm, Sở GDĐT chỉ đạo các đơn vị trường thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, rà soát thực trạng giáo dục phát triển vận động, đánh giá về chất lượng giáo dục, trang thiết bị, đồ dùng phục vụ giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong các trường mầm non.

Chỉ đạo trường trọng điểm cấp huyện làm mô hình điểm thực hiện chuyên đề. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất giữa nhà trường, gia đình và xã hội để cùng chăm lo giáo dục phát triển vận động cho trẻ một cách hiệu quả.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trường làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo các cấp, chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm bổ sung đồ dùng, thiết bị còn thiếu và thay thế thiết bị đồ dùng đã hỏng hóc.

Đặc biệt, dự giờ, thăm lớp rút kinh nghiệm tiết dạy và các hoạt động để chỉ đạo đôn đốc thực hiện chuyên đề có hiệu quả. Qua kiểm tra, dự giờ giúp cho các đơn vị trường tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để từ đó các đơn vị trường có những định hướng thống nhất để áp dụng, điều chỉnh, bổ sung. Hàng năm có đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm và định hướng việc tiếp tục thực hiện cho các năm tiếp theo.

Hải Bình

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...