Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Hành trang quan trọng cho thí sinh thi ĐH môn Văn

Hành trang quan trọng cho thí sinh thi ĐH môn Văn

Thống kê dạng đề thi đại học môn Văn những năm gần đây, cô Mai Thị Bình – giáo viên Trường THPT Triệu Sơn 6 (Thanh Hóa) cho biết, xu hướng thi đại học ở câu 5 điểm theo kiểu dạng đề so sánh rất nhiều. 

Năm học 2008 – 2009 đề thi đại học khối C; năm 2009 – 2010 đề thi đại học khối C ở cả hai ban cơ bản và nâng cao. Năm học 2010 – 2011 khối C ở cả hai ban cơ bản và nâng cao, đề khối D theo chương trình nâng cao.

Vì vậy, theo cô Bình, trang bị kiến thức về dạng đề so sánh, chỉ ra các dạng đề so sánh và cách làm dạng đề này để học sinh biết cách vận dụng là rất quan trọng.

Hình dung các dạng đề so sánh

Cô Mai Thị Bình cho biết, dạng đề so sánh văn học rất phong phú; có thể so sánh trên nhiều bình diện khác nhau: Đề tài, nhân vật, tình huống, cốt truyện, cái tôi trữ tình, chi tiết nghệ thuật, nghệ thuật trần thuật…

Quá trình so sánh có thể chỉ diễn ra ở các tác phẩm ở cùng một tác giả nhưng cũng có thể diễn ra ở nhiều tác phẩm của các tác giả cùng hoặc không cùng một thời đại, giữa các tác phẩm của những trào lưu, trường phái khác nhau của một nền văn học.

Mục đích cuối cùng của dạng đề này là yêu cầu học sinh chỉ ra chỗ giống và khác nhau giữa hai tác phẩm, hai tác giả từ đó thấy được những mặt kế thừa, những điểm cách tân của từng tác giả, từng tác phẩm, thấy được vẻ đẹp riêng của từng tác phẩm, sự đa dạng muôn màu của phong cách nhà văn.

Dạng đề này còn góp phần hình thành kĩ năng tổng hợp, khái quát, so sánh, lí giải nguyên nhân của sự khác nhau giữa các hiện tượng văn học- một năng lực rất cần thiết góp phần tránh đi khuynh hướng bình tán, khuôn sáo trong các bài văn của học sinh hiện nay.

Tuy nhiên, đây là dạng đề khó, giáo viên chỉ có thể đưa ra các tiêu chí so sánh có mức độ khó vừa phải, khả năng lí giải giống và khác nhau cũng cần thiết phải tính toán hợp lí với năng lực của học sinh THPT.

Phần văn xuôi thuộc chương trình thi đại học gồm nhiều tác phẩm trong cả chương trình Ngữ văn 11 và Ngữ văn 12, kiến thức của từng tác phẩm lại nhiều, học sinh nhớ được kiến thức của từng tác phẩm đã là khó nên kiến thức so sánh ở nhiều tác phẩm lại càng khó hơn.

Thậm chí là so sánh các tác phẩm của các giai đoạn khác nhau từ chương trình lớp 11 đến chương trình lớp 12.Vì vậy, trước khi đưa ra dạng đề so sánh giáo viên yêu cầu học sinh phải nhớ nội dung chính từng tác phẩm, phải chỉ ra trong các tác phẩm đó tác phẩm nào là cùng dạng, cùng cảm hứng, cùng thời đại…

Ví dụ: “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi và “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành cùng viết về vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng thời đại đánh Mĩ.

Hoặc “Chí Phèo”của Nam Cao và “Vợ nhặt” của Kim Lân cùng viết về tình cảnh của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám.

Đồng thời phải chỉ ra trong những tác phẩm đó có những nhân vật nào có nét tính cách, phẩm chất tương đồng.

Ví dụ, viết về vẻ đẹp người phụ nữ có: Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, người vợ nhặt trong “Vợ nhặt” của Kim Lân hay người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.

Hoặc nhân vật Chú Năm trong “Những đứa con trong gia đình”(Nguyễn Thi) và cụ Mết trong “ Rừng xà nu”(Nguyễn Trung Thành) họ là gạch nối giữa truyền thống với hiện tại…

Giáo viên phải chỉ ra trong những tác phẩm đó có những chi tiết nghệ thuật nào đặc sắc góp phần thể hiện tư tưởng của tác phẩm, ví dụ như: chi tiết “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá”(Chí Phèo – Nam Cao) mà Chí Phèo nghe được sau khi thức tỉnh và chi tiết “Mị nghe tiếng sáo thiết tha bổi hổi”(Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài) trong đêm tình mùa xuân…

Ngoài ra, ở dạng đề so sánh giáo viên phải hướng dẫn học sinh thấy được được nét riêng, độc đáo trong từng tác phẩm về nội dung, nghệ thuật, nhân vật, chi tiết…để thấy được giá trị của từng tác phẩm đóng góp vào nền văn học và phong cách nhà văn.

So sánh các tác phẩm có điểm tương đồng và so sánh các nhân vật có điểm tương đồng

Ở dạng 2 dạng đề này theo cô Mai Thị Bình có thể nhóm lại một cách làm như sau:

a) Mở bài

– Dẫn dắt vấn đề (mở bài trực tiếp không cần)

– Giới thiệu khái quát về các đối tượng so sánh

b) Thân bài

– Khái quát điểm chung của hai tác phẩm, hai nhân vật (Ví dụ: cùng nói về vẻ đẹp khuất lấp thì phải nói rõ vẻ đẹp khuất lấp là gì, cùng nói về chủ nghĩa anh hùng cách mạng thì phải làm rõ chủ nghĩa anh hùng cách mạng là gì hoặc nghệ thuật miêu tả tương phản thì phải nói rõ nghệ thuật miêu tả tương phản là gì).

– Làm rõ đối tượng thứ nhất (kết hợp nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là phân tích) để làm rõ biểu hiện các mặt của đối tượng.

– Làm rõ đối tượng thứ hai (kết hợp nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là phân tích) để làm rõ biểu hiện các mặt của đối tượng.

– So sánh: nét tương đồng và khác biệt giữa hai đối tượng trên cả hai bình diện nội dung và hình thức nghệ thuật (bước này vận dụng kết hợp nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là phân tích và so sánh)

– Lí giải sự khác biệt (do bối cảnh xã hội, văn hóa mà từng đối tượng tồn tại, phong cách nhà văn…)

c) Kết bài:

– Khái quát những nét giống nhau và khác nhau tiêu biểu

– Có thể nêu những cảm nghĩ của bản thân

So sánh các chi tiết nghệ thuật hoặc những câu nói đặc sắc thể hiện tư tưởng của tác phẩm.

Dạng đề này, cô Mai Thị Bình gợi ý:

a) Mở bài

– Khái quát về tác giả, tác phẩm

– Giới thiệu và trích dẫn chi tiết, câu nói

b) Thân bài

– Làm rõ đối tượng thứ nhất về hai đặc điểm: nội dung và nghệ thuật

+ Sự xuất hiện chi tiết, câu nói

+ Chi tiết, câu nói có ý nghĩa gì

+ Giá trị nghệ thuật của chi tiết, câu nói

– Làm rõ đối tượng thứ hai về hai đặc điểm: nội dung và nghệ thuật

+ Sự xuất hiện chi tiết, câu nói

+ Chi tiết, câu nói có ý nghĩa gì

+ Giá trị nghệ thuật của chi tiết, câu nói

– So sánh điểm tương đồng và khác biệt

c) Kết bài:

– Đánh giá về giá trị của chi tiết hoặc câu nói

– Có thể nêu cảm nghĩ bản thân

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...