Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Kinh nghiệm lựa chọn đề tài, phương tiện cho bài giảng e-learning

Kinh nghiệm lựa chọn đề tài, phương tiện cho bài giảng e-learning

GDTĐ – Một số giáo viên cho rằng việc đưa một vài hình ảnh trong hoạt động môi trường xung quanh hay hình ảnh trong một câu chuyện nào đó lên màn hình máy tính cho trẻ xem là đã ứng dụng CNTT vào trong giảng dạy.

Chính nhầm lẫn này khiến cho các cô lựa chọn nhiều đề tài không phù hợp và hoạt động không mang lại hiệu quả.

Đưa ra thực trạng trên, ThS. Nguyễn Thanh Thủy (Khoa CNTT, Trường CĐSP Trung ương) chia sẻ một số lưu ý trong việc lựa chọn đề tài, phương tiện cho bài giảng e-learning ở mầm non. Chia sẻ này được ThS. Nguyễn Thanh Thủy trình bày trong tham luận tại hội thảo “Ứng dụng CNTT tạo bài giảng mầm non sáng tạo” được tổ chức mới đây.

5 tiêu chí khi chọn đề tài

Trong tham luận này, ThS. Nguyễn Thanh Thủy cho rằng: phải làm rõ ràng việc ứng dụng bài giảng e-learning vào giảng dạy không đơn thuần chỉ là giáo án điện tử được thiết kế bởi chương trình PowerPoint và phần mềm Adobe Presenter, mà đó còn bao gồm nhiều các phương tiện CNTT khác như màn chiếu, vi tính, tivi, đầu đĩa, mạng Internet…

Vì thế việc lựa chọn đề tài và phương tiện ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cũng vô cùng phong phú đa dạng.

Việc lựa chọn đề tài ứng dụng được CNTT vào trong bài giảng cũng phải theo một số những tiêu chí nhất định để tránh việc lựa chọn đề tài không phù hợp và họat động không mang lại hiệu quả.

Các tiêu chí sau đây là những tiêu chí ThS. Nguyễn Thanh Thủy đã rút kết được sau một quá trình thực hiện chuyên đề ứng dụng bài giảng e-learning vào trong giảng dạy, cụ thể như sau:

Tiêu chí 1: Chọn đề tài mang mục đích cho trẻ nhận ra sự thay đổi của sự vật hiện tượng; nhận biết các hiện tượng trong thiên nhiên.

Tiêu chí 2: Chọn đề tài mà hoạt động chủ yếu là các bài tập trò chơi (dưới dạng game), có sự tương tác giữa các trò chơi nhằm kích thích hứng thú và ôn luyện kiến thức cho trẻ.

Tiêu chí 3: Chọn các đề tài cần có nhiều âm thanh đi kèm hình ảnh cho trẻ trực quan sinh động.

Tiêu chí 4: Chọn các đề tài mà yêu cầu cần cung cấp cho trẻ các hình ảnh thật, sống động.

Tiêu chí 5: Hạn chế chọn các đề tài khó tìm tư liệu hình ảnh, phim nhạc, các hoạt động mang tính chất minh họa hình ảnh mà không mang tính tích hợp các họat động khác.

Lựa chọn các hình ảnh thể hiện trong giáo án

Theo ThS Nguyễn Thanh Thủy, khó khăn nhất là việc “lựa chọn các hình ảnh thể hiện trong giáo án. Phần này hết sức quan trọng vì nó ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của một bài giảng e-learning.

Các hình ảnh được lựa chọn phải là các hình ảnh có nền trắng hoặc là ảnh tách nền nhằm cho trẻ khi trực quan hình ảnh chỉ tập trung nhìn rõ hình ảnh và không bị phân tán bởi các chi tiết khác.

Thêm vào đó khi chọn size cho hình ảnh nên lựa chọn tìm kiếm hình ảnh có size lớn khoảng từ 300 x 400 trở lên để lúc thể hiện lên Slide khi cần kéo phóng to hình ảnh vẫn giữ độ sắc nét cho trẻ dễ nhìn. Hoặc có thể chọn những hình ảnh môi trường có sẵn với mầu sắc đẹp, rõ nét.

Kinh nghiệm của ThS Nguyễn Thanh Thủy là: Đối với các video clip thể hiện lên bài giảng, dowload từ trang youtube bằng phần mềm Internet Dowloader Manager (IDM), sau đó đổi đuôi để cắt ghép những đoạn video không cần thiết hay nối những đoạn video lại với nhau trên phần mềm Total Video Convert.

Có thể tham khảo chương trình chuyển đổi đuôi cho các đoạn video hay file nhạc converter tại websize http://www.download.com.

Thế nhưng, hình ảnh cũng như những bài nhạc lại không sẵn có và điều đặc biệt là từ trước tới nay trẻ được học kiến thức các môn học trực tiếp trong giờ học, cô giáo là người trực tiếp dạy trẻ các kiến thức chứ không phải trẻ tự học trực tuyến với những hoạt động như thế này.

Vì thế, đối với phần nhạc, ThS Nguyễn Thanh Thủy đã sử dụng nhạc trong đĩa nhạc bình thường, hoặc lấy nhạc mp3 từ trang google, sau đó cắt bớt một số chi tiết không phù hợp bằng phần mềm Ulead Video hoặc Movie Maker; hoặc có thể tham khảo chương trình chuyên cắt nhạc “Boilsoft Video Splitter” tại websize http://www.boilsoft.com

Bài giảng e-learning không là tất cả

ThS Nguyễn Thanh Thủy nhấn mạnh: Mặc dù hỗ trợ rất nhiều trong hoạt động dạy nhưng bài giảng e-learning không là tất cả. Trẻ không thể ngồi hàng giờ trước máy tính một cách thụ động, như thế ta vô tình kìm hãm sự phát triển của trẻ và làm mất đi ở trẻ tính chủ động.

Vì thế, giáo viên không thể hoàn toàn ỷ lại phương pháp này mà quên đi việc trẻ là trung tâm mọi hoạt động. Giáo viên khi lên hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, cần linh hoạt lồng ghép các hoạt động sau cho phù hợp.

Giáo viên cũng cần luôn lưu ý đến phương pháp loại tiết, tổ chức các trò chơi động – tĩnh xen kẽ cho trẻ không có cảm giác nhàm chán trong giờ học.

TIN LIÊN QUAN

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...