Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Nhắn nhủ tới thí sinh chọn Lịch sử thi THPT quốc gia

Nhắn nhủ tới thí sinh chọn Lịch sử thi THPT quốc gia

GDTĐ – Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc – Giáo viên Lịch sử Trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên) – đưa lời khuyên giúp học sinh ôn tập và làm bài thi môn Lịch sử, kỳ thi THPT quốc gia 2017 hiệu quả.

Lưu ý khi ôn tập

Lưu ý học sinh khi ôn tập môn Lịch sử, cô Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, về kiến thức, có nhiều tài liệu để học sinh ôn tập, nhưng điều quan trọng nhất phải lấy sách giáo khoa làm chuẩn, bám sát và nắm thật chắc nội dung cơ bản của sách giáo khoa.

“Hiện nay cũng có rất nhiều cuốn sách hướng dẫn ôn luyện thi trắc nghiệm môn Lịch sử, Nhưng các em nên sáng suốt lựa chọn cho mình cuốn sách có chất lượng, không nên quá ôm đồm sẽ làm các em rối bời khi ôn tập” – Cô Ngọc nhắc nhở.

Bên cạnh đó, theo cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, trong quá trình ôn tập chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia, học sinh cần lập kế hoạch cụ thể cho bản thân để cân đối giữa lượng kiến thức cần ôn và quỹ thời gian ôn.

Đặc biệt, khi ôn tập các em cần ôn theo từng chủ đề và lập sơ đồ tư duy theo từng chủ đề, từng vấn đề, từng thời kì, từng sự kiện hay nhân vật lịch sử để nắm kiến thức một cách hệ thống, chính xác và khoa học.

Ôn tập nội dung nào phải nắm chắc, hiểu rõ, biết cách phân tích, đánh giá để trả lời đầy đủ được các câu hỏi trắc nghiệm ở các mức độ khác nhau.

Lưu ‎ý khi làm bài thi

Khi làm bài thi, điều quan trọng đầu tiên được cô Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh là thí sinh phải tạo cho mình một tâm tý bình tĩnh, tâm thế vững vàng. Để làm được điều này, các em phải tích cực rèn luyện trong quá trình học và ôn tập.

Lưu ý thứ hai được cô Ngọc đưa ra là thí sinh phải đọc kĩ lời dẫn, từ “khóa” trong lời dẫn của câu hỏi để xác định rõ yêu cầu của câu hỏi và chọn chính xác đáp án. Đọc thật kĩ các phương án trả lời để chọn ra một phương án đúng nhất, đầy đủ nhất.

“Các em cần làm dứt điểm từng câu, khi đã chọn xong phương án trả lời cần tô ngay vào phiếu trắc nghiệm để tránh tô nhầm hoặc quên. Các em làm câu dễ trước, khó sau. Đối với một số câu quá khó hay chưa nhớ ra được, nên cố gắng tư duy, suy luận để nhớ lại và không nên mất quá nhiều thời gian vào một câu hỏi.

Để bài thi đạt kết quả cao, khi làm bài các em cần hết sức cẩn thận ở từng câu hỏi, làm câu nào chắc câu đó. Hãy luôn tin rằng dù với hình thức thi trắc nghiệm hết sức mới mẻ, các em ôn tập tốt và có ý thức học tập nghiêm túc chắc chắn các em sẽ thành công” – cô Nguyễn Thị Bích Ngọc nhắn nhủ.

Hải Bình (ghi)

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...