Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Yêu cầu chung

Yêu cầu chung

GDTĐ – Kiểu bài nghị luận hai ý kiến bàn về văn học xuất hiện khá phổ biến trong các đề thi. Bởi đây là một dạng đề mở, không chỉ kích thích tư duy, phát triển trí tuệ, giúp học sinh có cơ hội phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, mà còn có khả năng phân hóa được trình độ của học sinh trong kiểm tra, đánh giá.

Nắm chắc đặc điểm chung và yêu cầu riêng của mỗi kiểu dạng đề này là yêu cầu không thể thiếu, là khâu định hướng quan trọng, giúp học sinh nâng cao năng lực làm bài nghị luận hai ý kiến bàn về văn học.

Đặc điểm chung của kiểu bài nghị luận hai ý kiến bàn về văn học

Theo thầy Trần Xuân Trà – Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Nam Định): Nghị luận hai ý kiến bàn về văn học là kiểu bài nghị luận đòi hỏi học sinh phải sử dụng tổng hợp các thao thác nghị luận một cách linh hoạt, bao gồm các thao tác: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ.

Không những thế, học sinh cần thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình, đồng tình hay bác bỏ, hoặc chỉ nhất trí về một phương diện, khía cạnh nào đó trong các ý kiến và đề xuất, bổ sung cho phù hợp.

Đây quả là một yêu cầu rất cao đối với học sinh. Các em phải huy động vốn sống, vốn hiểu biết của bản thân và thể hiện rõ phẩm chất, năng lực người học.

Để đáp ứng yêu cầu ấy, giáo viên cần hướng dẫn học sinh nắm chắc khung dàn ý chung của kiểu bài này bao gồm các ý cơ bản sau:

– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm (đoạn trích, nhân vật, chi tiết) cần nghị luận; trích dẫn hai ý kiến;

– Giải thích (nếu cần), phân tích, chứng minh, bình luận ý kiến 1;

– Giải thích (nếu cần), phân tích, chứng minh, bình luận ý kiến 2;

– Phân tích, đánh giá về mối quan hệ giữa hai kiến;

– Đánh giá khái quát giá trị hai ý kiến với nhận thức, suy nghĩ của bản thân về vị trí vai trò của chi tiết, nhân vật, đoạn trích trong tác phẩm, cũng như vị trí vai trò của tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của tác giả.

Cùng với việc phân tích đề, nhận diện ra các kiểu dạng nghị luận hai ý kiến về văn học và xác định rõ thao tác nghị luận chính được sử dụng, các ý chính, cơ bản cần trình bày, phạm vi tư liệu cần sử dụng, việc nắm chắc khung dàn ý chung của kiểu bài này là khâu hết sức quan trọng, giúp học sinh biết cách làm bài và chủ động, tự tin trong quá trình triển khai ý và hoàn thiện bài làm.

Yêu cầu riêng của dạng đề nghị luận hai ý kiến bàn về văn học

Bên cạnh đặc điểm chung, cũng như khung dàn ý chung như đã trình bày ở trên, thầy Trần Xuân Trà cho rằng, mỗi kiểu dạng nghị luận hai ý kiến về văn học lại có những yêu cầu riêng đòi hỏi học sinh cần phải nắm chắc và biết cách huy động kiến thức cho phù hợp.

Chẳng hạn, đối với kiểu dạng hai ý kiến về một chi tiết nghệ thuật, học sinh cần hiểu rõ: Chi tiết nghệ thuật là gì? Vị trí, vai trò của chi tiết với việc làm nổi bật đặc điểm, tính cách nhân vật, chủ đề tư tưởng tác phẩm, phong cách nghệ thuật của nhà văn…

Cùng với đó, học sinh cần nắm chắc xuất xứ của chi tiết (nằm ở vị trí nào trong tác phẩm, gắn với nhân vật hay sự kiện nổi bật nào?); biết cảm nhận, phân tích giá trị của chi tiết với nhân vật, sự kiện, nội dung, tư tưởng tác phẩm, phong cách nghệ thuật tác giả;

Biết cách cắt nghĩa, lý giải hai ý kiến khác nhau về chi tiết; đánh giá được giá trị của hai ý kiến với việc nâng cao nhận thức của bản thân về chi tiết nghệ thuật…

Đối với kiểu dạng hai ý kiến về một nhân vật, giáo viên cần hướng dẫn học sinh hiểu rõ: Nhân vật trong tác phẩm văn học là gì? Vị trí, vai trò của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng tác phẩm, phong cách nghệ thuật của nhà văn…;

Phân biệt rõ nhân vật được bàn tới trong tác phẩm là nhân vật nào? Đó là nhân vật chính, hay nhân vật phụ, nhân vật trung tâm? Hoặc đó là nhân vật tính cách hay nhân vật hành động, nhân vật tư tưởng? Nhân vật được xây dựng bằng bút pháp điển hình hóa, hay lý tưởng hóa?…;

Biết cảm nhận, phân tích giá trị của nhân vật trong việc phản ánh nội dung, tư tưởng tác phẩm, thể hiện phong cách nghệ thuật tác giả; đánh giá giá trị của hai ý kiến với việc nâng cao nhận thức của bản thân về nhân vật…

Đối với kiểu dạng hai ý kiến về một đoạn trích, học sinh cần: Nắm chắc xuất xứ của đoạn trích (nằm ở vị trí nào trong tác phẩm, thể hiện phương diện nào trong chủ đề tư tưởng và phong cách nghệ thuật tác giả?);

Hiểu rõ giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của đoạn trích, thông qua ngôn ngữ, hình tượng, các biện pháp tu từ được sử dụng (các chi tiết, sự kiện tiêu biểu)…; biết cách cắt nghĩa, lý giải hai ý kiến khác nhau về đoạn trích; đánh giá giá trị của hai ý kiến với việc nâng cao nhận thức của bản thân về đoạn trích.

Đối với kiểu dạng hai ý kiến về một tác phẩm, giáo viên cần giúp học sinh nắm chắc xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm; những nét chính trong phong cách nghệ thuật của tác giả; hiểu rõ và cảm nhận, phân tích được giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm thông qua thế giới ngôn ngữ, hình tượng được tác giả sử dụng;

Biết cách cắt nghĩa, lý giải hai ý kiến khác nhau về tác phẩm; đánh giá giá trị của hai ý kiến với việc nâng cao nhận thức của bản thân về tác phẩm và khẳng định vị trí, vai trò của tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của tác giả, cũng như trong nền văn học dân tộc.

“Rõ ràng, mỗi kiểu dạng nghị luận hai ý kiến về văn học có những yêu cầu riêng. Học sinh vừa phải nhận diện đúng các kiểu dạng đề bài cụ thể, vừa biết cách huy động kiến thức một cách hợp lý.

Trong đó, những kiến thức về tác giả, tác phẩm là cơ sở, nền tảng quan trọng nhất. Những kiến thức lý luận văn học sẽ soi chiếu, bổ sung và nâng cao năng lực cho học sinh trong quá trình bày tỏ quan điểm, chính kiến của bản thân dựa trên việc phân tích, chứng minh qua những dẫn chứng cụ thể” – thầy Trần Xuân Trà lưu ý.

Hải Bình

TIN LIÊN QUAN

Bình luận bài viết

One comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...