GDTĐ – Qua 6 năm triển khai chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có những bước chuyển biến tích cực.
SEQAP thay đổi diện mạo giáo dục tại vùng khó
Ông Nguyễn Viết Chuyên – Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GDĐT Hà Giang) cho biết: Hà Giang là một tỉnh miền núi, có địa hình phức tạp, điều kiện tự nhiên và khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số… Việc dạy học ở Hà Giang còn gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2010- 2011 là năm đầu tiên Hà Giang thực hiện lộ trình của SEQAP. Quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình Đảm bảo chất lượng trường học luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ GDĐT – Ban quản lý chương trình SEQAP Trung ương, UBND tỉnh, các Sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh và UBND 8 huyện tham gia chương trình SEQAP.
Kết thúc năm học 2015-2016, Hà Giang có 8 huyện với 40 trường (245 điểm trường) tham gia Chương trình, trong đó có 145 điểm trường thuộc vùng khó khăn (chiếm 59%), 145 điểm trường trường thực hiện phương án T30; 37 điểm trường thực hiện phương án T35 (thông qua sự đầu tư từ Chương trình SEQAP cho mục tiêu FDS của ngân sách các địa phương tăng thêm; có sự tham gia tích cực và hiệu quả từ cộng đồng).
Thông qua việc hỗ trợ các trường tiểu học chuyển đổi sang mô hình dạy – học cả ngày (FDS), chất lượng giáo dục cấp tiểu học được nâng lên rõ rệt, giảm sự chênh lệch giữa các nhóm học sinh ở các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau, từng bước cải thiện về chất lượng giáo dục cấp tiểu học, tạo được nhận thức tương đối tốt từ cộng đồng về công tác giáo dục tại các địa phương.
Thông qua kế hoạch dạy học cả ngày và dựa trên các nguồn lực hiện có, các trường tiểu học tham gia chương trình SEQAP thuận lợi trong việc bố trí sắp xếp đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và bố trí các môn học phù hợp với thực tế tại trường.
SEQAP trước mắt đã triển khai mô hình thành công về hình thức hỗ trợ cho học sinh, cho các nhà trường qua 2 loại quỹ, để thực hiện chuyển đổi từ dạy học một buổi sang FDS.
Từ đó tạo các điều kiện thuận lợi và quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo đề ra khung chính sách cần thiết để hỗ trợ các trường tiểu học trong giai đoạn tiếp theo.
100% cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về quản lý dạy học và học cả ngày, đổi mới phương pháp dạy và học, từ đó chất lượng dạy học của giáo viên các trường tham gia chương trình có nhiều tiến bộ.
Chương trình đã giúp các nhà trường xóa được các phòng học tạm tại các điểm trường, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất của các trường góp phần đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh.
Học sinh của các trường tham gia chương trình tự tin hơn trong sinh hoạt, giao tiếp tập thể, được giáo dục kĩ năng sống như: biết tự phục vụ cho bản thân.
Học sinh trường tiểu học Bạch Đích trong giờ sinh hoạt Giao lưu tiếng Việt
Tác động đến nhận thức của nhà trường
Trường tiểu học Bạch Đích là một trong 5 trường tiểu học tham gia SEQAP của huyện Yên Minh. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình SEQAP đã tác động tích cực trong việc thay đổi nhận thức của nhà trường, gia đình về lợi ích của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức cho học sinh ăn bán trú tại trường.
Cô Mạc Thị Huệ – Hiệu trưởng – cho hay: Bạch Đích nằm trên cao nguyên đá Đồng Văn, là một xã vùng cao biên giới phía Bắc thuộc huyện Yên Minh, gồm nhiều dân tộc sinh sống.
Học sinh Trường Tiểu học Bạch Đích chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số người Nùng, Dao, Tày, Hmông, Giấy, Pu Péo… đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn.
Từ các nguồn quỹ của Chương trình cũng như sự hỗ trợ, đóng góp của gia đình, nhiều học sinh lứa tuổi tiểu học trong toàn tỉnh được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, phụ đạo củng cố kiến thức và được chăm sóc, nâng cao sức khỏe.
Tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn giáo viên thực hiện các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trên thực tế của học sinh, các hoạt động giáo dục khác trên cơ sở tích hợp các hoạt động giáo dục âm nhạc, giáo dục mĩ thuật và giáo dục thể chất làm cho nội dung hình thức các hoạt động giáo dục trở nên hiệu quả, đa dạng, phong phú hấp dẫn giáo dục.
Bước đầu tổ chức triển khai các mô hình thư viện thân thiện, thư viện xanh. Khuyến khích thực hiện các loại hình câu lạc bộ như âm nhạc, mĩ thuật, thể dục… với mục tiêu thu hút học sinh đến trường giúp các em bạo dạn, tích cực, tự tin hơn tạo cho các em không khí thoải mái vừa chơi vừa học thông qua đó, phát triển hứng thú cho giáo dục trong quá trình học tập thu hút được học sinh tham gia.
Chất lượng giáo dục của các nhà trường trong những năm qua đã có sự chuyển biến rõ rệt. học sinh tham gia học tập tích cực, chủ động. Tỉ lệ chuyên cần đảm bảo, tỉ lệ học sinh lưu ban, không biết đọc, biết viết giảm so với những năm trước đây khi chưa tham gia Chương trình SEQAP.
Trong năm học 2016-2017 tại Hà Giang, có 17.699 học sinh được thụ hưởng SEQAP, trong đó có 15.233 học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 83,79%.
Có 15.331 học sinh được học cả ngày, chiếm tỷ lệ 92%. Trong đó có 13.373 học sinh DTTS, chiếm tỷ lệ 87%.
Có 37 trường tổ chức được cho 100% HS tại tất cả các điểm trường học cả ngày, chiếm tỷ lệ 92,5 % tổng số trường SEQAP của tỉnh; 145 điểm trường lẻ tổ chức cho 100% HS học cả ngày đạt 59%.
Kết quả HS lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học năm học 2015-2016 là 2.915 học sinh (tỷ lệ 99%). Trong đó HS học cả ngày (FDS) đạt 99%, HS nữ chiểm tỷ lệ 47%, HS DTTS chiếm tỷ lệ 92%, HS con hộ nghèo chiểm tỷ lệ 44%.
Lan Anh
Bình luận bài viết