Home » Gương sáng - Khuyến học » Đến nơi thầy cô "mật phục" rước học sinh tới trường

Đến nơi thầy cô "mật phục" rước học sinh tới trường

5 năm nay, những người thầy cô vùng cao Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học (PTDTBTTH) Đắk Roong (xã Đắk Roong, huyện Kbang, Gia Lai) âm thầm làm những người xe ôm đặc biệt đưa học sinh đến trường. 

3 giờ sáng gõ cửa đón học sinh đến trường

Trường PTDTBTTH Đắk Roong thành lập từ năm 2011. Trường đứng chân trên địa bàn xã vùng sâu, có điều kiện đặc biệt khó khăn. Nhà trường hiện có gần 400 em học sinh. Dù là bán trú, nhưng do trường hầu hết là học sinh người Ba Na có nhà cách trường hàng chục km đường rừng nên các em phải ở lại trường từ thứ 2 đến thứ 6, còn thứ 7 và Chủ nhật mới về nhà.

Do đặc thù là học sinh vùng cao nên việc duy trì sĩ số của trường là rất khó khăn. Khắc phục tình trạng này, thầy hiệu trưởng Phạm Quốc Tuấn cùng nhiều thầy cô khác tình nguyện làm xe ôm đưa các em đến trường. Sau mỗi buổi học, các thầy cô tập hợp những em học sinh vắng mặt báo lên Ban Giám hiệu nhà trường. Sau khi có danh sách, tùy vào địa bàn mình phụ trách mà các thầy cô đến đón các em quay lại trường.

Hôm nay, có 4 học sinh lớp 1 vắng mặt. Thầy Tuấn lại khăn gói dậy từ tờ mờ sáng để xuống các làng đón học sinh trở lại trường. Chiếc xe máy “ngựa thồ” lăn bánh trên những con đường gập ghềnh đầy sỏi đá, người ngồi trên xe lắc lư xua tan đi cơn buồn ngủ.

Trong quang cảnh tĩnh mịch của buổi đêm đi xuyên rừng, thầy Tuấn tâm sự: “Lần nào có học sinh vắng học, là chúng tôi cũng phải dậy từ 3 giờ sáng để xuống nhà đón các em trở lại trường. Vượt khoảng hơn chục cây số, các thầy cô mới tới nhà các em. Vào giờ đó, các em phần lớn đang ngủ trong nhà, chứ đi muộn hơn là các em đã theo bố mẹ lên rẫy thì khó mà tìm được”.

Thầy Tuấn kể: Năm 2011, Trường PTDTBTTH Đắk Roong thành lập cũng là lúc thầy được điều về làm hiệu trưởng của trường. Lúc ấy trường có 500 em nhưng thực tế chỉ có 1/5 học sinh đi học. Học sinh của trường rải rác ở 15 thôn làng, trong đó đa phần ở các làng xa trường từ 10 km trở lên.

Để động viên các em đến lớp, trường chọn giải pháp đầu tiên là thuyết phục, giảng giải cho phụ huynh hiểu tầm quan trọng của việc học chữ. Chúng tôi trấn an họ bằng cách nhận chở những học sinh nhỏ tuổi ở xa. Phụ huynh nghe thế gật đầu ký bản cam kết.

Vừa dứt câu chuyện, chúng tôi đã đến làng Đắk Ho, sau khi đi hơn 15km đường rừng. Vừa vào đầu ngõ của một gia đình, thầy Tuấn ra hiệu cho chúng tôi tắt xe máy, dựng xe đi vào để khỏi gây tiếng động. Đến cửa nhà thầy gọi: Meos, thầy Tuấn đây…

Đinh Meos dậy ra mở cửa. Thấy Meos, thầy Tuấn kêu lớn:“Meos, đi đâu đấy? Sao không đi học?” Meos giật mình, vội gãi đầu giãi bày: “Con… Con đau chân thầy ơi”. “Đưa thầy xem chân nào”, thầy Tuấn đáp lại. Nói rồi, thầy Tuấn tiến lại chỗ Meos và dùng tay sờ kiểm tra. Kết quả, cậu học trò thú nhận chân không đau, đồng thời đồng ý về trường. 

Tiếp tục di chuyển sang những căn nhà của 2 học sinh Đinh Thị Thay và Đinh Văn Phút nhưng không thấy 2 em. Hỏi gia đình nhưng phụ huynh đều lắc đầu không biết. Đoàn chia nhau đi lục khắp các căn nhà cũng không tìm thấy. Thầy Tuấn ra hiệu cho cả đoàn đi về để mai tiếp tục “mật phục” đi tìm. Đồng hồ lúc này điểm vào lúc 5 giờ 30.

Chiếc xe ì ạch chở học trò về trường. Thầy Tuấn cầm lái, chở phía sau Phai và Meos. Thấy các em ngồi sau run bần bật vì lạnh, thầy Tuấn dừng xe, vội tháo chiếc áo ấm đang mặc để khoác lên người các em. 6 giờ 15 phút, chúng tôi có mặt tại trường, kết thúc chuyến đi tìm học sinh kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ.

Thầy cô là mẹ là cha, thầy cô là mái ấm học xa nhà

Sau chuyến đi hơn 3 tiếng, trong màn sương lạnh của núi rừng, thầy Tuấn rót ly trà ấm mời chúng tôi. Lúc này, bên ly trà, thầy Tuấn mới cởi mở chia sẻ chúng tôi những câu chuyện cảm động về tình thầy trò.

Giờ giao thông đã được cải thiện, chứ trước đây vào mùa mưa, việc đến trường của các em thường bị gián đoạn. Các thầy cô phải dùng xe máy đến từng nhà chở các em đến trường. Nói là chở xe máy cho “oai” chứ chỉ đi được một số đoạn, còn lại gặp bùn lầy là phải đẩy. Đến các đoạn suối, các thầy cô phải xắn quần lên mà cõng học sinh qua. Có những lúc, đưa được các em đến trường, giáo viên lên bục giảng áo quần đã ướt sũng, thầy Tuấn nói.

Nhấp thêm ly trà thầy Tuấn kể tiếp: Các em học sinh ở lại trường cả ngày, cuối tuần mới về nhà. Nhiều hôm, các em bị ốm, cha mẹ đi rẫy hết. Các thầy cô lại chạy đôn chạy đáo chăm cho các em từng bát cháo, lo cho từng viên thuốc đến khi khỏi bệnh. Khó khăn của những giáo viên vùng sâu khó mà tả hết. Học sinh ở đây cũng cảm nhận được tình yêu thương của thầy cô, xem nhà trường như ngôi nhà thứ 2, xem thầy cô như là 1 thành viên của gia đình mình.

Biết khó khăn, vất vả nhưng không một ai kêu khổ vì chúng tôi đã xác định việc gieo chữ ở vùng xa thì phải chấp nhận hi sinh. Đối với chúng tôi, bao khổ cực, thiệt thòi mấy cũng chịu được, miễn các em chuyên cần đến lớp để học chữ, đừng bỏ học là hạnh phúc quá rồi.

Nhờ sự cố gắng và tâm huyết của những thầy cô cắm bản, nên những năm qua, trong tổng số gần 400 học sinh của trường thì sĩ số học sinh luôn duy trì ở mức gần 99%. Nhiều em nhập học không biết một chữ tiếng Kinh nay đọc thông biết thạo.

Nguyễn Dũng

Bình luận bài viết

x

Check Also

Tấm lòng những cô giáo dạy trẻ khuyết tật

GDTĐ – Năm học mới sắp bắt đầu, nhưng rất nhiều thầy cô ở các ...