Home » Gương sáng - Khuyến học » Người mẹ nghèo 20 năm làm đôi chân cho con

Người mẹ nghèo 20 năm làm đôi chân cho con

Anh Lý cho biết: “Hôm nay mưa tầm tã từ chập trưa đến giờ. Loan học thêm đến 6 giờ mới nghỉ, vợ tôi đi đón con mà mãi chưa thấy về nên tôi sốt ruột. Gần đây, sức khỏe bà ấy yếu lắm, ăn uống chẳng được gì nhưng vì sợ con bé mất buổi học nó lại buồn, lại tủi thân nên bà ấy cứ ráng làm đôi chân đưa con đến trường”. Anh Lý vừa dứt lời, cả tôi và anh đều thảng thốt khi từ đằng xa vọng tới tiếng kêu thất thanh: “Ba bé Loan ơi, hai mẹ con té rồi. Anh ra nhanh, đỡ con lên kẻo nó lạnh”. Anh Lý lật đật chạy ra.

Chiếc đèn pin cầm tay nhỏ xíu chẳng soi rõ mặt người. Vợ chồng chị Thiết quýnh quáng kéo chiếc xe đạp đang chắn ngang người Loan. Bế được con lên bờ, bất giác, chị ngồi thụp xuống đất khóc ngon lành. Loan trấn an: “Con không sao đâu, mẹ đừng lo. Tại mưa, đường trơn quá chứ đâu phải tại mẹ”.

Đứng cạnh đó, anh Lý nói thêm: “Tôi đã nói để tôi đi làm về rồi rước con mà bà không nghe. Lên cơn đau tim, cả buổi ngồi thở không được mà còn cặm cụi dắt xe đi chi khổ vậy. Nhìn hai mẹ con thế này, tôi không an tâm được”. Anh Lý càng nói, chị Thiết càng khóc dữ. Một lúc sau, nước mưa hòa nước mắt thấm đẫm trên gương mặt cả gia đình họ khiến tôi chạnh lòng.

Vô đến nhà, chị Thiết nằm lăn ra giường vì mệt. Loan ngồi co ro trong góc nhỏ, ứa nước mắt. Loan nói với tôi rằng, vào những lúc như vậy, em luôn có cảm giác mình bất lực, vụng về, “phải chi em đi được, phải chi tay em khỏe, phải chi…”.

Có cả ngàn câu bắt đầu bằng hai chữ “phải chi…” mà cô học trò nghèo ấy biết, sẽ chẳng có câu nào thành sự thật với mình. Thấy cả nhà gần như lả đi, tôi hẹn hôm sau sẽ trở lại trò chuyện. Chừng như áy náy vì biết tôi đã phải chạy một đoạn đường khá dài để đến nhà mình, anh Lý nói, giọng run run: “Cô thông cảm. Mấy năm nay bả ôm đủ thứ bệnh nên hay mệt vậy đó. Thấy cực cho cô quá, hay cô muốn hỏi gì, tôi trả lời thay bả”. Kỳ thật, tôi không ngại một chuyến đi nữa bởi hình ảnh đơn độc mò mẫm tìm tay con giữa đồng của chị Thiết ám ảnh tôi. Phải là câu chuyện xuất phát từ đáy lòng, trái tim người mẹ ấy mới thuyết phục.

Tôi trở lại vào chiều hôm sau vẫn chỉ có anh Lý ở nhà, chị Thiết bận đi đón Loan. May sao, trời không mưa. Về đến nhà, chị Lý phải dắt xe vào tận bên trong. Bế con ngồi xuống ghế, chị cười hiền: “Bữa nào không mưa là mừng dữ lắm. Ngày xưa, tôi học được dăm ba chữ lận lưng là nghỉ rồi đi mần mướn riết đến giờ. Bởi vậy, cực mấy tôi cũng ráng cho bé Loan học xong phổ thông. Nếu con bé thi đậu đại học, hay chí ít là trung cấp, con ở đâu, tôi theo đó lo cho nó học đến cùng”.

Chị Thiết, anh Lý đều là người Long An. Nhà nghèo, ít chữ nên anh chị xem làm thuê như cái nghiệp của bản thân. Đến với nhau, anh chị chỉ có mảnh ruộng con con làm vốn. Lúa làm ra không đủ ăn, thỉnh thoảng anh chạy việc vặt bên ngoài, khi phụ hồ, bốc vác, khi cuốc đất, đẩy xe. Chị cũng bon chen ra chợ kiếm thêm lon gạo, bó rau. Cô con gái đầu lòng Ngô Thị Bích Trâm (SN 1991) chào đời bụ bẫm, khỏe mạnh khiến vợ chồng chị càng thêm quyết tâm vượt khó, nuôi con, cho con ăn học thành người.

Chị Thiết nhớ lại: “Vợ chồng tôi nghèo quá, có cái nhà cũng rách tả tơi, vá trước, chằm sau mà không che được mưa gió. Tính ráng vài năm cho bé Trâm lớn rồi mới sinh tiếp đứa nữa đặng có điều kiện lo cho con. Dè đâu, 5 năm sau, Bích Loan chào đời, cơ thể yếu ớt và chân, tay có tật. Tôi đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM khám mới hay não cháu sẽ không phát triển bình thường như con người ta, tật ở chân phải tập vật lý trị liệu thường xuyên và phẫu thuật mới mong tiến triển khá hơn.

Nghe vậy, tôi đưa con về, tập cho nó đứng lên, tập cho nó cầm nắm, từng chút một. Nó cứ té hoài, chân tay rớm máu. Tôi xót con lắm. Nói ra mang tội với con chớ thiệt tình, nếu bác sĩ kêu phẫu thuật lúc còn bé hay là hiện tại cũng không biết lấy tiền đâu mà lo. Nhà giữa đồng, có bán người ta cũng chẳng mua”.

Nói rồi, chị đưa tay quệt nước mắt. Câu chuyện đời chị, đời Loan bắt đầu buồn hơn từ những ngày mưa năm 1996 ấy.

Gian nan tìm chữ

Hồi còn bé, Loan chủ yếu bò bằng hai tay. Hai ngón cái bị tật, ép sát vào ngón trỏ nên em làm gì cũng khó. Thế nhưng, Loan lại khao khát được đi học. Thấy chị Bích Trâm và bạn bè cùng ấp xúng xính áo trắng, khăn quàng đỏ đến trường, Loan thích lắm. Lần đầu tiên nghe con gái thỏ thẻ: “Mẹ ơi, con muốn đi học”, chị Thiết sững người.

Trăn trở nhiều, day dứt cũng lắm, cuối cùng, chị đưa ra một quyết định mà bà con trong ấp đến nay vẫn còn xuýt xoa “Chi mà khổ vậy” – chị làm đôi chân cho Loan. Ngày nắng cũng như ngày mưa, từ hồi Loan vào lớp một đến nay, chưa bao giờ chị để con phải bỏ lớp, bỏ trường dù chỉ một buổi.

Bình luận bài viết

x

Check Also

Tấm lòng những cô giáo dạy trẻ khuyết tật

GDTĐ – Năm học mới sắp bắt đầu, nhưng rất nhiều thầy cô ở các ...