Home » Gương sáng - Khuyến học » Trò thành công, thầy hạnh phúc

Trò thành công, thầy hạnh phúc

GDTĐ – Từ một cậu bé nhà nghèo, 9 năm đi học bằng chân đất, 12 năm cuốc bộ mỗi ngày hàng chục cây số đến trường, trở thành hiệu trưởng trường THPT dẫn đầu tỉnh Đồng Tháp – câu chuyện về thầy Nguyễn Văn Định khiến mọi người đều xúc động, khâm phục.

Học vì muốn giúp học sinh nghèo ham học

Ấn tượng về cái nghèo thời thơ ấu của thầy Nguyễn Văn Định là những ngày tháng làm mướn triền miên của cha mẹ để nuôi 5 người con, vì nhà 7 miệng ăn chỉ có 5 công ruộng với một vụ lúa mùa; là 12 năm đi bộ, lội sông đến trường, quãng đường xa nhất tới 20 cây số; là cả tuần mới được bữa cơm với cá và nhiều lần cơm chan nước mắt vì thương cha mẹ…

Nhà nghèo nên những mốc thời gian đáng nhớ khi còn trẻ với thầy Định cũng rất “lạ”: Năm 12 tuổi có chiếc quần dài đầu tiên; trước ngày thi tốt nghiệp cấp II lần đầu tiên được mẹ mua dép; vào đại học bắt đầu có … xe đạp, dù chỉ là xe cũ mua lại…

Thầy Định nhớ lại: Những năm học cấp III, tôi nhớ mình chỉ có duy nhất một bộ đồ đi học. Khó khăn, vất vả thật khó kể hết, nhưng mỗi khi nghĩ về những lo toan, vất vả của cha mẹ, tôi lại tự nhắc mình phải cố gắng để tiếp tục học, tìm việc làm và để vượt lên hoàn cảnh… Cho đến hết đại học, lúc nào tôi cũng tâm niệm như vậy.

Năm 1995, tốt nghiệp đại học sư phạm Tiếng Anh và trở về chính ngôi trường cấp III đã học ngày trước để dạy, thầy Định không thể quên cảm giác mừng vui khi lần đầu tiên cầm tháng lương đầu tiên với hơn 80.000 đồng. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, thầy giáo trẻ được cầm số tiền nhiều đến như thế.

Chia sẻ lý do chọn nghề sư phạm, thầy Định cho biết, đó không chỉ vì trách nhiệm với gia đình, để thoát nghèo mà còn bởi một mong muốn mãnh liệt: được giúp những học sinh nghèo ham học như mình. Có lẽ bởi vậy mà cho đến nay, khi đã trở thành người đứng đầu nhà trường, một trong những mối quan tâm đặc biệt của thầy là giúp đỡ học sinh nghèo. Nhiều học sinh được thầy trực tiếp động viên, giúp đỡ đã vượt qua khó khăn, tiếp tục học và thành công trong cuộc sống.

“Trong những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tôi đặc biệt ấn tượng với em Nguyễn Văn Cảnh. Cảnh học rất giỏi nhưng nhà quá nghèo nên thường không có tiền đóng học phí. Năm lớp 11, biết tin Cảnh định bỏ học, tôi đã gặp em và vô cùng xúc động khi thấy hoàn cảnh của em quá giống mình. Sau khi nghe câu chuyện của tôi, em đã khóc và hứa cố gắng.

Cũng từ đó, tôi lưu tâm giúp đỡ em thường xuyên và Cảnh đã làm hơn những gì tôi mong đợi. Em đậu đại học, trở thành sinh viên xuất sắc và được giữ lại trường để công tác. Đến nay, em vẫn là tấm gương tôi thường kể lại cho lớp học trò sau này.” – thầy Định kể lại.

Thầy Nguyễn Văn Định (giữa) thay mặt tập thể Trường THPT Tháp Mười nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2015)

Bài học từ thất bại

Về Trường THPT Tháp Mười được 3 năm, được Hiệu trưởng phân công làm trợ lý thanh niên, một công việc rất trái với sở trường, nhưng thầy Định đã hoàn thành rất tốt công việc vì lợi thế là tình thương yêu học trò, mọi công việc đều hướng về học sinh. Từ năm 2003, thầy Nguyễn Văn Định là Phó hiệu trưởng, rồi trở thành Hiệu trưởng nhà trường từ năm 2007 – giai đọan Trường THPT Tháp Mười đang gặp nhiều khó khăn.

Nói về bài học lớn nhất trong thời gian làm quản lý, thầy Định chia sẻ dấu mốc năm 2009 – khi Trường THPT Tháp Mười bị “rớt hạng” bất ngờ về tỷ lệ tốt nghiệp:

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009, lần đầu tiên Bộ GDĐT thực hiện chấm chéo giữa các tỉnh. Kết quả, Trường chỉ đạt 79,11%, rơi từ hạng nhất tỉnh Đồng Tháp năm 2008 xuống hạng 7 với 113 học sinh hỏng tốt nghiệp. Trong bài phát biểu khai giảng năm học 2009 – 2010, tôi đã nhận hoàn toàn trách nhiệm, xin lỗi toàn trường, xin lỗi nhân dân huyện Tháp Mười, vì với vai trò Hiệu trưởng đã thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành tổ chức ôn tập, chưa nghiêm khắc với học sinh yếu…

Nếu như nhà trường đẩy mạnh ôn tập thêm vài giờ, nghiêm khắc hơn với học sinh chưa chuyên cần, giáo viên và học sinh không chủ quan thì số lượng trượt tốt nghiệp sẽ ít hơn rất nhiều. Nhiều giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh khi đó đã khóc.

Và, trong suốt năm học 2009 – 2010, thầy Hiệu trưởng trẻ tuổi đã sống trong cảm giác day dứt khi hàng ngày nhìn 113 học sinh phải đi học lại. Nhưng cũng từ đây, toàn trường đã làm việc với hơn 100% công sức, để kỳ thi tốt nghiệp từ những năm sau đó đạt kết quả rất cao.

Nay, Trường THPT Tháp Mười đã trở thành cái tên tiêu biểu của giáo dục Đồng Tháp về dạy học phụ đạo miễn phí cho học trò. Chính tình yêu thương, miệt mài của các thầy cô nơi đây là bí quyết giúp ngôi trường vùng sâu, nhiều khó khăn, thiếu thốn, vươn lên dẫn đầu tỉnh Đồng Tháp về chất lượng giáo dục toàn diện và dẫn đầu tỉnh về công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ…

Nói về kinh nghiệm thành công, ngoài phẩm chất cá nhân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thầy Nguyễn Văn Định nhắc tới những nỗ lực tìm tòi nghiên cứu để tìm ra các giải pháp quản lý, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức của tập thể nhưng mang lại hiệu quả cao; tổ chức phân công công tác đúng người đúng việc, phát huy tốt sở trường cá nhân, qui tụ được sức mạnh của tập thể; trân trọng người hiền tài; trân trọng mọi góp ý của để vận dụng phù hợp vào công tác quản lý.

Nhưng, trên hết vẫn là tình yêu với công việc, với học trò. “Người thầy chắc chắn sẽ thành công nếu thực sự hết lòng vì học sinh, lấy kết quả của học trò làm nguồn cảm hứng, động lực làm việc” – thầy Nguyễn Văn Định chia sẻ.

9 năm trong vai trò Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Văn Định đã cùng tập thể Trường THPT Tháp Mười đào tạo hàng ngàn học sinh xuất sắc, học sinh trúng tuyển ĐH, học sinh thành đạt cho địa phương; bồi dưỡng được hàng trăm học sinh giỏi cấp tỉnh, nhiều học sinh cấp toàn quốc. Trường THPT Tháp Mười đã 7 lần được UBND tỉnh Đồng Tháp tặng Cờ thi đua dẫn đầu các trường THPT; được Chính phủ 2 lần tặng Cờ thi đua; là cơ sở giáo dục phổ thông đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2011) và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2015).

Bản thân thầy cũng nhận được rất nhiều phần thưởng cao quí, trong đó có Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2007) và Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2013)…

Hiếu Nguyễn

Bình luận bài viết

x

Check Also

Tấm lòng những cô giáo dạy trẻ khuyết tật

GDTĐ – Năm học mới sắp bắt đầu, nhưng rất nhiều thầy cô ở các ...