Home » Chuyên đề - Chuyên môn » 5 biện pháp giúp giáo viên dạy tốt văn tả cảnh ở lớp 5

5 biện pháp giúp giáo viên dạy tốt văn tả cảnh ở lớp 5

GDTĐ – Làm tốt 5 biện pháp dưới đây, giáo viên sẽ giúp học sinh lớp 5 không còn sợ mỗi tiết tập làm văn tả cảnh.

Biện pháp 1: Dạy học sinh nắm vững thể loại và cấu tạo bài

Giáo viên cần giúp cho học sinh nắm vững bài văn tả cảnh gồm cấu trúc 3 phần. Học sinh dựa vào cấu trúc 3 phần đó để xây dựng nội dung đoạn văn, bài văn.

Văn tả cảnh ở lớp 5 thường yêu cầu học sinh tả những cảnh nhỏ gần nơi các em đang sống: Ngôi nhà em ở, quang cảnh trường em, con đường đưa em tới trường, dòng sông với rất nhiều kỉ niệm…. Điều quan trọng là giúp học sinh xác định được:

Đối tượng miêu tả là gì? Trọng tâm miêu tả của cảnh? Khi xác định được như vậy các em sẽ miêu tả đúng trọng tâm không bị lạc đề khi miêu tả.

Biện pháp 2: Dạy kĩ năng quan sát

Một yêu cầu cơ bản để viết tốt bài văn tả cảnh đó là học sinh phải có kĩ năng quan sát. Học sinh phải biết cách quan sát và chọn lọc các chi tiết quan sát được. Mọi kết quả quan sát được thể hiện trong bài văn tả cảnh của các em. Quan sát tinh vi, thấu đáo bài viết sẽ đặc sắc hấp dẫn. Quan sát hời hợt phiến diện bài viết sẽ khô khan. Khi quan sát chúng ta có thể quan sát trực tiếp cảnh vật hoặc hồi tưởng lại những cảnh vật mà mình đã từng quan sát.

Kĩ năng quan sát chủ yếu được hình thành trên cơ sở luyện tập. Thông thường học sinh đã sử dụng kĩ năng này nhiều lần và thường là không tự giác, sơ lược đơn giản. Điều quan trọng là giáo viên giúp học sinh khi học văn tả cảnh biết tự giác, chủ động có định hướng, mục đích khi quan sát.

Giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh lựa chọn trình tự quan sát. Tốt nhất là mỗi em tự tìm một trình tự quan sát thích hợp. Trường hợp học sinh yếu gặp khó khăn giáo viên có thể gợi ý trình tự quan sát.

Thông thường có một số trình tự quan sát cảnh vật tương ứng với trình tự miêu tả:

Trình tự không gian: Từ quan sát toàn bộ đến quan sát từng bộ phận hoặc ngược lại, từ trái sang phải, từ trên xuống dưới , từ ngoài vào trong…

Trình tự thời gian: Quan sát theo diễn biến thời gian từ bắt đầu đến kết thúc, từ mùa này sang mùa khác, tháng này sang tháng khác, tuần này sang tuần khác…..

Dù quan sát theo trình tự nào thì học sinh cũng phải biết dừng lại ở bộ phận chủ yếu, trọng tâm của cảnh để quan sát kĩ lưỡng.

Giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng các giác quan để quan sát. Đây là thao tác quan trọng nhất và có tính chất quyết định. Thông thường các em chỉ dùng mắt để quan sát giáo viên cần hướng dẫn các em dùng mũi để ngửi hương thơm của cây cỏ, dùng tai để nghe âm thanh của sự vật, dùng làn da để cảm nhận hơi thở, cảm nhận làn gió thổi, không khí….

Khi quan sát học sinh cần phải biết thu nhận đặc điểm đặc sắc hay độc đáo ở cảnh vật do từng giác quan mang lại.

Học sinh thu nhận các cảm xúc, các liên tưởng, hồi tưởng, so sánh do các đặc điểm của cảnh vật mang lại. Học sinh tìm tòi các từ ngữ thích hợp để diễn đạt các điều thu nhận trên.

Biện pháp 3: Dạy kĩ năng lập dàn ý

Kĩ năng lập dàn ý có vai trò hết sức quan trọng đây là khâu quyết định của việc xây dựng nội dung bài văn.

Muốn lập được dàn ý giáo viên phải hướng dẫn học sinh hai công việc chính đó là chọn lọc ý và sắp xếp thành dàn ý.

Những điều các em quan sát thu thập được bao gồm cả thô lẫn tinh. Điều quan trọng khi lập dàn ý là các em biết lựa chọn tinh và loại bỏ thô. Dựa vào đâu để lựa chọn? giáo viên cần định hướng cho các em đâu là trọng tâm đâu là thứ yếu.

Ví dụ: Khi tả hồ sen thì trọng tâm là tả hồ, tả sen còn cảnh bầu trời, cảnh vật quanh hồ là phụ.

Các em cần biết sắp xếp nội dung theo từng phần dàn ý có thể là theo thứ tự không gian hoặc thứ thự thời gian.

Với học sinh yếu kém giáo viên có thể cho học sinh lập dàn ý theo mức độ từ dễ đến khó.

Mức độ 1: Lập dàn ý dựa trên kết quả quan sát và câu hỏi định hướng.

Mức độ 2: Lập dàn ý dựa trên kết quả quan sát.

Biện pháp 4: Dạy học sinh kĩ năng dựng đoạn trong bài tả cảnh

Từ dàn ý đã lập được học sinh sẽ sử dụng ngôn ngữ phát triển ý để dựng thành đoạn và bài.

Giáo viên nên hướng dẫn học sinh viết bài văn tả cảnh thành nhiều đoạn, mỗi đoạn tả một bộ phận của cảnh. Như vậy các đoạn đều có nội dung tập trung miêu tả cảnh định tả.

Khi hướng dẫn học sinh viết đoạn, giáo viên phải hướng dẫn các em đảm bảo có sự liên kết chặt chẽ về ý nghĩa giữa các câu trong đoạn để cùng tả những đối tượng có quan hệ mật thiết với nhau trong cảnh. Sự liên hệ của các câu về mặt ngôn ngữ là nhờ các biện pháp liên kết phép lặp, phép thế, phép nối, phép liên tưởng…. Đoạn nào không đảm bảo các yêu cầu trên sẽ trở nên lộn xộn.

Các đoạn văn trong bài liên kết với nhau thành một bài văn hoàn chỉnh. Có nhiều cách liên kết đoạn văn như dùng từ ngữ thay thế, dùng câu nối…..

Trong đoạn văn luôn có câu chủ đề hoặc câu kết đoạn. Câu chủ đề thường đứng ở đầu đoạn diễn dịch tóm tắt toàn bộ nội dung đoạn. Câu kết đoạn thường đứng ở cuối đoạn quy nạp.

Thường thì trong văn tả cảnh khi miêu tả theo trình tự thời gian người ta hay dùng các từ chỉ thời gian để liên kết đoạn. Còn miêu tả theo thứ tự không gian thì dùng các từ chỉ vị trí.

Khi xây dựng đoạn văn trong bài văn tả cảnh giáo viên cần hướng dẫn học sinh dựa vào nội dung dàn ý phát triển đoạn thì nội dung các đoạn không bị lặp dàn ý, đồng thời nội dung phong phú xúc tích.

Biện pháp 5: Dạy kĩ năng sử dụng từ ngữ, hình ảnh trong văn tả cảnh

Ngôn ngữ góp phần làm cho bài văn tả cảnh trở nên sinh động và tạo hình.

Khi hướng dẫn học sinh sử dụng ngô ngữ tả cảnh giáo viên cần hướng dẫn các em sử dụng tính từ chỉ màu sắc, hình khối, tính chất….. các từ tượng thanh và tượng hình, các phép so sánh, nhân hóa, ẩn dụ….. Nếu học sinh biết sử dụng khéo chúng ta sẽ phối hợp với nhau, đan cài vào nhau dệt nên bức tranh phong cảnh bằng ngôn từ nhiều màu sắc, có góc cạnh.

Sự sống của bài văn nằm trong hình ảnh. Khi sử dụng hợp lí các biện pháp tu từ sẽ giúp cho hình ảnh trở nên sống động gợi cảm, gợi hình.

Thông qua việc sử dụng ngôn từ và hình ảnh học sinh có thể bộc lộ cảm xúc của mình khi viết khiến bài văn chân thực và đặc trưng riêng của cá nhân mỗi học sinh.

Muốn giúp học sinh biết sử dụng ngôn từ, lựa chọn hình ảnh phù hợp khi tả cảnh giáo viên phải giúp học sinh tích lũy vốn từ thông qua việc học các phân môn khác của Tiếng Việt. Việc tích lũy ấy chẳng khác nào dòng sông chắt chiu dần từng hạt phù sa để rồi có một bãi bồi màu mỡ hứa hẹn cho một vụ mùa bội thu cây trái.

Cô Trần Thị Giang – Trường tiểu học Phùng Chí Kiên (Hưng Yên)

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...