Home » Chuyên đề - Chuyên môn » 6 bước giúp học sinh tìm hiểu về chi tiết và chi tiết văn học

6 bước giúp học sinh tìm hiểu về chi tiết và chi tiết văn học

GDTĐ – Từ thực tế giảng dạy, cô Phạm Thị Thanh Nhàn – Giáo viên Trường THPT C Nghĩa Hưng (Nam Định) – nhận thấy, học sinh khi tìm hiểu các văn bản tự sự chỉ quan tâm nhiều đến cốt truyện, nhân vật, tình huống, không hiểu sâu các chi tiết cụ thể, nhất là các chi tiết đắt giá trong tác phẩm.

Trong giảng dạy, việc tìm hiểu sâu về các chi tiết trong tác phẩm tự sự không đơn giản, nhất là việc hướng dẫn học sinh làm bài văn nghị luận về chi tiết văn học.

Học sinh thường tiếp cận văn học một cách qua loa, hời hợt, chỉ lướt qua tác phẩm để nắm được cốt truyện cơ bản và cố gắng nắm được một ít những diễn biến quan trọng trong cuộc đời của nhân vật…

Đó là nguyên nhân làm cho các bài làm văn của học sinh chung chung, mờ nhạt, thiếu điểm nhấn.

Từ thực tế này, cô Phạm Thị Thanh Nhàn chia sẻ kinh nghiệm giúp giáo viên, học sinh tìm hiểu về chi tiết và chi tiết văn học một cách hiệu quả.

Đây là bước đầu tiên và không thể thiếu để học sinh làm tốt bài văn nghị luận về chi tiết, hình ảnh tiêu biểu trong truyện ngắn – chương trình THPT.

Bước 1: Tìm hiểu về chi tiết và chi tiết văn học

Tham khảo Từ điển Tiếng Việt (NXB khoa học xã hội Hà Nội năm 1988) và Từ điển thuật ngữ văn học (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1977) với định nghĩa “chi tiết” của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, cô Phạm Thị Thanh Nhàn rút ra nhận xét:

Chi tiết văn học là những tiểu tiết trong tác phẩm nhưng nó có ý nghĩa lớn góp phần làm nổi bật nội dung tư tưởng của tác phẩm và phong cách nghệ thuật của nhà văn.

Chi tiết có thể xuất hiện trong thơ hoặc văn xuôi bao gồm chi tiết miêu tả thiên nhiên, miêu tả không gian, chi tiết miêu tả tính cách, diễn biến nội tâm của nhân vật…

Chi tiết nghệ thuật có tính tạo hình, chi tiết gắn liền với quan niệm nghệ thuật về con người, chi tiết có vai trò biểu lộ tư tưởng, chủ đề tác phẩm. Chi tiết đóng vai trò làm tiền đề cho sự phát triển của cốt truyện.

Trong tác phẩm tự sự, các nhà văn đều dụng công xây dựng những chi tiết nghệ thuật quan trọng (chi tiết đắt). Những chi tiết ấy có sức nặng làm sáng tỏ mạch truyện.

Mỗi chi tiết đắt thường làm lóe sáng ở người đọc những cảm nhận có chiều sâu và phát huy được trí tưởng tượng phong phú ở người đọc.

Tác phẩm có thể thêm bớt chi tiết này hoặc chi tiết khác song những “chi tiết đắt” thì không thể thay thế. Và ngay cả vị trí của nó nữa, phải đặt vào đúng vị trí đó thì thì mới bật lên những cảm xúc và sáng lên chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

Đọc xong tác phẩm, học sinh có thể quên đi điều này điều kia nhưng những điểm sáng nghệ thuật ấy khiến học sinh nhớ mãi và nó trở thành ám ảnh trong tâm trí.

Người ta thấy bâng khuâng trước bát cháo hành của Thị Nở (Chí Phèo), hay ấm lòng trước ấm nước đầy của Từ (Đời thừa)….thấy bồi hồi, thổn thức với tiếng sáo đêm xuân (Vợ chồng A Phủ).

Có những chi tiết tưởng như đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa quan trọng tạo bước ngoặt trong cuộc đời nhân vật. Ví như chi tiết nói về cuốn Đường về được dịch sang tiếng Anh mà Hộ (Đời thừa) đã nghe thấy người bạn của mình nói đến.

Hộ đang định mua thức ăn cho vợ con và anh đã gần thực hiện được ý nguyện đó nhưng khi nghe tin một cuốn sách (với Hộ chỉ có giá trị địa phương thôi) lại được dịch sang tiếng Anh với bản quyền rất cao thì Hộ đã quên ngay mọi dự định, quyết tâm của mình. Đó là chi tiết tưởng như đơn giản nhưng làm thay đổi hẳn suy nghĩ và hành động của Hộ.

Bước 2: Phát hiện chi tiết nổi bật

Trong phần đọc – hiểu văn bản, cô Phạm Thị Thanh Nhàn thường chú ý hướng dẫn cho học sinh phát hiện các chi tiết nổi bật có ý nghĩa quan trọng với tác phẩm. Đây là việc mỗi giáo viên thường hay làm và cũng có nhiều tài liệu đề cập.

Bước 3: Hệ thống các chi tiết quan trọng

Sau khi học xong mỗi tác phẩm, cô Phạm Thị Thanh Nhàn cho biết thường yêu cầu học sinh hệ thống lại các chi tiết quan trọng. Mục đích để học sinh một lần nữa đọc lại tác phẩm, từ đó khắc sâu hơn những vấn đề chủ yếu của tác phẩm.

Bước 4: Phân loại chi tiết quan trọng

Sau khi học xong một chùm bài (một chuyên đề), giáo viên hướng dẫn học sinh phân loại các chi tiết quan trọng. Cách phân loại có thể tham khảo Tài liệu tập huấn ôn thi tốt nghiệp năm 2013 của tác giả Trần Xuân Trà.

Bước 5: Xác định chi tiết, hình ảnh then chốt

Trong số những chi tiết đã hệ thống ở trên, giáo viên hướng dẫn học sinh xác định chi tiết, hình ảnh đặc biệt, có ý nghĩa then chốt với mạch truyện và góp phần quan trọng trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Đó là những chi tiết, hình ảnh có thể bàn luận dưới dạng bài văn nghị luận.

Cô Phạm Thị Thanh Nhàn nêu ví dụ: Tác phẩm Hai đứa trẻ – Thạch Lam cần lưu ý đặc biệt các chi tiết, hình ảnh: ngọn đèn con của chị Tí, đoàn tàu đi qua phố huyện vào mỗi đêm.

Tác phẩm Chí Phèo – Nam Cao cần chú ý chi tiết, hình ảnh: Bát cháo hành của Thị Nở, giọt nước mắt của Chí Phèo, cái lò gạch bỏ không….

Tác phẩm Vợ chồng A Phủ Tô Hoài cần chú ý chi tiết, hình ảnh : Tiếng sáo đêm xuân, giọt nước mắt của A Phủ……

Tác phẩm Vợ nhặt – Kim Lân cần chú ý chi tiết, hình ảnh: Bát bánh đúc, nồi cháo cám (chè khoán), đoàn người phá kho thóc Nhật và lá cờ đỏ.v.v.

Tác phẩm Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành cần chú ý chi tiết, hình ảnh: Lời nói của cụ Mết “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”, bàn tay Tnú, rừng xà nu bạt ngàn (cuối tác phẩm).v.v

Tác phẩm Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi cần chú ý chi tiết, hình ảnh: cuốn sổ gia đình, lời khen của chú Năm với Việt và Chiến, chị em Việt và Chiến khiêng bàn thờ ba má sang gửi chú Năm.v.v.

Giáo viên yêu cầu học sinh về nhà tìm hiểu kĩ những tài liệu viết về chi tiết, hình ảnh đó; làm cơ sở hướng dẫn học sinh cách làm bài văn nghị luận về hình ảnh, chi tiết nổi bật trong tác phẩm.

Bước 6: Phân loại các dạng đề về chi tiết

Các dạng đề về chi tiết được cô Phạm Thị Thanh Nhàn phân loại như sau:

Dạng đề nghị luận về chi tiết xuất hiện một lần trong tác phẩm.

Dạng đề nghị luận về những ý kiến bình luận chi tiết, hình ảnh.

Dạng đề nghị luận về chi tiết xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm.

Dạng đề nghị luận về các chi tiết, hình ảnh có liên quan xuất hiện trong các tác phẩm.

“Những năm gần đây, tôi có chú ý về dạng đề bàn luận những ý kiến đánh giá về các chi tiết, hình ảnh. Ở mỗi dạng đề đều có những bước (thao tác) chung của dạng đề về chi tiết; đồng thời cũng có những lưu ý riêng (liên quan đến các dạng đề nghị luận khác như dạng đề so sánh, dạng đề bình luận ý kiến)” – Cô Phạm Thị Thanh Nhàn chia sẻ thêm.

Hải Bình

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...