Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Cô giáo tiểu học chia sẻ phương pháp dạy vẽ con vật bất ngờ, thú vị

Cô giáo tiểu học chia sẻ phương pháp dạy vẽ con vật bất ngờ, thú vị

GDTĐ – Với những cách dưới đây, giáo viên có thể giúp học sinh biết cách vẽ con vật từ đơn giản đến phức tạp thông qua các cách vẽ kết hợp tưởng tượng từ các con số, chữ cái, vân tay…; đồng thời thích thú với cách tạo hình mới lạ.

Cách thứ nhất: Vẽ con vật tạo dáng từ số, chữ cái

Khi bắt đầu quan sát hình ảnh, tranh mẫu, về con vật, bằng phương pháp gợi mở, vấn đáp giáo viên giúp học sinh nắm bắt được đặc điểm cơ bản của con vật theo từng dáng hoạt động để phán đoán nó giống con số hay chữ cái nào.

Từ hình dáng tương đồng giữa dáng con vật và số, chữ, giáo viên hướng dẫn cho các em viết số và vẽ tạo dáng các bộ phận phù hợp và chi tiết hơn cho con vật. Các em sẽ biết cách vẽ con vật từ đơn giản đến phức tạp thông qua các cách vẽ kết hợp tưởng tượng đó.

Qua cách vẽ này, kết hợp minh họa bảng nhanh nhẹn sôi nổi của giáo viên các em thấy vẽ con vật là hết sức đơn giản. Chú ý, khi minh họa tạo dáng cho con vật, giáo viên nên dùng hai màu khác nhau để học sinh dễ quan sát.

Nhất là những học sinh nhận thức chậm, khi giáo viên minh họa nhanh mà không dùng hai màu để phân biệt giữa số hoặc chữ cái áp dụng cho hình vẽ với những đường nét vẽ thêm để tạo dáng con vật thì khi giáo viên minh họa xong học sinh rất khó tưởng tượng để áp dụng cho mình.

Ví dụ bài 22, vẽ vật nuôi trong nhà (lớp 1), giáo viên cho học sinh quan sát hình ảnh các con vật với các tư thế khác nhau và đặt câu hỏi: Các em thấy những con vật nuôi này có quen thuộc với chúng ta không (chó, mèo,vịt, gà..)? Chúng gồm những bộ phận chính gì thế nhỉ (đầu, mình, chân, đuôi)?

Hãy thảo luận nhóm xem dáng con vật đi (ngồi, chạy…) giống với con số (chữ cái) nào? (Con chó, mèo ngồi giống số 61, con vịt bơi giống số 2, gà con giống số 8 nằm ngang, số 0 vẽ cá.. chữ s tạo dáng cho vịt, 2 chữ o tạo dáng cho lợn, chữ h vẽ được chú mèo đang đi…). Sau đó, hướng dẫn học sinh vẽ theo ví dụ sau:

 Cách hai: Vẽ con vật bằng vân tay

Cách vẽ này vừa sáng tạo lại dễ vẽ, có ưu điểm là không phải vẽ màu; phù hợp với học sinh đã có thói quen sử dụng màu nước nên đã biết cách giữ vệ sinh sách vở và vệ sinh chung cho lớp học.

Sau khi quan sát và tìm hiểu, lựa chọn được con vật mình yêu thích, việc lựa chọn màu sắc phù hợp là rất quan trọng nên hướng cho các em dùng các màu nhẹ nhàng, tươi sáng.

Kỹ thuật in đòi hỏi học sinh pha màu không được quá loãng, quá đặc mà màu pha phả hơi sánh, lượng màu ít tránh lãng phí.

Để thực hiện tạo dáng được con vật mà mình yêu thích, học sinh tưởng tượng xem những con vật đó hình dáng ra sao, cách in vân tay như thế nào là phù hợp nhất. Lăn đều, nhẹ đầu ngón tay vào màu, xác định vị trí hình con vật định tạo dáng trên giấy rồi lăn tay trên giấy để màu thấm đều, rõ hình vân tay.

Sau khi con vật được tạo dáng cơ bản xong, hướng dẫn các em vẽ viền hình lại theo mép ngoài của hình, vẽ thêm những chi tiết bộ phận phụ cho con vật. Khi viền hình xong thì con vật cũng là hoàn thành vì màu sắc chính là vân tay đã in.

Ví dụ, bài 31 vẽ tranh đề tài các con vật (lớp 3): Sau khi quan sát, tìm hiểu về các con vật, giáo viên gọi học sinh xem mình muốn vẽ con vật gì. Khi đã thâu tóm ý tưởng của học sinh, giáo viên cho tổ chức thực hành theo nhóm bằng trò chơi ”Năm ngón tay ngoan”:

Tay xinh, tay ngoan để làm gì? (để lao động, làm việc, để sáng tạo ra cái đẹp)? Tay xinh, tay ngoan còn biết làm gì? (giữ gìn vệ sinh). Bàn tay khéo léo của chúng ta không chỉ biết cầm bút mới vẽ ra các sản phẩm đẹp mà trực tiếp những ngón tay xinh xắn ấy chỉ cần trạm nhẹ nhàng vào màu và in ra những trang giấy trắng kia đã tạo ra những hình ảnh cây cối hay con vật hết sức sinh động.

Giáo viên nói kết hợp làm mẫu cho học sinh xem:

Giáo viên làm mẫu: Vẽ con sâu từ sự kết hợp in vân tay liên tiếp của các đầu ngón tay út tạo thành thân, đầu sẽ dùng ngón tay to hơn. Cô nàng bướm xinh xắn được tạo ra từ thân là dấu của ngón út, cánh tạo bởi ngón cái ( chú ý cánh mỏng ta in nhẹ tay hơn cho mềm mại). Chú gà con được tạo ra từ hai dấu tròn của hai đầu ngón tay to nhỏ khác nhau….Khi in hình xong, các em tiến hành dùng màu nước, bút chì hoặc sáp màu viền phía ngoài để tạo hình cho con vật rõ nét hơn.

Cho học sinh pha màu và thực hành theo nhóm để mỗi nhóm sẽ có nhiều hình các con vật khác nhau, tạo thành bức tranh về các con vật đa dạng và hấp dẫn.

Cách ba:Vẽ các con vật bằng các hình học cơ bản

Ngay từ khi quan sát nhận xét, tôi đã hướng dẫn các em xem các hình ảnh hay bộ phận chính của đối tượng có thể giống hình gì. Minh họa bảng, giáo viên hướng dẫn học sinh vẽ hình dáng chung bằng những hình học đơn giản như hình tròn, hình trứng, hình tam giác…

Khi quy tất cả về những hình đơn giản thì việc xác định hình để vẽ rất dễ; sẽ kích thích vào trí tưởng tượng của trẻ, làm cho trẻ cảm thấy đơn giản và rất muốn vẽ. Khi hướng dẫn cũng lưu ý cho các em vẽ bước tìm hình nhẹ tay vì nếu sửa không khéo hình sẽ cứng.

Ví dụ bài 19 vẽ gà (lớp 1): Giáo viên hướng cho các em các bộ phận chính về hình đơn giản như đầu hình tròn, người hình trứng to, đùi như hai hình tam giác:

Cô Phạm Thị Lựu – Trường Tiểu học Trần Cao (Hưng Yên)

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...