Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Để học sinh THCS không lúng túng trước bài toán hình

Để học sinh THCS không lúng túng trước bài toán hình

GDTĐ – Trên thực tế, nhiều học sinh làm quen với bộ môn hình học rất chậm, đặc biệt là hình chuyên. Các em không linh hoạt trong vận dụng các kết quả đã học, đã được biết để giải một bài tập tiếp theo có nét tương tự; hoặc hay nhầm lẫn giữa các bài toán có dữ liệu na ná giống nhau.

Để cho học sinh đỡ lúng túng trước một bài toán hình học, giáo viên cần chú ý giúp học sinh: Nắm được các khái niệm hình học, từ đó định nghĩa được chúng và xác định được các tính chất, định lý có liên quan; kỹ năng vẽ hình phải thành thạo, chính xác; có kỹ năng vẽ đường phụ; hình thành các phương pháp tư duy như đặc biệt hóa, tổng quát hóa, tương tự hóa, phân tích, tổng hợp …

Đối với giáo viên, muốn dạy tốt phải nắm thật chắc kiến thức, tự học, tự nghiên cứu tài liệu và sách tham khảo. Trong quá trình dạy, giáo viên phải làm cho học sinh thấy được bản chất của vấn đề, của kiến thức cần lĩnh hội. Khi cần, giáo viên phải biết biến các ngôn ngữ toán học về ngôn ngữ thông thường và ngược lại để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ.

Cùng với đó, cần dạy học sinh cách tư duy khi giải toán; dạy tới tầm, không quá khó hoặc quá dễ. Khi dạy, giáo viên phải biết chia nhỏ bài toán để học sinh có thể giải quyết từ dễ đến khó; sau đó bỏ bớt những câu dễ để học sinh tự giải quyết câu khó hơn, hình thành kỹ năng giải bài toán tổng hợp có các bước trung gian.

Mỗi bài toán, giáo viên nên hướng dẫn học sinh tìm nhiều cách giải, sau đó cho các em tự nhận xét cách nào là tối ưu nhất.

Để tạo cho học sinh sự say mê học toán, bản thân giáo viên cũng phải say mê môn toán, say mê dạy, say mê học hỏi và phải luôn tự hoàn thiện phương dạy học nhằm tạo sức hút đối với học sinh và đổi mới.

Sau đây là giải pháp giúp học sinh đỡ lúng túng trước môn hình học giáo viên có thể tham khảo:

Thứ nhất: Đưa ra bài tập cho học sinh với hệ thống câu hỏi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Trong đó những câu hỏi dễ là cầu nối giúp học sinh giải quyết vấn đề khó ở câu tiếp theo. Đưa ra những bài tập được xem như bài toán “gốc”.

Thứ hai: Thay đổi một số dữ liệu ở kết luận của bài toán và cho học sinh tự giải quyết bài toán mới dựa trên cơ sở bài toán đã làm.

Thứ ba: Thay đổi giả thiết của bài toán giữ nguyên kết luận yêu cầu học sinh giải quyết vấn đề. Từ đó, giúp học sinh có thể tư duy linh hoạt và khi gặp một bài toán nào đó các em có thể tự mình thay đổi, khai thác dữ kiện để có nhiều bài toán khác nhau, trên cơ sở đó hình thành khả năng suy luận lôgic.

Thứ tư: Cùng một giả thiết, khai thác triệt để bài toán bằng nhiều hệ thống câu hỏi khác nhau, gom nhiều bài tập đơn lẻ trong một bài toán tổng hợp, từ đó giúp học sinh có một cách nhìn khái quát hơn khi làm bài. Đặc biệt giúp các em có khả năng khái quát , khả năng tổng hợp và đặt bài toán mới .

Bằng việc giúp cho học sinh làm quen với hình học từ từ, thông qua hệ thống bài tập gợi mở được sắp xếp có trình tự, chắc chắn học sinh sẽ thích thú hơn với hình học.

Đặng Thị Tuần – THCS Lê Quý Đôn (Nam Định)

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...