Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Đề tham khảo đòi hỏi sự sáng tạo

Đề tham khảo đòi hỏi sự sáng tạo

GDTĐ – Ngay sau khi Bộ GDĐT công bố bộ đề tham khảo thi THPT quốc gia 2017, nhiều giáo viên tại TPHCM nhận định: Bộ đề có tính phân hóa cao, nhiều câu hỏi gắn với thực tế.

Phần lớn các đề nhấn mạnh vào yêu cầu vận dụng tư duy chứ không đơn thuần học thuộc lòng. Ở mỗi đề, các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, không đánh đố HS, qua đó sẽ giúp các em có những thuận lợi trong làm bài, tâm lý thoải mái hơn khi làm bài.

Sự phân hóa rất rõ ràng

Thầy giáo Trần Văn Toàn, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Marie Curie (quận 3) đánh giá: Đề tham khảo môn Toán lần này có những điểm khác so với bộ đề minh họa thi THPT của năm 2015 và 2016 của Bộ GDĐT. Khoảng 30 câu hỏi đầu khá dễ, những câu hỏi sau tăng độ khó lên. Cách sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó rất thuận lợi cho học sinh khi làm bài, học sinh chỉ cần nhìn là tìm ra được đáp án hoặc bấm máy tính là ra.

Về mặt nội dung, đề Toán từ những câu 45 trở đi sự phân hóa rất rõ rệt, đòi hỏi những học sinh phải tư duy tốt, có sự thông minh nhạy bén trong làm bài để đạt điểm cao. Điều này cho thấy, tính phân hoá để đáp ứng hai mục tiêu vừa xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển ĐH của kỳ thi. Dạng đề này giúp đánh giá được HS yếu, trung bình, khá giỏi rất rõ rệt. Với đề này, nếu các em HS học tốt môn Toán và tập dượt nhiều với đề trắc nghiệm môn này sẽ đảm bảo thời gian làm bài. Còn những em vẫn quen với cách làm bài tự luận mà không có kỹ năng làm bài tự luận sẽ khó để đảm bảo về mặt thời gian làm bài.

Ở môn Hóa học, thầy Lương Công Thắng, Tổ trưởng tổ Hóa, Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú) nhận định: Đề tham khảo được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó. Theo đó, nội dung nằm toàn bộ trong chương trình lớp 12 với khoảng 60% lý thuyết – 40% bài tập. Vì vậy, các em HS phải nắm vững kiến thức, bao quát hết nội dung và không thể học tủ được. Đề thi có mức phân hóa cao, kiểm tra được kiến thức, kỹ năng làm bài của HS. Và sự phân hóa này thì chỉ những HS thật sự xuất sắc mới đạt được điểm 9 – 10.

Ngoài ra, thầy Công Thắng cũng đánh giá cao đề tham khảo môn Hóa vì đưa ra những câu hỏi suy luận, phải tư duy, đòi hỏi học sinh phải biết kiến thức trong phòng thí nghiệm, chẳng hạn như câu thu khí. Những câu hỏi dạng này không phải để phân loại khá giỏi mà chủ yếu kiến thức không nằm trong sách vở hay học thuộc lòng mà yêu cầu tính tư duy phải cao.

Còn với đề tham khảo môn Ngữ văn, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân, (quận 1) nhận xét: So với đề thi minh họa của hai năm trước, đề thi tham khảo lần này không khác nhiều lắm về mặt cấu trúc. Tôi rất tâm đắc với những câu hỏi ở phần đọc hiểu. So với đề thi của năm 2016, 2015, các câu hỏi ở phần đọc hiểu đã có sự thay đổi, thực sự phù hợp với HS lớp 12, với cách hỏi theo cách khác, hay hơn. Khác với các câu hỏi về phong cách ngôn ngữ, biện pháp tu từ… như trước đây.

Ở phần làm văn, câu 1 (2 điểm) viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ tôi nghĩ cần nâng lên khoảng 300 – 400 chữ để HS được thể hiện nhiều hơn. Còn ở câu 2 (5 điểm), đây là điểm khá mới so với các đề năm trước, năm trước phần này 4 điểm và câu hỏi có phần nhẹ nhàng hơn. Ở đây câu hỏi đưa ra 2 nhận định trái chiều nhau về 1 nhân vật và phân tích chúng, vì vậy thí sinh phải có kỹ năng làm các dạng bài này mới có thể đạt điểm cao.

“Có thể nói, tính phân hóa ở đề tham khảo môn Ngữ văn rất cao, điểm 5 là hoàn toàn nằm trong tầm tay của các em (để xét tốt nghiệp), còn để đạt điểm 7 – 8 (ngưỡng điểm xét tuyển vào ĐH) đòi hỏi các em phải thực sự học tốt bộ môn này. Về mặt thời gian gói gọn trong 120 phút thì đề khá khó, cho nên Bộ GDĐT có thể xem xét hạ mức độ khó trong đề” – thầy Đức Anh nêu ý kiến.

Nhiều câu hỏi hay, đòi hỏi sự sáng tạo

Thầy Phạm Văn Hào, giáo viên Địa lý, Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú), cho rằng, môn thi thành phần Địa lý có tính phân hóa cao, các câu hỏi sắp xếp từ dễ đến khó và nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12. Có những câu hỏi rất sát với thực tế hiện nay đó là lượng mưa TPHCM và Hà Nội, việc phát triển đánh bắt hải sản xa bờ hay là về số khách quốc tế, các loại tài nguyên…

Để đạt 5 – 6 điểm ở đề tham khảo, môn thi thành phần Địa lý không hề khó, các em chỉ cần ôn tập tốt và biết xem Atlat. Tuy nhiên, để đạt điểm 8 – 9 lại là câu chuyện khác, đòi hỏi các em nắm vững kiến thức cũng như biết cách liên hệ và tư duy tốt ở môn này để hoàn thành môn thi với thời gian 50 phút.

Thời gian qua, theo thầy Hào, thầy cô giáo bộ môn Địa lý đã có sự chuẩn bị ôn tập kỹ lưỡng cũng như cho HS làm thử một số đề dựa trên tinh thần của đề thi minh họa. Vì vậy, theo đánh giá, ở môn thi này các em HS sẽ khá tự tin cũng như không có quá nhiều lo lắng với các câu hỏi dù đây là năm đầu tiên bộ môn thi với hình thức trắc nghiệm.

Đối với môn thi thành phần Giáo dục công dân, cô Nguyễn Thị Hồng Châu, giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) tỏ ra rất tâm đắc với những câu hỏi hay. Theo cô, môn thi có nhiều câu hỏi gắn với thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống. Đó là những câu với các tình huống có thật trong đời sống xung quanh các em. 20 câu hỏi đầu các em làm sẽ rất nhanh và độ khó tăng lên dần. Đến các câu hỏi từ 117 đến 120 đây là những câu hỏi rất hay và đòi hỏi các em HS không chỉ nắm kiến thức bộ môn mà phải biết cách vận dụng nó vào thực tiễn. Điều này cho thấy sự phân hóa rất rõ rệt ở môn thi để phân loại học sinh. Để đạt điểm cao môn này, không chỉ nắm vững kiến thức, các em còn phải có sự linh hoạt, biết tư duy và ứng dụng vào thực tiễn.

“Tôi đánh giá cao bộ đề tham khảo của Bộ GDĐT. Có thể nói từ bộ đề này việc dạy học cho các em không còn dừng lại ở đọc chép, học thuộc những kiến thức của môn học mà đòi hỏi giáo viên phải chủ động trong đổi mới dạy học. Qua đó, giúp các em dù đã kết thúc chương trình học nhưng các kiến thức vẫn luôn được vận dụng trong thực tiễn, ứng dụng hữu ích cho đời sống hằng ngày của các em sau này…” – cô Nguyễn Thị Hồng Châu nhận xét.

Thảo Nguyên (ghi)

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...