Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Giải pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tích hợp

Giải pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tích hợp

GDTĐ – Chương trình đào tạo giáo viên phổ thông chỉ nhằm đào tạo giáo viên dạy một hoặc hai môn đã làm giảm khả năng phát triển và thích ứng của giáo viên trong thực tiễn hoạt động dạy học khi chương trình giáo dục thay đổi.

Cần nhanh chóng sắp xếp, thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên

Theo TS Phạm Thị Kim Anh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), giải pháp khả thi có thể giải quyết những bất cập trên là các trường đại học sư phạm nhanh chóng sắp xếp, thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên theo hướng tích hợp; tổ chức đào tạo sinh viên theo chương trình đó để họ có khả năng dạy tích hợp một số môn học cùng lĩnh vực.

Các giáo viên đào tạo theo một trong các chương trình cử nhân trên có thể làm giáo viên đứng lớp cho tất cả các lớp của chương trình phổ thông.

Chương trình cử nhân đào tạo giáo viên dạy tích hợp là chương trình đào tạo 4 năm gồm 210 đơn vị học trình (hoặc 140 tín chỉ). Các khối kiến thức sẽ được phân thành khối kiến thức chung, khối kiến thức cơ bản, khối kiến thức cơ sở cốt lõi và khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm. Trong đó, đặc biệt coi trọng kiến thức nghiệp vụ sư phạm.

Nguyên tắc chung của việc thiết kế chương trình đào tạo theo hướng tích hợp nên theo là: Các môn học được modul hóa thành các học phần gần gũi nhau để có thể dùng chung cho nhiều chương trình và dễ dàng tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ. Theo đó, các mô đun được tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp.

Đây là sự thay đổi căn bản về chương trình đào tạo so với cách dạy truyền thống trước đây và điều này tất yếu đòi hỏi giảng viên sư phạm phải đổi mới, lựa chọn phương pháp sư phạm phù hợp, cách thức tổ chức dạy học để nhằm đạt được mục tiêu đào tạo.

Trong các modul, kiến thức cần rộng, cốt lõi sâu vừa đủ để tạo cho sinh viên có tiềm năng tự học, tự phát triển. Các môn học cần có chương trình chi tiết được soạn kỹ và ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài tập để đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao trong dạy và học.

Trong thực hiện chương trình đào tạo, bản thân giảng viên phải là người tích hợp được các lĩnh vực kiến thức liên quan đến nội dung trong cùng một bài học, một môn học; tích hợp giữa dạy lý thuyết với thực hành, tích hợp được các phương pháp, hình thức tổ chức, phương tiện dạy học.

Chính cách dạy tích hợp của người giảng viên sư phạm sẽ trực tiếp là phương tiện, là khuôn mẫu để rèn kỹ năng dạy tích hợp cho sinh viên – người giáo viên tương lai sau này.

Tập huấn giáo viên: Tránh kiểu “đi biển mùa hè nghe báo cáo”

Trong bồi dưỡng giáo viên, quan điểm của TS Phạm Thị Kim Anh là trước hết, cần biên soạn các tài liệu về dạy học tích hợp để phổ biến, trang bị cho đội ngũ giáo viên phổ thông những lý luận và thực tiễn về dạy học tích hợp. Những tài liệu này cần được viết dưới dạng như những cẩm nang để giáo viên dễ vận dụng, tránh hàn lâm, lý thuyết.

Cùng với đó, thiết kế một số giáo án mẫu, các tiết dạy minh họa thể hiện cách thức dạy học tích hợp để giáo viên học tập, vận dụng;

Tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn cho tất cả giáo viên các cấp và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục về dạy học tích hợp. Việc tổ chức bồi dưỡng cần đi vào cái cụ thể, thiết thực, đáp ứng yêu cầu của giáo viên, tránh tình trạng lý luận chung chung hoặc theo kiểu“đi biển mùa hè nghe báo cáo” trong vài ba buổi.

Chú trọng việc bồi dưỡng giáo viên tại đơn vị cơ sở, trong đó hướng giáo viên đi vào con đường tự học, tự nghiên cứu để có thể vận dụng dạy học tích hợp trong bộ môn của mình. Đây là một trong những biện pháp quan trọng, có tác dụng quyết định trực tiếp đến năng lực dạy học của giáo viên.

Điều cũng vô cùng quan trọng là phát huy chức năng của các trường sư phạm trong công tác bồi dưỡng giáo viên và phải coi đây là lực lượng nòng cốt, chủ yếu trong công tác bồi dưỡng giáo viên.

Trường phổ thông: Những điều kiện cơ bản để thực hiện dạy học tích hợp

Khẳng định việc dạy học tích hợp không đơn giản, vì từ lâu các trường sư phạm chỉ quen đào tạo giáo viên dạy các môn học riêng rẽ, TS Phạm Thị Kim Anh cho rằng, để thực hiện dạy học tích hợp, thứ nhất đòi hỏi phải thiết kế lại chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo hướng tích hợp.

Chương trình được cấu trúc theo các nhóm bài học, các môdun có nội dung gần gũi. Việc sắp xếp như vậy sẽ giúp người học nhanh chóng hình thành kỹ xảo nhờ việc sớm được tái hiện lại kỹ năng mới được hình thành ở các môdun, bài học trước đó.

Thứ hai, phải chuẩn bị chu đáo về đội ngũ giáo viên giảng dạy theo hướng tích hợp. Muốn vậy, phải nhanh chóng tổ chức các khóa đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cho các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về dạy học tích hợp.

Thứ ba, cần biên soạn tài liệu, giáo án mẫu về cách thức tổ chức dạy học tích hợp để giáo viên tham khảo.

Thứ tư, tạo dựng môi trường dạy học tích hợp, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị để dạy tích hợp.

Thứ năm, việc dạy học tích hợp ở các trường phổ thông không chỉ liên quan với việc thiết kế nội dung chương trình mà còn đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ về cách tổ chức dạy học, phương pháp dạy học, thay đổi việc đánh giá, kiểm tra, thi. Nếu không thay đổi đồng bộ các yếu tố này thì dạy học tích hợp khó thực hiện được một cách có hiệu quả.

“Cuối cùng, các điều kiện này sẽ là chưa đủ nếu trường sư phạm chưa đi trước một bước trong việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên và xây dựng được đội ngũ giảng viên cốt cán trong việc bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên phổ thông” – TS Phạm Thị Kim Anh nhấn mạnh.

Hải Bình (ghi)

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...