Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Giáo viên Phần Lan chia sẻ về nền giáo dục không áp lực

Giáo viên Phần Lan chia sẻ về nền giáo dục không áp lực

GDTĐ – Giáo dục Phần Lan được coi là một trong những hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới, trong top đầu của PISA và được công nhận trong một khoảng thời gian dài.

Điều gì đã làm cho nền giáo dục Phần Lan thành công đến như vậy? Dưới đây là chia sẻ của cô Hanne Torvinen – cử nhân Giáo dục quốc tế – đến từ Trường ĐH Oulu (Phần Lan).

Trường học miễn phí từ tiểu học đến đại học

Ở Phần Lan, tôn chỉ của ngành Giáo dục chính là: “Không có đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau”. Điều này có nghĩa là dù trong bất kì hoàn cảnh nào, đứa trẻ đó sẽ được giáo dục giống như mọi đứa trẻ khác. Nói cách khác, khu vực sinh sống hay thu nhập nhập của cha mẹ sẽ không ảnh hưởng đến nền giáo dục.

Trường học miễn phí cho tất cả mọi người từ tiểu học cho đến đại học. Các bữa ăn trưa là miễn phí. Trường mầm non bắt đầu từ mẫu giáo cho đến 6 tuổi và tiểu học bắt đầu từ 7 tuổi.

Trình độ của giáo viên ở đây được đánh giá rất cao và bạn không thể dạy nếu không có bằng thạc sĩ. Trên thực tế chỉ có 10% đạt được trình độ này, mục đích của việc này là tăng chất lượng dạy học.

Ở Phần Lan, chúng tôi tin rằng, mọi đứa trẻ nên được khuyến khích làm theo sở thích của chúng và người lớn coi trẻ như những cá thể độc lập. Người Phần Lan nghĩ rằng mọi đứa trẻ đều có thế mạnh riêng của mình, do đó xem trọng mọi tài năng của đứa trẻ…

Ví dụ như một đứa trẻ học giỏi âm nhạc cũng được xem trọng như một đứa trẻ học giỏi toán. Thêm vào đó, vì mỗi học sinh có khả năng khác nhau và các cách học khác nhau nên chúng ta không thể bắt học sinh học theo một khuôn mẫu.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của trò chơi

Cô Hanne Torvinen cho biết, chương trình giáo dục của Phần Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của trò chơi. Thông qua việc chơi, trẻ em được dạy những điều quan trọng như khả năng sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, sự tự tin và tính linh hoạt.

Người Phần Lan cho rằng khi một đứa trẻ đang chơi hoặc đang tập trung vào đó thì không nên bị quấy rầy vì khi đó đứa trẻ đang thật sự suy nghĩ và học cách làm việc đó.

Giáo viên tham gia vào việc chơi và vai trò của họ là tạo ra một môi trường an toàn cho trẻ em chơi

Trường mầm non là bước đệm khởi đầu cho cuộc sống trường học sau này. Tuy nhiên, một ngày chỉ có một giơ cho giảng dạy.

Cô Hanne Torvinen đến từ Trường ĐH Oulu (Phần Lan) 

Môi trường học tập thư giãn

Ở Phần Lan, tại các trường tiểu học có 75 phút cho giờ nghỉ mỗi ngày. Điều đó có nghĩa rằng, có 15 phút nghỉ giải lao giữa các tiết học và có một giờ nghỉ kéo dài 30 phút sau bữa ăn trưa.

Nếu học sinh có thể chơi một cách thoải mái và tận hưởng không khí trong lành giữa các giờ học thì sẽ dễ dàng để tiếp thu bài học hơn. Những giờ giảo lao này đều có sự quản lí và trẻ được khuyến khích ra ngoài để tận hưởng không khí trong lành

Bài tập về nhà được giới hạn cho đến khi lên trung học và những bài tập chỉ kéo dài tối đa 30 phút mỗi ngày. Hơn nữa không có những bài kiểm tra tiêu chuẩn cho đến khi học sinh học trung học. Điều đó có nghĩa rằng, học sinh sẽ có những kì thi riêng theo chương trình giảng dạy do chính giáo viên của họ thực hiện. Kì thi đầu tiên và duy nhất là vào cuối năm trung học.

Người Phần Lan tin rằng, sự chủ động tiếp thu và các kỹ năng giải quyết vấn đề quan trọng hơn là ngồi im và nghe giảng. Điều này cho phép học sinh trở nên độc lập về suy nghĩ.

Ở Phần Lan, việc học sinh đưa ra các câu hỏi cho giáo viên hay những thử thách là điều rất đáng khen ngợi. Điều đó có nghĩa là đứa trẻ đang nghĩ và cố gắng giải quyết vấn đề

Một trong những mục đích quan trọng trong việc học tập ở trường học của Phần Lan là trở thành một công dân tốt, đó là học và tôn trọng các quy tắc.

Để chuẩn bị tương lai cuộc sống sau này cho học sinh cần chuẩn bị rất nhiều thời gian và có một điều cần nhớ rằng, học tập không chỉ xảy ra trong trường. Sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường rất quan trọng. Hành động của bố mẹ chính là tấm gương cho con cái noi theo.

Có thể dạy nhiều môn cùng lúc

Phần Lan gần đây đã chuyển hướng theo hướng học tập dựa trên hiện tượng. Điều đó có nghĩa là sự hứng thú của trẻ được đề cao và có thể dạy nhiều môn cùng một lúc.

Ví dụ, nếu chúng ta học về núi lửa thì chúng ta có thể học về lịch sử (những trận động đất xảy ra trong quá khứ), địa lí (nơi nào xảy ra và tại sao ), nghệ thuật (tạo ra một ngọn núi lửa)…

Mục đích của việc này nhằm giúp cho học sinh thoát ra khỏi những quyển sách mà thay vào đó chúng có thể học theo nhóm hay thông qua nhiều cách khác nhau.

Làm việc theo nhóm giúp cho học sinh chuẩn bị tâm lí cho cuộc sống mà sau này chúng phải hợp tác với những người khác nhau.

Hải Bình (ghi)

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...