Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Giúp giáo viên vùng khó dạy

Giúp giáo viên vùng khó dạy

GDTĐ – Thạc sỹ Nguyễn Hạnh Đào – Viện Ngoại ngữ (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), gợi ý một số phương pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy – học tiếng Anh cho vùng khó.

Nguyên tắc dạy tiếng Anh ở vùng khó

Theo thạc sỹ Đào, để thành công trong việc tích hợp các kỹ năng ngôn ngữ trong một giờ học tiếng Anh bậc THCS, giáo viên cần có kinh nghiệm giảng dạy đối tượng học sinh này, năng lực sáng tạo, sự kiên trì và nhất quán trong việc tổ chức các hoạt động học tập trên lớp và ôn tập ở nhà. Nói cách khác, họ cần tuân thủ các nguyên tắc khi dạy tiếng Anh ở bậc học này như:

– Sử dụng giáo cụ trực quan, hình ảnh để giải thích thay vì dùng lời

– Dùng ngôn ngữ phi lời nói, làm mẫu (Body language) hỗ trợ ngôn ngữ bằng lời

– Dạy và tạo cơ hội thực hành khai thác các công cụ hình ảnh (graphic organizers) hạn chế giải thích bằng lời nói giúp học sinh rèn luyện kỹ năng suy luận, khái quát hóa và các kỹ năng phát triển tư duy cao cấp (high-order thinking skills);

– Diễn đạt theo nhiều cách khác nhau với tốc độ chậm và thay đổi ngữ điệu nhấn mạnh những hướng dẫn và chỉ dẫn (instructions) giúp học sinh hiểu và thực hiện hoạt động học tập đúng yêu cầu

– Hình thành nền nếp học tập (daily routines) trên lớp

Hình thành và rèn luyện kỹ năng làm việc trong các nhóm học tập tương hỗ (Cooperative learning groups) và theo cặp (pair-share) nhằm tăng cơ hội cho học sinh hỗ trợ, trao đổi thông tin và sáng tạo thực hiện các hoạt động học tập

– Động viên và sử dụng tiếng Anh trên lớp để tạo môi trường và phản xạ tư duy và sử dụng tiếng đích trên lớp, và chỉ dùng tiếng mẹ đẻ khi cần kiểm tra, đối chiếu xem các em có hiểu bài không.

– Áp dụng đa dạng các phương pháp kiểm tra đánh giá quá trình dựa vào năng lực thực hành (ongoing performance-based assessments) như thuyết trình, portfolio, dự án, bài kiểm tra ngắn, đóng vai, mô phỏng v.v…

– Phát triển các kỹ năng hòa nhập cộng đồng toàn cầu của những công dân thế kỷ 21 bên cạnh việc rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ, nâng cao hiểu biết về ngôn ngữ và thế giới.

Khai thác tối đa các hoạt động học tập trong SGK

Bên cạnh đó, theo thạc sỹ Đào: Việc dạy – học tiếng Anh THCS vùng khó khăn phụ thuộc chủ yếu vào sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa dành cho giáo viên.

Đối với khu vực khó khăn, sách giáo khoa vẫn là công cụ hữu hiệu nhất để tiến hành việc dạy – học tiếng Anh THCS ở Việt Nam. Việc khai thác tối đa các hoạt động học tập trong cuốn sách giáo khoa một cách linh hoạt cho đối tượng học sinh là mục tiêu hàng đầu, chưa cần mở rộng thêm khai thác các nguồn lực khác.

Việc sử dụng bộ sách tiếng Anh do Bộ GDĐT ban hành đảm bảo tính thống nhất về chủ trương, đường lối và chính sách giáo dục ngoại ngữ trên toàn quốc vì bộ sách vừa bao hàm những đặc trưng của điều kiện dạy – học tiếng Anh của Việt Nam vừa giới thiệu các giá trị quốc tế nếu so sánh với các bộ sách được thiết kế và xuất bản bởi các nhà thiết kế và sản xuất nước ngoài.

Hơn nữa, bộ sách này phù hợp với khoảng 70% học sinh ở các vùng miền khác nhau ở Việt Nam với trình độ khởi điểm là chưa biết tiếng Anh và mục tiêu là đạt được bậc 2 trên 6 bậc trong Khung năng lực Ngoại ngữ Việt Nam.

Quan trọng hơn, để việc dạy –học tiếng Anh THCS thành công ở vùng khó khăn, giải pháp bền vững và có tác động lâu dài là hoàn chỉnh bộ tài liệu hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên dạy sách tiếng Anh 6, 7, 8, 9.

Vì Bộ sách đó được dùng cho việc dạy-học tiếng Anh tại các địa phương khác nhau, nhưng cần có bộ hướng dẫn cho bộ sách giáo khoa đó với đa dạng các hoạt động dạy-học ngoại ngữ giáo viên có thể sử dụng phù hợp cho đối tượng người học cụ thể.

Tuy nhiên, mỗi địa phương có đặc trưng khác nhau mà chỉ những tổ chức, cá nhân trong ngành giáo dục nơi đó nắm được; vì vậy, họ phải là những người tham gia vào việc soạn thảo bộ sách hướng dẫn cho giáo viên (Teachers’ Manuals).

Minh Phong (ghi)

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...