Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Giúp học sinh phòng, tránh tai nạn thương tích với các bài học tích hợp

Giúp học sinh phòng, tránh tai nạn thương tích với các bài học tích hợp

GDTĐ – Giáo dục môi trường an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích vô cùng quan trọng ở THCS.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải nâng cao năng lực giảng dạy tích hợp vào chủ đề cho giáo viên, giúp giáo viên hiểu được địa chỉ và bài học tích hợp giáo dục môi trường cho kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích.

Khẳng định điều này, TS Đào Thị Hồng Vân (Viện Nghiên cứu Sư phạm – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đồng thời đưa nhận định: Trong thực tế, việc dạy tích hợp các nội dung trên ở các trường THCS còn gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế, đặc biệt tích hợp vào các môn học.

Một trong những nguyên nhân là do bản thân giáo viên chưa nắm hết nội dung giáo dục môi trường an toàn – phòng tránh tai nạn thương tích một cách đầy đủ do nguồn thông tin tài liệu, đặc biệt là tài liệu mang tính chất chuyên đề.

Trong khi đó nguồn thông tin về giáo dục môi trường an toàn – phòng tránh tai nạn thương tích mà giáo viên có được hầu hết mang tính chất vụn vặt, không hệ thống.

Hơn nữa họ còn lúng túng và thiếu kĩ năng trong việc lồng ghép nội dung giáo dục môi trường an toàn – phòng tránh tai nạn thương tích vào các môn học.

Do vậy để nâng cao năng lực giáo dục môi trường an toàn – phòng tránh tai nạn thương tích cho giáo viên bằng cách bồi dưỡng kĩ năng dạy học tích hợp giáo dục môi trường an toàn – phòng tránh tai nạn thương tích với việc xây dựng một số bài học tích hợp với các môn học là vô cùng quan trọng.

Các “địa chỉ” tích hợp

Chương trình giáo dục lồng ghép tích hợp giáo dục môi trường an toàn – phòng tránh tai nạn thương tích THCS được xây dựng thông qua khai thác bài sẵn có trong chương trình giáo dục cho THCS.

Tùy thuộc vào nội dung của bài mà mức độ tích hợp sẽ khác nhau. Cụ thể, loại thứ nhất là tích hợp toàn phần (Khi mục tiêu, nội dung bài học hoàn toàn phù hợp với mục tiêu giáo dục môi trường an toàn – phòng chống tai nạn thương tích);

Loại thứ hai: Tích hợp một phần, khi chỉ có một bộ phận bài học có nội dung giáo dục phù hợp và có thể lồng ghép giáo dục môi trường an toàn – phòng chống tai nạn thương tích.

Loại thứ ba: Tích hợp liên hệ, khi nội dung và bài học có điều kiện liên hệ một cách logic với nội dung giáo dục môi trường an toàn – phòng chống tai nạn thương tích.

Địa chỉ tích hợp nội dung giáo dục môi trường an toàn – phòng chống tai nạn thương tích ở THCS nhiều nhất qua môn Giáo dục công dân. Ví dụ, ở có thể điểm tên các bài Giáo dục công dân lớp 6 có thể tích hợp nội dung này như: Tự tay chăm sóc, rèn luyện thân thể; Tôn trọng kỉ luật; Yêu thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên; Tích cực, tự giác trong hoạt động tập thể và trong hoạt động xã hội; Thực hiện trật tự an toàn giao thông; Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, thân thể, danh dự, nhân phẩm.

Hoặc với môn Địa lý lớp 8, bài “Vùng biển Việt Nam”, giáo viên có thể tích hợp nội dung không tham gia giao thông khi thấy có hiện tượng sương mù; không đi ra biển khi có hiện tượng thủy triều lên dữ dội.

Bài “Đặc điểm khí hậu Việt Nam”, có thể tích hợp nội dung: Không tham gia giao thông khi có gió, bão xuất hiện; cần vào nơi trú ẩn khi mưa dông có sấm sét; cần tắt các nguồn điện khi có mưa dông, sấm sét để đề phòng tai nạn.

Với môn Hóa học, bài “Tính chất của oxi”, giáo viên có thể tích hợp: Các chất khi cháy tỏa ra nhiều nhiệt, rất dễ bị bỏng. Đi qua hàn, xì thấy những tia lửa nhỏ bắn ra nên tránh xa không lại gần vì những tia lửa đó mang theo lượng nhiệt lớn dễ bỏng, thủng quần áo. Không tự ý dùng hóa chất, đổ các hóa chất vào lẫn nhau, giã đập hóa chất…

Hoặc bài “Không khí – sự cháy”, giáo viên có thể tích hợp: Trong không khí, khí oxi chỉ chiếm 1/5 thể tích không khí, còn lại là khí ni tơ là khí không duy trì sự cháy, sự sống nên khi bơi lội, vào những nơi hầm lò, trên cao, những nơi thiếu không khí cần có bình khí oxi dự phòng.

Xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tích hợp

Vì đặc điểm của mỗi trường, khả năng tiếp thu của học sinh và kinh nghiệm dạy học của giáo viên khác nhau nên theo TS Đào Thị Hồng Vân, xây dựng kế hoạch bài giảng chi tiết sẽ do từng giáo viên thực hiện phù hợp với hoạt động dạy học của họ.

Khi xây dựng kế hoạch bài học, giáo viên dựa vào nội dung tích hợp để soạn bài. Cần lưu ý một số điểm: Đảm bảo mục tiêu chính của bài học; cần lựa chọn phương pháp dạy học tích cực để tổ chức dạy các nội dung tích hợp giáo dục môi trường an toàn – phòng chống tai nạn thương tích.

Với các bài học tích hợp không cần tách riêng kế hoạch bài dạy cho phần tích hợp. Đối với các bài tích hợp ở mức độ tích hợp một phần (bộ phận) hay liên hệ, có thể đánh dấu, bôi đậm phần tích hợp.

Hải Bình

TIN LIÊN QUAN

  • Giải pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tích hợp
  • Yếu tố then chốt thực hiện thành công dạy học tích hợp
  • “Kho tư liệu” cho các trường dạy tích hợp môn Toán và các môn KHTN

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...