Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Góp ý cho ôn luyện thi trắc nghiệm môn Toán

Góp ý cho ôn luyện thi trắc nghiệm môn Toán

GDTĐ – Trước chỉ đạo của Bộ GDĐT tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 với phương thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán; thời gian gấp rút và với đặc điểm bộ môn Toán; căn cứ cấu trúc đề minh họa môn Toán Kỳ thi THPT quốc gia 2017, tôi xin đề cập một số nội dung trong quá trình dạy học, ôn thi môn Toán đáp ứng phương thức thi trắc nghiệm như sau:

Quán triệt chung

Nghiên cứu khai thác, mở rộng các nội dung, cấu trúc đề minh họa của Bộ GDĐT nên nhận thức rằng đây chỉ là đề thi minh họa chứ không phải đề mẫu do đó các thầy cô và các em không nên coi đây là “tủ”.

Sau mỗi nội dung dạy học, cần sưu tầm, sáng tạo những dấu hiệu nhận biết; các lưu ý, ghi nhớ; các thủ thuật, mẹo toán của các dạng toán. Dạy và rèn luyện cho HV nắm chắc kiến thức và vận dụng linh hoạt, có thể coi là một kỹ năng học tập cần thiết.

Tiếp tục dạy học ôn tập cho học sinh theo chuyên đề và rèn kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm tương ứng, trong đó cần:

– Sử dụng máy tính coi như là một phương án giải bài tập toán trắc nghiệm, nhưng không quan trọng hóa, chỉ coi là một phương tiện.

– Một số bài có thể sử dụng máy tính, nhưng nếu dùng phương pháp thông thường vẫn hiệu quả:

+ Ví dụ: Câu 8 ta tìm tọa độ của 3 điểm cực trị rất nhanh, thông qua tính đối xứng của đồ thị hàm số (ĐTHS), yêu cầu bài toán đưa về tính tích vô hướng của 2 véc tơ có phương vuông góc với nhau

+ Ví dụ: Câu 11 ta tính đạo hàm và xét dấu y 0 tìm nhanh được m

Kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm môn Toán

Một bài tập toán có thể khó tìm ra một lời giải, nhưng với một bài tập trắc nghiệm môn Toán tương tự có thể tìm ra lời giải nhanh chóng, thậm chí là có nhiều cách để hoàn thành bài toán trắc nghiệm, nếu như chúng ta hướng dẫn học sinh rèn luyện các kỹ năng sau:

1. Nắm chắc kiến thức cơ bản đặc biệt thuộc các ghi nhớ, dấu hiệu của các dạng toán.

Ví dụ: Các câu: 3; 4; 29; 30; 31; 36; 42; 43; 45. Đối với các câu này học sinh chỉ cần có kiến thức cơ bản đã suy nhanh ra đáp án.

2. Học sinh biết minh họa giả thiết bài toán qua hình vẽ, trên mặt phẳng tọa độ (MPTĐ). Liên tưởng đến vấn đề quen thuộc. (Điều này thể hiện khá rõ qua câu 1).

– Ví dụ: Câu 1 học sinh suy ra từ hình vẽ, biểu thị điểm M chạy trên ĐTHS.

– Ví dụ: Câu 2 học sinh biểu diễn trên MPTĐ, liên tưởng đến đường thẳng nằm ngang MPTĐ.

– Ví dụ: Câu 22 học sinh liên tưởng tính thể tích V đến số pi (ð) và có giá trị không âm là tìm được đáp án đúng.

3. Có thể lược bỏ qua phần tính toán, đi tắt đón đầu, lược qua lý luận, thiên về phương pháp kiểm nghiệm và phán đoán.

– Ví dụ: Câu 9: Thay lần lượt m = 0; 1; -1 vào hàm số, học sinh có thể suy đoán ngay trường hợp nào của m thì ĐTHS có tiệm cận ngang.

– Ví dụ: Câu 28: Học sinh có thể phán đoán tính thể tích V thì công thức có liên quan đến số pi (ð) và bình phương sẽ chọn ra đáp án đúng.

4. Chú ý: Mệnh đề bị đánh tráo; thay vì chọn đáp án đúng đề ra chọn đáp án sai, nhiều học sinh không đọc kỹ đề lại chăm chăm đi chọn đáp án đúng.

– Ví dụ: Câu 16.

5. Thường xuyên dùng phương án loại trừ; nếu chọn đáp án đúng mà một phần đáp án sai thì không chọn đáp án đó, ngược lại một nửa đáp án đúng chưa chắc đã đúng.

– Ví dụ: Câu 44.

6. Có khả năng phán đoán có cơ sở, rèn luyện khả năng tư duy tính toán nhanh.

– Ví dụ: Câu 5, 6, 7, 8, 11, 19.

Những chú ý khi ôn thi và làm bài thi trắc nghiệm môn Toán

1. Quán triệt học sinh cần tránh tình trạng cứ khoanh bừa cũng có thể đỗ tốt nghiệp theo kiểu “ăn may”.

2. Phải dạy học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, thuộc các ghi nhớ, các thủ thuật, các dấu hiệu nhận biết những dạng toán.

3. Tập trung dạy học theo chuyên đề, kết hợp với việc luyện mọi dạng bài trắc nghiệm của chuyên đề.

4. Phải rà soát lại những bài đã làm trước khi hết giờ và vét sách các câu còn lại, tránh tình trạng để sót câu không chọn đáp án.

5. Chuẩn bị tâm lý cho việc giải bài trong khoảng thời gian bắt buộc như trong phòng thi. Tập luyện nhiều với đề thi mẫu khi đã học qua phần kiến thức cơ bản và trước khi thi thật.

Những chú ý khi dạy học và kiểm tra đánh giá

1. Hoạt động dạy học vẫn diễn ra bình thường, không có gì thay đổi. Chỉ ở mỗi phần, mỗi bài giáo viên cần:

– Củng cố, mở rộng vấn đề thông qua hình thức trắc nghiệm.

– Rèn luyện kỹ năng làm bài trắc nghiệm môn Toán.

2. Dạy ôn trọng tâm vào những vấn đề cơ bản, phù hợp với trình độ học sinh.

3. Ra đề trắc nghiệm nội dung trọng tâm, đáp án phải có cơ sở, có độ gây nhiễu tốt. Tiến tới ở các bài kiểm tra, bài thi có phần trắc nghiệm chiếm tỷ lệ cao ở tất cả các khối.

Hy vọng qua bài viết này đã cung cấp một số tư liệu tham khảo để tăng cường đẩy mạnh phương pháp dạy và học môn Toán đáp ứng phương thức thi trắc nghiệm môn Toán trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Nguyễn Văn Huân (Sở GDĐT Ninh Bình)

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...