Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Hình ảnh con gà trong thơ ca dân gian

Hình ảnh con gà trong thơ ca dân gian

GDTĐ – Trong những gia cầm gắn bó thân thiết nhất với người lao động, con gà chiếm một vị trí đặc biệt. Gà là nguồn sinh lợi dễ nuôi, nên không có gia đình nông dân nào là không nuôi gà.

Hình ảnh đàn gà với đống rơm, với bụi khoai nước và khóm chuối, đã đem đến cho bức tranh gia đình một vẻ đẹp giản dị mà đầm ấm, tiêu biểu cho nông thôn Việt Nam.

Vì vậy, hình ảnh con gà đã đi vào trong lĩnh vực văn học nghệ thuật dân gian như: Hội họa, điêu khắc, truyện thần thoại, cổ tích và đặc biệt nhất là trong ca dao, tục ngữ mà trước hết là ở phương diện sản xuất, chăn nuôi.

Để cho việc chăn nuôi đạt nhiều thành quả, người nông dân đã truyền cho nhau kinh nghiệm chọn giống gà:

“Nuôi gà phải chọn giống gà/ Gà ri bé giống nhưng mà đẻ mau/ Nhất to là giống gà nâu/ Lông dày thịt béo về sau đẻ nhiều”.

Hoặc: “Gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua/ Gà trắng chân chì, mua chi giống ấy”.

Thịt gà là món ăn dân dã cổ truyền mà sang trọng. Miếng thịt gà nạc trắng, xé dọc thớ, rắc loáng thoáng dăm sợi lá chanh xanh, thêm vào một vài lát ớt đỏ cay nhè nhẹ, vừa tạo nên sự hài hòa về màu sắc, lại vừa là món ăn đầy hương vị.

Bằng cách nói dí dỏm, các tác giả dân gian đã truyền cho ta về kinh nghiệm ăn uống. Ăn loại thịt nào thì dùng gia vị ấy cho phù hợp, có như thế thì món ăn mới dậy mùi, thì con gà đã dành trọn cho mình gia vị lá chanh: “Con gà cục tác lá chanh”.

Gà không chỉ là một món ăn khoái khẩu mà còn là một vẻ đẹp tô điểm cho cuộc sống. Hình ảnh đàn gà lốm đốm đen, đỏ, trắng, vàng… quây quần quanh nắm thóc, đã làm dịu đi nỗi nhọc nhằn vất vả của con người sau một ngày lao động và đem đến cho mọi người một niềm vui.

Vì vậy mà con gà đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp chân quê: “Chim, gà, cá nhệch, cảnh cau/ Mùa nào thức ấy giữ màu nhà quê”.

Trong đàn gà, đôi lúc ta cũng bắt gặp con gà trống mã mây rất đẹp, với chiếc mỏ to hơi khoằm màu vàng nhạt, bộ lông cánh sặc sỡ, chiếc đuôi dài lượt thượt, uốn cong cầu vồng, lấp lánh ngũ sắc với đôi cựa nhọn hoắt, đứng trên tường cao, kiêu hãnh đối diện với mặt trời đang lên, cất tiếng gáy oang oang, đã làm nên một vẻ đẹp kiêu hùng ở chốn thôn dã.

Không chỉ có thế mà trong cuộc sống hôm nay, nhiều nhà khá giả, còn nuôi các loại gà làm cảnh như gà Tre, gà lùn, hoặc nuôi gà chọi, thân mình đỏ ău, ít lông, để đấu chọi mua vui trong những ngày lễ hội.

Đuôi gà còn là một vẻ đẹp được dùng làm chuẩn mực để so sánh với vẻ đẹp của mái tóc thôn nữ. Gà giò, đuôi còn ngắn, xòe ra được gọi là gà dúm đuôi tép.

Hình ảnh “dúm đuôi tép” được dùng để chỉ những cô gái đang lớn, tóc buộc thành bím ở sau cổ, chưa thả được xuống lưng là mấy. Còn những cô gái đương thì, thả tóc dài chấm lưng thì gọi là tóc bỏ đuôi gà.

Tóc bỏ đuôi gà được đứng đầu trong tiêu chuẩn “Mười yêu” của thôn nữ xa xưa: “Một yêu tóc bỏ đuôi gà/ Hai yêu ăn nói mặn mà có duyên…”.

Vì đẹp mã, thịt ngon lại tiện lợi, nên con gà đã trở thành lễ vật hiến tế trong các hoạt động tôn giáo, hoặc giao tiếp hàng ngày và đặc biệt trở thành sợi dây gắn bó trong cuộc sống hôn nhân: “Em về thưa với mẹ cha/ Bắt lợn đi cưới, bắt gà đi cheo”.

Đôi gà đã hóa thành biểu tượng cho mối tình yêu thương của đôi trai gái, bình dị chân chất, hiền lành. Chàng trai biện lễ vật với cặp gà là đã gửi vào đó những ước mơ hạnh phúc và niềm hi vọng:

“Gà anh nuôi đã lớn/ Gà em chăm đã to Đôi gà muốn rủ nhau/ Đi đến nhà người mối”. (Dân ca Cor – Tây Nguyên)

Để thể hiện khát vọng gắn bó của mình với chàng trai, cô gái đã bước qua những phong tục cưới xin nặng nề sẵn lòng giảm những lễ vật cho họ nhà trai.

Ở một phương diện xã hội khác, con gà, nhất là gà sống thiến, còn trở thành nỗi khát thèm được chiếm lĩnh của kẻ tham lam: “Chập chập thôi lại cheng cheng/ Con gà sống thiến để riêng cho thầy…”.

Con gà cũng đã trở thành vật hi sinh cho kẻ quyền thế: “Nhà bay chết lợn toi gà/ Năm ba ông cống đến nhà ngày mưa”.

Thành ngữ “Bút sa gà chết” cũng đã nói lên một cách xót xa thân phận đau đớn của con gà. Gà phải hứng chịu mọi chuyện đời, từ việc ký kết, mua bán đến chuyện khóc, cười, chia ly, sum họp…

Ấy thế mà trong đời sống tinh thần, gà đã trở thành bạn điền thân thiết của người nông dân. Gà cũng cần cù nhặt nhạnh, bới đất lật cỏ như người nông dân hay lam hay làm vậy. Gà cũng có mặt và cùng chia sẻ tình cảnh với người nông dân ở mọi nơi, mọi lúc: “Giã ơn cái cọc cầu ao/ Nửa đêm gà gáy, có tao có mày”.

Thời xa xưa còn rất hiếm những phương tiện đo đếm thời gian như các loại đồng hồ hiện đại, thì tiếng gà gáy cũng là tiếng gọi của thời gian, tiếng báo thức cho những nông phu dậy sớm để đi làm:

“Lao xao gà gáy rạng ngày/ Vai vác cái cày, tay dắt con trâu/ Bước chân xuống cánh đồng sâu/ Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu ra cày”.

Tiếng gà đã đi sâu vào những cảnh ngộ riêng tư, chờ đợi, để thành tiếng gà trong thế giới tâm trạng: “Đêm đêm khêu ngọn đèn loan/ Nhớ chàng quân tử thở than mấy lời!”.

Hoặc: “…Nhác trông lên trăng đã xế tà/ Đêm khuya khoắt con gà đã gáy sang canh”.

Trong lĩnh đạo đức, xử thế, con gà lại xuất hiện với tư cách là nhân vật ngụ ngôn để làm lời khuyên nhủ: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau!”.

Có khi hình ảnh con gà trống, được mượn để ám chỉ cảnh thương tâm vất vả của người đàn ông khi mất vợ: “Gà trống nuôi con!”.

Hoặc hình ảnh con gà mái được dùng để thể hiện tình cảnh éo le, mẹ nọ con kia: “Mẹ gà, con vịt!”.

Và gà đã trở thành nạn nhân của những kẻ phản lại đồng loại: “Cõng rắn cắn gà nhà!”.

Hoặc mượn hình ảnh gà để thể hiện nỗi đau cùng cực: “Muối kia đổ ruột con gà/ Mẹ mình chẳng xót bằng ta xót mình!”.

Gà ăn phải muối là sẽ chết, ấy thế mà người ta đã giết gà, rồi lại còn sát muối vào ruột gà nữa thì xót xa đau đớn đến chừng nào.

Cũng có khi tác giả dân gian lại dùng hình ảnh gà để so sánh với những kẻ hèn kém như: “Gà què ăn quẩn cối xay!”.

Hoặc nói về sự cẩu thả, quệch quạc của chữ viết: “Chữ như gà bới!”.

Để nói lên sự tự do vượt ra ngoài khuôn khổ của người dưới quyền, khi người đứng đầu vắng mặt, người ta đã so sánh với gà: “Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm”.

Cũng có khi hình ảnh gà được dùng vào những chuyện khôi hài mang tính ngược đời, để gửi vào đó khát vọng về sự đổi thay: “…Nắm xôi nuốt trẻ lên mười/ Con gà, chai rượu nuốt người lao đao…/ …Ếch thì cắn cổ diều hâu/ Gà con tha quạ biết đâu mà tìm!”.

Không chỉ có thế, trong phong tục dân gian, chân gà như còn chứa những ẩn số về sự may rủi. Theo thông lệ thì những ngày giỗ chạp, hoặc tết nhất thường cúng gà để xem chân.

Qua hình, sắc của chân gà mà dự đoán điều tốt xấu. Đây là mấy câu mở đầu trong bài phú “Coi chân gà” lưu truyền trong dân gian: “Đầu năm ra mắt mùng Ba/ Cúng ông Hành Khiển cùng là Hành Binh/ Bói giò phải bói cho tinh/Xem tường màu sắc chân hình rủi may…”.

Cùng với chân gà, tiếng gà gáy như cũng chứa trong nó sự linh ứng của đất trời. Nghe tiếng gà gáy trong sáng, dõng dạc không bị tắc nghẹn, vang vọng vào buổi bình minh, biết là ngày đẹp trời sẽ đến. Hoặc tiếng gáy với âm thanh tròn vo là mùa sẽ bội thu: “Gà tranh nhau gáy o o/ Đầy ngô, khoai, lúa, ấm no nhà nhà”.

Năm Đinh Dậu như một con gà cổ đại khổng lồ, mào đỏ chót đang chững chạc bước đến với dân tộc Việt Nam ta và bắt đầu vỗ cánh, cất lên tiếng gáy trong sáng, đón chào một mùa xuân mới tươi đẹp.

Người người, nhà nhà cũng đang háo hức chuẩn bị tư thế để bước vào mùa xuân mới trong âm hưởng của tiếng gà gáy dõng dạc, đường hoàng, đầy kiêu hãnh để đi tới một tương lai huy hoàng rực rỡ, tràn đầy hạnh phúc.

Trần Thanh Xuân

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...