Home » Chuyên đề - Chuyên môn » Thách thức với bài giảng e-learning

Thách thức với bài giảng e-learning

GDTĐ – Thời gian qua, việc đưa CNTT vào giảng dạy bước đầu đã đạt được những kết quả ghi nhận; tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc và những thách thức.

Những thách thức này được TS. Đỗ Thị Thanh Loan (khoa Cơ bản, Trường CĐ Sư phạm Trung ương) chia sẻ trong tham luận tại hội thảo “Ứng dụng CNTT tạo bài giảng mầm non sáng tạo” được tổ chức mới đây.

Khó khăn khách quan…

Bài giảng điện tử và bài giảng e-learning mang lại rất nhiều thuận lợi cho việc dạy học nhưng trong một mức độ nào đó, thì công cụ hiện đại này cũng không thể hỗ trợ giảng viên hoàn toàn trong các bài giảng của họ.

Nhấn mạnh điều này, TS. Đỗ Thị Thanh Loan chia sẻ một số khó khăn khi thiết kế bài giảng e-learning như: Việc kết nối và sử dụng internet trong nhà trường còn dừng lại ở chiều rộng mà chưa đi vào chiều sâu như: tốc độ đường truyền, thiết bị dẫn truyền…

Công tác đào tạo, công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đã có nhiều hình thức tổ chức, song chỉ mới dừng lại ở việc phổ cập tin học cơ bản nên giảng viên chưa hội tụ đủ kiến thức, chưa sẵn sàng, chưa chủ động để thiết kế và áp dụng sử dụng bài giảng e-learning một cách có hiệu quả.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy học, đặc biệt là việc giảng dạy bằng bài giảng điện tử và bài giảng e-learning của nhà trường còn thiếu thốn: chưa trang bị đủ máy chiếu trong các phòng học, và trong các phòng học chưa được kết nối được internet…

Việc sử dụng phần mềm quản trị thư viện chưa đầy đủ và đồng bộ khó khăn trong công tác hỗ trợ giảng viên khi thực hiện. Hơn nữa, ngân sách thường xuyên dành cho hoạt động CNTT của nhà trường còn thấp, chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tác dụng của CNTT trong hoạt động thư viện và hoạt động giảng dạy.

… và thách thức chủ quan

Nói về những khó khăn chủ quan, TS Đỗ Thị Thanh Loan phân tích: Việc sử dụng CNTT để đổi mới phương pháp dạy học chưa được nhận thức đầy đủ, dẫn đến việc ứng dụng nó không đúng chỗ, không đúng lúc, nhiều khi lạm dụng

Hiện tại, còn không ít giảng viên lúng túng và thụ động khi ứng dụng CNTT vào bài giảng. Bên cạnh đó nhiều giảng viên lớn tuổi không mặn mà thiết kế và sử dụng bài giảng điện tử và bài giảng e-learning trong giảng dạy do trình độ CNTT có hạn.

Khi sử dụng giáo án điện tử, nhiều giảng viên bị phụ thuộc vào màn hình máy tính, tiết học thì sinh động nhưng chữ chạy nhanh quá, sinh viên không ghi bài kịp hoặc mải mê ghi chép… dẫn đến một tiết học rời rạc, sinh viên không cảm nhận được nét đặc sắc của bài học…

Khi soạn giáo án điện tử, giảng viên biên soạn thường không phân định rạch ròi giữa nội dung giảng và nội dung cần ghi chép.

Giảng viên cứ chiếu lượng kiến thức lên màn hình mà không có dẫn dắt khơi gợi cho sinh viên nắm bắt kiến thức, điều này dẫn đến tình trạng sinh viên mải miết ghi mà không có chút nhận thức về giá trị nội dung bài học…

Đôi khi giảng viên lạm dụng CNTT, đưa quá nhiều hiệu ứng, tranh ảnh, màu sắc lòe loẹt dẫn đến sự chi phối sự chú ý của sinh viên trong tiết học… quên mất trọng tâm bài giảng cần khai thác, khiến cho giờ dạy biến thành giờ triển lãm tranh ảnh… không phát huy được óc quan sát và sự tưởng tượng, thiếu sự tư duy để cảm nhận được cái hay, cái tình, cái giá trị của môn học.

TS Đỗ Thị Thanh Loan cho rằng: Sử dụng bài giảng e-learning giống như con dao hai lưỡi, nếu lạm dụng quá sinh viên bị cuốn hút vào âm thanh sống động mà quên nội dung chính của bài…

Vì thế, trong tiết học giảng viên nên kết hợp cả phương pháp hiện đại và phương pháp truyền thống: ngoài việc dùng các hình ảnh, đoạn phim ngắn để minh họa nên cho sinh viên thảo luận, tự nhận xét và phát biểu ‎kiến của mình họ sẽ tiếp thu nhanh bài học.

Hải Bình

TIN LIÊN QUAN

Bình luận bài viết

x

Check Also

“Cú hích” trong cách dạy, cách học Ngữ văn

GDTĐ – Đề kiểm tra hay đề thi chính là một “cú hích”, một lực ...