[note color=”#ffcc00″]72 năm đối với một trường THPT, đó là một khoảng thời gian khá dài trong quá trình hình thành và phát triển. Bởi vậy, khó có một bài viết nào có thể nói lên được đầy đủ những mốc son lịch sử, những dấu ấn quan trọng về nhà trường. [/note]
Phim nói về lịch sử phát triển của Trường
I – Quá trình phát triển.
1- Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn qua cuộc kháng chiến.
*Buổi đầu thành lập (3 /1946) trường đặt tại khu Đền sò uy nghi và cũng rất thơ mộng nằm tại trung tâm huyện lị Diễn Châu. Nhưng các lớp học chủ yếu được đặt tại trường tiểu học Trí Đức trong Thành phủ – Ngôi trường Tiểu học duy nhất chung cho cả huyện được thành lập từ năm 1918.
Khi mới khai giảng năm học đầu tiên (khoảng giữa tháng 3 năm 1946) Trường mới chỉ có lớp Đệ Nhất niên (khoảng 40 học sinh). Những năm 1947 – 1950: từng bước trường có thêm các lớp Đệ Nhị niên , Đệ tam và Đệ tứ niên. Năm học 1949 – 1950 trường có 13 lớp với 540 học sinh tập hợp học sinh của một vùng rộng lớn Bắc Nghệ An: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, nghĩa Đàn…và cả Nghi lộc.
Ngoài ra thời kì 1947 – 1948, có 20 nam nữ sinh viên văn khoa trường Đại học Việt Nam từ Thanh Hoá thường xuyên vào trường Nguyễn Xuân Ôn để được giáo sư Cao Xuân Huy giảng dạy phần triết học.
Giáo viên của trường thời kì này gồm một đội ngũ trí thức, ngoài giáo sư, hiệu trưởng Cao Xuân Huy, là những cử nhân Cao Xuân Thiều, Đặng Văn Doạn, Lê Viết Của, Bác sĩ Đặng Văn ấn, Giáo sư Thái Chí, các tú tài: Cao Thị Băng Thanh, Cao Xuân Đằng, Hoàng Triều, Cao Xuân Duẩn, Cao Xuân Hạo, Đặng Văn Luyện, Đặng Văn Nhị, Phan Ngọc, Thái Thị Chi Lan, Hoàng Tuệ, Nguyễn Cửu Cúc, Phạm Bá Rô, Đặng Văn Luyện…Vốn dòng dõi Danh gia vọng tộc. Hầu hết sau này, các thầy giáo đều trở thành những giáo sư có tên tuổi giảng dạy tại các trường Đại học.
– Chi bộ Đảng thời kì đầu có tên là chi bộ Lâm Châu do đồng chí Tạ Hữu Canh (Sau này là cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại cộng hoà dân chủ Đức, làm bí thư: đồng chí Phạm Năng Khiêm và đồng chí Phạm Đăng Thanh chi uỷ viên).
Hiện đoàn học sinh (Tổ chức tự quản) do ông Cao Xuân Đằng làm hiệu đoàn trưởng và các uỷ viên: Ông Phạm năng Khiêm, ông Nguyễn Xuân Nam. Lê Đức Trứ, Phạm Đình Hoà. Lương của các thầy cô giáo do Ban quản trị nhà trường trả, lấy từ nguồn thu tô tế điền của các văn hội từ huyện đến xã và các nguồn tài trợ khác.
* Năm 1950, Cải cách giáo dục lần thứ nhất, trường được quốc lập hoá, trở thành trường Phổ thông cấp 2 trung tâm của huyện.
* Từ 1950 – 1955: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn cuối ngày càng ác liệt, trường chủ yếu phải sơ tán nhiều nơi và học ban đêm. Một trường học chung cho toàn huyện, học sinh đầu huyện đến cuối huyện cách trường trên dưới 15 km. Các thầy cô giáo phải dạy nhiều lớp ở các địa điểm sơ tán khác nhau: Đền Đào Viên Diễn Hạnh, làng Trung Hậu, Tây khê Diễn Viên…lớp học với nhiều ngọn đèn dầu cho cả thầy lẫn trò. Thầy phải thuộc giáo án trước khi lên lớp, trò phải thuộc bài sau mỗi tiết học. Nhưng tinh thần ham học của trò, nhiệt tâm của thầy, tất cả vì thắng lợi của cuộc kháng chiến đã như nguồn sinh lực giúp thầy trò vượt lên bao vật vả khó khăn để dạy tốt, học tốt.
Các thầy giáo Hiệu trưởng: Thầy Hoàng Xuân Nam (1950 – 1951) Thầy Đặng Văn Luyện (1952 – 1953) thầy Hoàng Đức Quảng (1954). Và năm học 1954 – 1955. Trường có thêm một lớp cấp 3 trở thành trường cấp 2-3 của huyện do thầy Trần Đình Hượu (sau này là giáo sư) làm hiệu trưởng.
* Sau thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ 7/1954 và Hiệp định Giơnevơ được kí kết, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, nền giáo dục Việt Nam tiến hành cải cách lần thứ 2. Các cấp học phổ thông từ 9 năm chuyển thành hệ 10 năm. Trường cấp 2 Diễn Châu chuyển về huyện lị – Thầy giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên về nhận trọng trách Hiệu trưởng nhà trường. Chi bộ Đảng gồm 12 Đảng viên do thầy Phan Đình Hà làm Bí thư.
Từ năm học 1956 –1957, huyện có thêm các trường Phổ thông cấp 2 tại xã Diễn Yên và trường cấp 2 tư thục Nguyễn Huệ đặt tại xã Diễn Kỉ. Tuy nhiên, những học sinh đậu vào trường cấp 2 Diễn Châu đều có niềm tự hào là học sinh trường huyện, trường đàn anh. Điều đó đã tạo nên nguồn động lực lớn lao để thầy và trò thi đua day tốt, học tốt với phương châm học đi đôi với hành, giáo dục gắn liền với thực tế.
* Từ năm học 1959 – 1960 trường tuyển thêm các lớp 8. Và năm học 1960 – 1961, do yêu cầu mới của sự nghiệp giáo dục, Bộ giáo dục Quyết định thành lập trường cấp 3 Diễn Châu, tập hợp học sinh các huyện: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghĩa Đàn, Quế Phong. Hiệu trưởng thời kì này là thầy Phạm Nhượng (1959 – 1962), thầy Nguyễn Nghĩa Nguyên (1962 –1965), thầy Hoàng Đức Tốn được Huyện uỷ chỉ định làm Bí thư chi bộ.
Mỗi năm học, trường chỉ tuyển vào 4 lớp 8. Năm học 1962 – 1963, trường có 12 lớp khoảng 600 học sinh. Học sinh thi đậu vào trường quả là một cuộc cạnh tranh quyết liệt của kì thi chuyển cấp. Trong tình hình chung về kinh tế của đất nước, học sinh đi học phải vượt lên bao khó khăn. Hầu hết học sinh phải đi bộ 10 – 12 cây số, phải thức khuya, dậy sớm, đi học từ khi trời chưa sáng. Phong trào vượt khó để học tốt đã thúc dục các thế hệ học sinh của trường phấn đấu nỗ lực. Họ được một thế hệ thầy cô giáo rất tâm huyết như thầy Lương Thế Trác, thầy Lưu Trọng Thuỳ, thầy Phạm Quang, thầy Ông Văn Tùng, Nguyễn Hoàng Nghị, Phạm Doan, Nguyễn Khắc Liên, Nguyễn Thị Kiều Lan… giảng dạy. Hàng năm, trường có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh. Nguyễn Tố Như (môn Toán) Hoàng Thế Kỉ (môn Văn)…
* Bắt đầu từ năm học 1965 – 1966, do cuộc chiến tranh phá hoại của Đế Quốc Mỹ ngày càng ác liệt, trường được tách làm 2: Cấp 3 Diễn Châu I (vùng Nam) và cấp 3 Diễn Châu 2 (Vùng Bắc).
Hiệu trưởng thời kì này có các thầy cô giáo: Hoàng Đức Tốn (1965 – 1966)Thầy Nguyễn Công Trực (1966 – 1968) Thầy Phan Huy Đỉnh (1968 – 1973).
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng quyết liệt. Máy bay Mỹ dội hàng vạn tấn bom khắp các vùng quê. Thầy và trò phải gánh trường sơ tán nhiều nơi: Từ huyện lị về Phú Linh (Diễn Tân) đi Diễn Cát, lại đi Diễn Thắng, Diễn Lợi – các lớp học phải phân tán nhiều nơi. Trường Phổ thông cấp 3 Diễn Châu I phải chuyển đổi mọi hoạt động dạy và học vào thời chiến. Thầy và trò phải đội bom đi dạy, đi học. Lớp học có hào luỹ bao quanh. Đây là những năm tháng không thể nào quên của các lứa học sinh của trường. Có bao cuộc gặp gỡ, hội ngộ đầu năm, rồi lại có bao cuộc chia tay với hàng trăm học sinh cầm súng lên đường cứu nước, để rồi sau đó có bao người mãi không trở về. Cuộc sống vẫn phải phát triển. Việc dạy và học trong những năm chiến tranh ác liệt vẫn sục sôi khí thế. Cuối năm học 1967 – 1968, trường được ngành giáo dục tặng danh hiệu cao quý “ Trường 5 nhất”: về tỉ lệ đậu tốt nghiệp lớp 12, về tỉ lệ học sinh thi đậu đại học và chọn đi học nước ngoài, nhất về công tác BTVH, về thành tích lao động và phục vụ chiến đấu, và nhất về phong trào văn nghệ “Tiếng hát át tiếng bom”.
2- Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn từ 1976 – 2006.
* Thắng lợi ngày 30 tháng4 năm 1975 lịch sử, Niềm Nam hoàn toàn giải phóng, Đất nước sạch bóng quân thù, non sông thu về một mối. Trường cấp 3 Diễn Châu 1 từ Diễn Phúc trở về Diễn Thành (địa điểm trường hiện nay). Từ những lán tranh tre, từng bước trường được xây dựng khang trang với 9 dãy nhà ngói cấp 4, có đầy đủ các phòng thí nghiệm , khu nội trú cho giáo viên, nhân viên.
Bên cạnh hàng loạt giáo viên được tăng cường về trường với một đội ngũ giảng dạy có kinh nghiệm, nhiều thầy giáo cũng được điều tăng cường vào miền Nam: Thầy Cao Hữu Ngãi, thầy Trương Thanh Bính, Lê Huy Vọng, Nguyễn Khải, Nguyễn Trọng Nhiệm, Đặng Quang Tố, Nguyễn Chí Thành…
Từ 1975 – 1985, dưới thời cô giáo Nguyễn Thị Han hiệu trưởng, trường đã có một thời kì phát triển rực rở. Số lượng học sinh được tuyển vào trường ngày càng đông. Có thời kì lên đến 36 lớp với gần 2400 học sinh. Vượt lên bao khó khăn vật vả của cuộc sống đời thường trong điều kiện kinh tế đất nước đầy khó khăn sau 30 năm chiến tranh, các thầy cô giáo của trường đã nỗ lực hết mình trong hoạt động giảng dạy, trau dồi chuyên môn. Có nhiều giáo viên dạy giỏi. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp đạt giải Nhất kì thi giáo viên giỏi Văn toàn miền Bắc. Nhiều năm có số học sinh giỏi đứng thứ Nhất, thứ hai toàn Tỉnh. Mọi người nhắc đến trường cấp 3 Diễn Châu I với một niềm tự hào, vì đó là ngôi trường có nhiều thành tích nổi bật trong hoạt động dạy và học.
* Cuối năm 1985, cô giáo Nguyễn Thị Han được bổ nhiệm chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Thầy giáo Trần Nguyên Tiến, bí thư chi bộ được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường (1985 –1991). Tiếp đó thầy Cao Hữu Ngãi được bổ nhiệm Hiệu trưởng (1991 – 1993).
Thời kì 1986 – 1993, trong tình hình chung của cả nước, số học sinh thi vào các trường cấp 3 ngày càng giảm. Từ 36 lớp năm học 1983 –1984 đến năm học 1991 – 1992 chỉ còn 20 lớp. Số học sinh giám sút cùng đồng nghĩa với việc tinh giảm biên chế giáo viên. Trường phải trải qua một giai đoạn đầy cam go, thử thách, một số giáo viên phải về hưu sớm, số khác phải về giảng dạy tại các trường THCS.
Mặc dù, đây là một thực tế các trường phải thực hiện. Nhưng lựa chọn ai về, ai đi…là cả một cuộc đấu tranh tư tưởng, làm xáo động sự ổn định của nhà trường.
Tuy nhiên, cũng cần đánh giá khách quan, kể cả trong những năm tháng nhà trường có sự xáo động về biên chế, hoạt động dạy và học của trường vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tháng 11 năm 1988, trường phổ thông cấp 3 Diễn Châu I được UBND tỉnh Quyết định cho trường trở lại tên khai sinh: Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn. Đây là niềm phấn khởi, niềm vinh dự lớn đối với các thế hệ thầy, trò và các bậc phụ huynh của nhà trường. Nó là là dấu nối để thầy và trò tiếp tục phấn đấu và ghi tiếp vào trang sử truyền thống nhà trường những thành tích trong sự nghiệp giáo dục – đào tạo của mình.
Từ năm học 1990 – 1991: Các trường THPT bắt đầu thực hiện sách giáo khoa mới của chương trình cải cách giáo dục. Đây cũng là một cột mốc lịch sử quan trọng để trường chỉ đạo hoạt động dạy và học. Tất cả thầy giáo phấn khởi, nỗ lực học tập chuyên đề theo từng bộ môn nên đã sớm tiếp cận được chương trình mới.
Năm học 1993 –1994, một Ban giám hiệu mới được bổ nhiệm, thầy giáo Thái Doãn Kỷ, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Diễn Châu 3 về làm hiệu trưởng nhà trường. Toàn trường dấy lên một không khí mới, tích cực chuẩn bị cho Lễ kỉ niệm 50 năm ngày thành lập trường. Sau những năm vật vả về số lượng phát triển, kể từ năm học 1993 –1994, nhu cầu học tập của học sinh ngày càng lớn. Số lượng học sinh từng bước được tăng lên, kéo theo sự tăng lên về biên chế đội ngũ.
Tháng 3 năm 1996, trường đã tổ chức trọng thể Lễ kỉ niệm 50 năm ngày thành lập trường và đón nhận Huân chương lao động Hạng ba. Đây là một mốc son quan trọng làm nức lòng các thế hệ thầy cô giáo và học sinh. Trường bước sang một trang mới trong xu thế ngày càng phát triển. Không chỉ phát triển về số lượng, số học sinh lớp 9 thi vào trường ngày càng đông, các thầy cô giáo cũng được tăng cường về số lượng và chất lượng. Năm học 1998 –1999, trường có 48 lớp trong đó có 13 lớp hệ Bán công. Chi bộ Đảng có 23 Đảng viên do thầy Lê Duy Diêu làm Bí thư. Năm học 2005 –2006: trường có 46 lớp trong đó có 16 lớp hệ Bán công với số lượng 91 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Từ năm học 2000 – 2001, sau khi thầy Thái Doãn Kỷ nghỉ hưu, thầy Nguyễn Khải giữ chức vụ Hiệu trưởng. Trên nền tảng thắng lợi của những năm học cuối thập kỷ 90, thời kỳ này trường đã có những bước chuyển mình đáng kể về chất lượng dạy và học, cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thư viện phục vụ nhu cầu dạy và học ngày càng được tăng cường, cảnh quan nhà trường ngày càng khang trang, sạch đẹp. Số giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh ngày một đông,
Từ năm học 2002 – 2003, trường luôn đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết của chi bộ, nhà trường đang có quyết tâm lớn xây dựng trường thành trường THPT Chuẩn Quốc gia, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 66 năm thành lập trường vào trung tuần tháng 11 năm 2006 và đón nhận Huân chương lao động Hạng hai.
II. Những thành tích nổi bật
Ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử khá đặc biệt ( tháng 03 năm 1946). Phải trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian lao thử thách kéo dài 30 năm, tiếp đến là 30 năm đất nước đất nước trong điều kiện hoà bình cũng không ít khó khăn.
Tuy nhiên, với mục tiêu được xác định từ đầu: nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài và tạo nguồn nhân lực, Sáu mươi năm, kể từ ngày được thành lập, trường luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm chỉ đạo, lại nằm trên một địa bàn dân cư vốn có truyền thống cần cù, hiếu học, được nhân dân quan tâm giúp đỡ, đội ngũ thầy cô giáo nhiệt tình, say mê nghề nghiệp, trường đã ngày càng phát triển và đóng góp tích cực cho sự nghiệp Cách mạng của dân tộc.
* Ngay từ những năm đầu thành lập trường, thầy Hiệu trưởng Cao Xuân Huy (1900 – 1983) sau này là nhà triết học Đông phương nổi tiếng, tiếp đến là thầy Hiệu trưởng Trần Đình Hượu (nguyên chủ nhiệm khoa triết trường Đại học tổng hợp) đã tập hợp được một đội ngũ thầy cô giáo có tâm huyết, có trình độ chuyên môn để xây dựng nhà trường. Họ tham gia giảng dạy với một tâm niệm đào tạo cho đất nước, phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc một đội ngũ tri thức mới. Chính những thầy giáo, cô giáo lớp đầu tiên ấy của nhà trường đã đặt nền móng vững chắc và cả tấm gương về đức và tài cho các thế hệ sau.
Từ đó đến nay đã có 428 cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác tại trường. Có nhiều thầy giáo sau này đã phấn đấu vươn lên trở thành các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành như: Giáo sư Phan Ngọc, giáo sư Cao Xuân Hạo, giáo sư Thái Chí, giáo sư Hoàng Tuệ, giáo sư Trần Đình Hượu … Tiến sĩ Cao Ngọc Viễn, chuyên viên Bộ Giáo dục. Có người trở thành nhà quản lý như cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Han nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Có người trở thành nhà văn có tên tuổi như thầy giáo Ông Văn Tùng.
Càng ngày, đội ngũ cán bộ, giáo viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Ngay trong những ngày chiến tranh, ác liệt, các thầy giáo, cô giáo của trường vẫn hết lòng vì học sinh, cố gắng hết mình cho công tác giảng dạy. Năm 1972, thầy giáo Đinh Văn Thông (Giáo viên Toán) sau này là Hiệu trưởng trường chuyên Phan Bội Châu đã có đội tuyển học sinh giỏi toán đạt giải Nhất tỉnh. Năm học 1973 – 1974, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp đạt giải Nhất kì thi giáo viên dạy giỏi môn Văn cấp miền Bắc.
Nói đến trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, nhiều người vẫn nghỉ ở đó có một đội ngũ nhiều thầy cô dạy giỏi. Thầy Nguyễn Hạng từng cầm súng vào Nam chiến đấu, là một tài năng Sư phạm, thầy Đào Thái: Nhà giáo ưu tú. Thầy Nguyễn Xuân Độ và Thầy Võ Minh Hữu được cấp bằng sáng tạo. Nhiều thầy cô là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh: Thầy Đặng Quang Tố, thầy Ngô Văn Bản, thầy Đặng Văn Toát, thầy Nguyễn Sửu, cô Phan Thị Nguyễn, thầy Hoàng Khắc Bảo, thầy Phạm Tứ, thầy Đặng Xuân Hồng, thầy Hoàng Phú. Lớp giáo viên trẻ sau này có ý thức cao về nghề nghiệp đã không ngừng phấn đấu để trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh: Cô giáo Cao Thị Hiền, thầy Cao Thanh Bảo, cô Phan Thị Thu Hương, Cô Vũ Thị Hà. Và gần đây đội ngũ đó được tăng cường với các thầy: Ngô Sĩ Nhẫn, cô Lê Thị Thanh Bình, cô Nguyễn Thị Thuý Nga, cô Nguyễn Thị Mai, thầy Nguyễn Xuân Hùng, cô Phạm Thị Thu Hường.
66 năm, không ít thầy cô giáo đã nghỉ hưu, hoặc chuyển đi trường khác. Cũng không ít thầy cô đã vĩnh viễn ra đi, lớp giáo viên trẻ được bổ sung về trường. Tất cả họ đều sống và làm việc trong một tập thể Sư phạm đoàn kết, hết lòng vì học sinh, vì sự phát triển của nhà trường.
* Nói đến nhà trường trước hết là nói đến hoạt động dạy và học. Nói đến hiệu quả của Giáo dục – Đào tạo. Thầy phải nhiệt tâm, dạy giỏi, và trò phải chăm lo học tập, rèn luyện thành tài. 66 năm, trường THPT Nguyễn Xuân Ôn đã đào tạo và cho ra trường gần 66 thế hệ với hơn 30 ngàn học sinh. Đó là một con số không nhỏ. Nhưng điều quan trọng hơn là chất lượng đào tạo.
Học sinh khoá 1946 – 1950, dù là học sinh khoá đầu, việc học tập vô cùng khó khăn, những lớp trí thức trẻ ngày ấy đã tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1949, trong lễ trọng thể tòng quân, đã có hàng trăm nam, nữ học sinh tình nguyện cầm súng lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nhiều học sinh khác đã trở thành nhà khoa học, những nhà hoạt động Chính trị, văn hoá: Giáo sư Phan Cự Đệ, nhà ngoại giao Tạ Hữu Canh, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh Kĩ sư Nguyễn Hữu Bảo (Quê Hà Nội) một trong những người chế tạo tàu phá lôi của Đế quốc Mỹ ở Cảng Hải Phòng năm 1972.
Học sinh những năm 1951 – 1959, có nhiều người sau này là những nhà hoạt động Chính trị, Kinh tế, KHKT: Bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc, Bộ trưởng Bộ Thương Mại Trương Đình Tuyển, giáo sư Phan Liêu, giáo sư ngôn ngữ học Đào Thản, nhiều nhà văn, Nhà thơ, Vụ trưởng, Tổng Giám đốc.
– Từ khi trường trở thành trường Phổ thông cấp 3 ( sau này là THPT) thời gian học tập trong hoà bình rất ngắn, từ 1965, chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ đã gõ cửa mội gia đình, bom dội xuống mọi nơi, trường phải thường xuyên di chuyển địa điểm. Thế nhưng, trong những điều kiện khó khăn ấy, học sinh của trường vẫn nêu cao truyền thống học tốt. Năm 1962, trường có kết quả thi tốt nghiệp cao nhất tỉnh. Nhiều học sinh thời kỳ ấy đã trở thành không chỉ trong chiến đấu, anh Ngô Trí Nhân nay là Thiếu tướng, nhiều nhà khoa học, anh Cao Tiến Thụ là Đại biểu Quốc hội khoá X, Tổng Giám đốc cảng Hải Phòng …, Tiễn sĩ Toán học Nguyễn Tế Như, Tiến sĩ Sử học Đinh Thị Thu Cúc, … nhà thơ Võ Thị Hảo, nhà văn Phan Huy Quang, Thứ trưởng Bộ Văn Hoá Thông Tin Vi Trọng Toán…
– Từ sau năm 1975, tuy không phải đã hết khó khăn, nhưng điều kiện học tập của học sinh ngày càng thuận lợi. Vốn là trường có truyền thống hiếu học, các thế hệ học sinh của trường đã nỗ lực rèn luyện, nỗ lực học tập. Không thể kể hết những thành tích học tập của học sinh những năm tháng. Năm học 1981 – 1982, có 36 học sinh đậu vào các trường Đại học, đứng thứ nhất khối phổ thông của tỉnh. Hàng năm, trường đều có học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc.
– Từ năm 1991 đến nay, thực hiện sự nghiệp đổi mới Giáo dục – Đào tạo, Nghị quyết TW2 khoá 8 về Giáo dục – Đào tạo, mặc dù gặp không ít khó khăn, trường vẫn có nhiều bứt phá để ổn định và phát triển.
Đây là thời kỳ học sinh của trường đã có được những kết quả học tập, rèn luyện tốt nhất. Từng bước, trường đã vươn lên tốp đầu của tỉnh về chất lượng dạy và học. Học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh ngày càng nhiều. Năm học 2002 – 2003, 2003 – 2004 mỗi năm đều có 56 học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm học 2004 – 2005 có 61 học sinh. Năm học 2005 – 2006 có 51 học sinh. Hàng năm đều có học sinh dự thi học sinh giỏi toàn Quốc. Học sinh đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng ngày một nhiều: Năm học 2003 – 2004: 180 học sinh, năm học 2004 – 2005: là 236 học sinh.
– 66 năm, trường đã có những đóng góp rất lớn trong việc động viên các thế hệ học sinh tham gia sự nghiệp kháng chiến của dân tộc. Hàng ngàn học sinh đã cầm súng lên đường cứu nước. Hàng trăm học sinh đã hy sinh. Họ góp phần ghi vào trang sử tốt đẹp của nhà trường. Sẽ không đầy đủ nếu không nói đến sự đóng góp của nhà trường trong việc đào tạo một đội ngũ cán bộ, của địa phương. Chính họ đã và đang là những cán bộ chủ chốt, những người đã và đang tích cực thực hiện công cuộc cách mạng ở địa phương. Làm thay đổi bộ mặt của huyện nhà.
Hơn 30 ngàn học sinh từ mái trường này. Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn là cái nôi nuôi dưỡng, rèn luyện buổi đầu để 66 năm qua vốn là học sinh từ mái trường này, phấn đấu để trưởng thành. Đã có hơn 300 giáo sư, tiến sĩ, hàng ngàn kĩ sư, bác sĩ, thầy giáo, những nhà hoạt động chính trị, ngoại giao, văn hoá, kinh tế, hoạt động trên mọi miền Đất nước.
Nhìn lại chẳng đường 66 năm xây dựng và phát triển, trường THPT Nguyễn Xuân Ôn đã phải vượt qua không ít gian nan, thử thách, không phải không có bước thăng trầm, nhưng các thế hệ thầy cô giáo và học sinh của trường có quyền tự hào về thành tích của mình. Có được những thành tích ấy, trước hết là nhờ sự vận dụng đường lối giáo dục của Đảng vào những hoàn cảnh thực tế của từng thơì điểm trên một vùng quê vốn rất cần cù, và thật sự hiếu học. Đó là truyền thống dạy tốt học tốt của thầy và trò. Thầy có tâm huyết, có ý chí rèn luyện chuyên môn, trò chăm chỉ học tập, chịu khó vươn lên vì mục tiêu lớn của cuộc đời. Đó còn là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Đảng và Chính quyền, sự cưu mang giúp đỡ của nhân dân, của các bậc phụ huynh; tạo điều kiện để nhà trường vượt qua bao khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Thời gian để trường tổ chức trọng thể Lễ kỉ niệm 66 năm ngày thành lập trường và đón nhận Huân chương lao động Hạng Nhì đã tới gần (tháng 11 năm 2006) Thầy và trò trường THPT Nguyễn Xuân Ôn quyết tâm xây dựng trường thành trường chuẩn Quốc gia. Xin cảm ơn các thế hệ thầy và trò về sự giúp đỡ quý báu đối với nhà trường những năm qua và xin cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của các thế hệ thầy và trò các cấp Chính , nhân dân, phụ huynh trong thời gian tới để trường ngày càng phát triển.