Home » Chính sách giáo dục » Chuẩn bị cơ sở vật chất cho đổi mới giáo dục

Chuẩn bị cơ sở vật chất cho đổi mới giáo dục

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong đầu tư, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục đích phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích các loại hình giáo dục ngoài công lập.

Lựa chọn các dự án và khuyến khích đầu tư theo các hình thức BOT, PPP… nhằm thu hút vốn ngoài ngân sách nhà nước. Có chính sách hỗ trợ để có mặt bằng xây dựng trường.

Khai thác triệt để và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có, chỉ đầu tư mới khi cần thiết và phù hợp với quy hoạch phát triển của hệ thống giáo dục.

Ưu tiên thực hiện mục tiêu kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất kĩ thuật, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin. Đảm bảo đến 2020 đủ số phòng học trên lớp và số học sinh mỗi lớp không vượt quá quy định của từng cấp học.

Trước mắt, ưu tiên đủ số phòng học, nhà công vụ cho giáo viên, ưu tiên đầu tư cho phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, ưu tiên cho vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn; đảm bảo đến năm 2015 đủ số phòng học trên lớp theo quy định.

Ưu tiên đầu tư ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lí, đánh giá, đổi mới phương pháp dạy và học, chia sẻ dữ liệu dùng chung nhằm tối ưu hoá nguồn lực đầu tư.

Đối với giáo dục mầm non và phổ thông:

– Nhà nước ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển các cơ sở giáo dục công lập và có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo từng bước hoàn thành mục tiêu phổ cập theo quy định.

– Khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao ở khu vực đô thị và các vùng có điều kiện kinh tế phát triển.

– Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới trường, lớp học và tận dụng triệt để, có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, huy động toàn bộ nguồn lực của xã hội để phấn đấu đến 2015 đảm bảo đủ số phòng học cho phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và đủ số phòng học cho việc huy động trẻ từ 4 – 5 tuổi ra lớp đạt tỉ lệ 70%, trẻ dưới 3 tuổi đạt 25%.

Hoàn thiện hệ thống các trường dân tộc nội trú trong cả nước để đảm bảo tỉ lệ học sinh dân tộc được học trong các trường nội trú đạt 7 – 12% số học sinh dân tộc. Đảm bảo đủ chỗ ở cho học sinh các trường bán trú. Hoàn thiện hệ thống trường chuyên. Củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

Đảm bảo đủ trường lớp để tiếp nhận 80% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học trung học phổ thông, học nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp.

Phấn đấu đến 2020, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đủ các phòng chức năng, phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, phòng học tin học, thư viện… và các khu chức năng khác phục vụ các hoạt động giáo dục.

– Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thiết bị cho các phòng thực hành với mục tiêu nâng cao kĩ năng thực hành cho học sinh, đầu tư chất lượng và đồng bộ. Tăng cường đầu tư xây dựng các phần mềm nghe, nhìn, thí nghiệm kĩ thuật số, xây dựng bài giảng điện tử trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.

Từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cấp trường/địa phương và cấp toàn ngành. Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung.

Đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp:

– Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất một số trường đại học, ngành đào tạo trọng điểm, trường sư phạm.

– Tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin của các trường đại học, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập, lấy trọng tâm là thư viện, tạo lập hệ thống thư viện dùng chung, chia sẻ dữ liệu trong hệ thống. Xây dựng một số thư viện trung tâm thuộc các khối ngành.

– Xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm ở một số trường đại học để hình thành những trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống các xưởng, trạm thực hành nhằm nâng cao tay nghề, kĩ năng nghề nghiệp cho sinh viên.

– Đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động tham gia hỗ trợ hoạt động đào tạo, lựa chọn các dự án đầu tư để khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP (đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư).

Bình luận bài viết

x

Check Also

Thời hạn luân chuyển nhà giáo đến công tác tại vùng khó

Tuy nhiên hiệu trưởng nhà trường không nhận và nói trường đã đủ định biên ...