Home » Chính sách giáo dục » Trường vùng khó “bật mí” bạn đồng hành hỗ trợ đổi mới dạy – học

Trường vùng khó “bật mí” bạn đồng hành hỗ trợ đổi mới dạy – học

Các thầy cô ở đây hay nói vui đây là “người bạn đồng hành SEQAP”, người bạn 5 năm qua nhiệt tình hỗ trợ, động viên các thầy cô nỗ lực, sáng tạo để có những tiết học hay hơn, có cơ sở vật chất tốt hơn, có những sự giúp đỡ thiết thực tới từng học sinh, lấy mục tiêu tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho con em các gia đình nơi vùng đất còn nhiều khó khăn này.

Cha mẹ ấm lòng: Con học thêm cái chữ, thêm khỏe người

Trường Tiểu học số 2 Phong Hải có 5 điểm trường trong đó 3 điểm trường lẻ 100% học sinh là người dân tộc Mông, điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Từ khi thực hiện chương trình SEQAP, chất lượng giáo dục đã được nâng lên đáng kể. Không chỉ các em có ý thức hơn trong học tập mà gia đình các em cũng tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho con em mình tham gia chương trình. Từ đó, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần tăng lên rất nhiều.

Chương trình SEQAP không chỉ mang lại hiệu quả về chất lượng giáo dục cho các trường mà còn đảm bảo sức khỏe cho học sinh học tập và giảm bớt tình trạng học sinh bỏ học do khó khăn trong đời sống, khó khăn do đi lại… Vì ngoài việc dạy học theo mô hình T35 (35 tiết/tuần), chương trình còn hỗ trợ học sinh ăn 2 bữa cơm trưa/tuần. Việc hỗ trợ ăn trưa này cơ bản đảm bảo được sức khỏe cho những học sinh nghèo, nhà xa trường tham gia học cả ngày tại trường.

Cha mẹ học sinh dân tộc mỗi sáng hồ hởi gọi con dậy sớm đi học, không bắt con lên nương lên rẫy làm thêm như trước. Đến thăm thầy cô giáo, cha mẹ học sinh còn lắc lắc tay thầy cô phấn khởi chia sẻ: Mừng lắm nhé, con học cả ngày thêm cái chữ, lại no bụng thêm khỏe người!

Học cả ngày: Sôi nổi đổi mới học trong lớp, học ngoại khóa

Kể từ khi tham gia chương trình này, cán bộ quản lý, giáo viên đã được tham dự các lớp tập huấn do SEQAP tổ chức theo từng mô đun cụ thể như: Tổ chức dạy học cả ngày, tổ chức các câu lạc bộ ở trường, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, đổi mới sinh hoạt chuyên môn, phương pháp “Bàn tay nặn bột”, phương pháp dạy học tích cực và phương pháp tổ chức, quản lý lớp học.

Từ đó nhà trường đã có những thay đổi hợp lý trong quản lý, tổ chức các hoạt động dạy học. Đặc biệt, với mỗi giáo viên cũng đã có những thay đổi tích cực trong phương pháp giảng dạy để áp dụng phù hợp với học sinh của nhà trường. Có thể nói, SEQAP đã có những tác động tích cực, hiệu quả đến nhận thức và hành động của cán bộ, giáo viên.

Thực hiện hướng dẫn dạy học cả ngày của SEQAP, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục và thời khóa biểu như một chỉnh thể từ tiết 1 – 7, xen kẽ các hoạt động giáo dục tăng cường thời gian cho tổ chức cho các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tổ chức ăn trưa, bán trú, tổ chức các loại hình câu lạc bộ học sinh, các loại hình thư viện thân thiện trong nhà trường.

Việc bố trí sắp xếp từng tiết học cũng được thực hiện dựa trên trình độ của học sinh và tình hình thực tế tại các điểm trường. Ví dụ: Học sinh ở điểm lẻ còn nhiều hạn chế về kỹ năng đọc, tính toán, giáo viên có thể tăng cường các môn Tiếng Việt, Toán và các hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Còn học sinh ở điểm trung tâm, giáo viên có thể giảm tiết tăng cường để bố trí các môn tự chọn và hoạt động tập thể như: Câu lạc bộ âm nhạc, khiêu vũ, câu lạc bộ khéo tay hay làm, câu lạc bộ thể dục thể thao, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo…

Kể từ khi tham gia SEQAP, không khí học tập của các em rất sôi động. Có được kết quả trên là nhờ vào những đổi mới trong tổ chức hoạt động dạy học của nhà trường. Ngoài dạy học những môn học chính khóa của giáo viên chủ nhiệm, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động nội, ngoại khóa nhằm giúp học sinh được phát triển toàn diện về đức – trí -thể – mĩ, song cũng là tạo điều kiện cho giáo viên chủ nhiệm có thời gian nghỉ ngơi hợp lí. Việc bố trí, sắp xếp kế hoạch giáo dục, thời khóa biểu linh hoạt, khoa học đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng giáo dục trong nhà trường. Học sinh thích đi học, thích tới lớp, tới trường và thêm gắn bó, yêu quý thầy cô, bạn bè.

Điều đáng nói là phụ huynh đã tin tưởng, yên tâm khi gửi gắm con em đến trường và đã cùng “xắn tay” với nhà trường trong việc giáo dục, dạy dỗ con em mình. Ngoài ra, do được rèn luyện kiến thức qua các tiết học tăng thêm, cùng với các hoạt động giáo dục phong phú, nên chất lượng học tập và giáo dục toàn diện của học sinh chuyển biến rõ rệt.

Cụ thể: Hàng năm, tỷ lệ học sinh đạt học lực khá, giỏi của nhà trường chiếm trên 60%. tỷ lệ học sinh chuyển lớp và Hoàn thành chương trình tiểu học đều đạt 100%. Các hội thi do huyện tổ chức như: Cuộc thi giải Toán trên mạng cấp huyện, nhà trường có học sinh đoạt các giải: Nhất, Nhì, Ba. Hay Hội thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Lào Cai lần thứ nhất, nhóm học sinh của trường đã đạt giải Ba cấp tỉnh. Tham gia hội thi Khám phá khoa học của huyện Bảo Thắng, các em cũng mang về cho trường 1 giải Nhất, 2 giải Nhì và 2 giải Ba. Hội thi năng khiếu nghệ thuật cấp huyện, đội tuyển học sinh của trường đã đoạt giải Nhì toàn đoàn. Hội khỏe Phù đổng năm 2015 huyện Bảo Thắng, đội tuyển của nhà trường đã giành một giải Nhất, 2 giải Nhì môn Điền kinh, 1 giải Nhì, một giải Ba môn Đá cầu, giải Ba môn Bóng đá…

Nhà trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, trải nghiệm sáng tạo theo chủ điểm như: Thi trang trí lớp học, thi viết chữ đẹp, vẽ tranh đẹp, thi năng khiếu nghệ thuật, “em yêu làn điệu dân ca”, Rung chuông vàng….

Nhà trường được chương trình hỗ trợ xây một nhà đa năng, giúp cho các hoạt động dạy và học rất nhiều thuận lợi. Khi nhà đa năng được xây dựng xong, thầy và trò nhìn nhau cười sung sướng. Nếu không có chương trình này, không biết bao giờ nhà trường mới có được nhà đa năng cho học sinh học tập, sinh hoạt và vui chơi. Nhìn các em rộn rã cười vui, cùng rủ nhau tập thể dục, cùng hoạt động nhóm, cùng tập văn nghệ…, các thầy cô giáo lại muốn được cống hiến nhiều hơn nữa trong công tác giáo dục học sinh miền núi.

Chương trình SEQAP đã hỗ trợ tích cực, thiết thực cho học sinh nghèo, học sinh đồng bào dân tộc, học sinh nhà xa trường trong học tập. Sau thời gian thực hiện chương trình, học sinh đã có những tiến bộ rõ nét về duy trì sĩ số, tỷ lệ chuyên cần, đặc biệt là về chất lượng có chuyển biến hơn hẳn so với khi chưa tham gia chương trình, tạo điều kiện cho các trường miền núi khó khăn như Trường Tiểu học số 2 Phong Hải cùng vươn lên để sánh kịp với những trường tiên tiến về phong trào giáo dục.

Bình luận bài viết

x

Check Also

Thời hạn luân chuyển nhà giáo đến công tác tại vùng khó

Tuy nhiên hiệu trưởng nhà trường không nhận và nói trường đã đủ định biên ...