Home » Chính sách giáo dục » Tự chủ và cam kết đảm bảo chất lượng

Tự chủ và cam kết đảm bảo chất lượng

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được coi như luồng gió mới khích lệ tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường nỗ lực hơn nữa để đổi mới sáng tạo đáp ứng ngày càng tốt hơn việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Được tăng thêm quyền chủ động toàn diện hơn, Trường Đại học Hà Nội cam kết hướng tới quản trị điều hành hiệu quả và hợp lý hơn, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Sự cần thiết của đổi mới

Giáo dục đại học thế giới đang trong giai đoạn chuyển biến hết sức mạnh mẽ. Trong bối cảnh này, quốc gia nào chậm trễ trong cải cách hệ thống giáo dục đại học, nhất là chậm đổi mới quan điểm và cơ chế quản lý giáo dục đại học, sẽ đánh mất hoàn toàn cơ hội để hội nhập và phát triển kinh tế. Sự phát triển nhanh chóng về quy mô và sự đa dạng hóa của hệ thống giáo dục đại học thì cơ chế quản lý nhà nước chưa kịp đổi mới để phù hợp với đòi hỏi của sự phát triển. Sự hạn chế trong hệ thống quản lý đại học có hai nguyên nhân chính sau:

Luật Giáo dục 2005 quy định rõ quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường đại học, tuy nhiên trong thực tế, mức độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm các của trường đại học hiện nay còn bị giới hạn trên các mặt: Tổ chức, nhân sự, tuyển sinh, ngành học, chương trình đào tạo và tài chính; qua đó các trường không phát huy được tính chủ động, sáng tạo và khai thác được thế mạnh. Các trường đại học thiếu quyền chủ động trong việc huy động và sử dụng các nguồn kinh phí từ xã hội bởi hàng loạt các rào cản về mặt pháp lý.

Nhìn tổng thể thì suất chi đào tạo tính trên đầu sinh viên thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, toàn bộ nguồn thu phục vụ đào tạo, ngay cả khi áp dụng mức tối đa theo dự thảo khung học phí của Chính phủ cũng không thể đủ cân đối cho chi thường xuyên phục vụ đào tạo được. Trường Đại học Hà Nội đã có trên 55 năm lịch sử xây dựng và phát triển, có uy tín về đào tạo, nghiên cứu khoa học về ngoại ngữ. Hiện nay, trường là một cơ sở đào tạo đa ngành với gần 20 ngành đào tạo cử nhân, 4 ngành đào tạo Thạc sĩ, 2 ngành đào tạo Tiến sĩ. Vấn đề đặt ra với trường là cần có một lộ trình đổi mới để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng cao đối với hoạt động đào tạo của nhà trường.

Tự chủ là lời giải cho mọi vấn đề

Từ năm 2008 đến nay, Trường Đại học Hà Nội được Bộ GDĐT giao thực hiện tự chủ hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên theo cơ chế tài chính của Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Việc thực hiện cơ chế tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ đã mang lại những hiệu quả và thuận lợi nhất định cho hoạt động của nhà trường, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập, không phù hợp cho đơn vị thực hiện tự chủ hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên như Trường Đại học Hà Nội.

Đó là công tác cán bộ, số lượng cán bộ cơ hữu của trường tính đến thời điểm tháng 12/2013 là 613 người, trong đó có 8 PGS. TS; PGS. TSKH; 35 tiến sĩ, 314 thạc sĩ (trong đó: 264 là giảng viên); Cử nhân có 208 người (trong đó 134 là giảng viên); Trình độ khác (từ CĐ trở xuống) có 41 người. Nếu tính theo tuổi đời: Cán bộ, viên chức của trường hiện nay đang được trẻ hóa, số cán bộ có độ tuổi 50 tuổi trở lên: 66 người trong tổng số 606 cán bộ, viên chức (chiếm khoảng 11% tổng số cán bộ). Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ được nhà trường quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi. Hiện có gần 100 cán bộ đang được đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài. Năm 2011, nhà trường cử đi đào tạo trên 50 cán bộ, chủ yếu là giảng viên. Với quy mô đào tạo hiện nay, đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Hà Nội đã đáp ứng đủ. Ngoài ra, nhà trường còn mời giảng, thỉnh giảng đối với những cán bộ giảng viên trong nước và quốc tế có trình độ chuyên môn cao.

Tuy nhiên, khó khăn đã bộc lộ, do đặc thù đào tạo của trường với chuyên môn của hầu hết giáo viên là ngoại ngữ nên việc đào tạo trong nước ở trình độ tiến sĩ còn rất hạn chế, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên và học hàm từ phó giáo sư trở lên của các chuyên ngành ngoại ngữ còn thấp so với các trường đại học khác thuộc khối ngành kinh tế, kỹ thuật và xã hội nhân văn. Việc cử giáo viên đi đào tạo bậc cao ở nước ngoài còn gặp khó khăn do thiếu nguồn kinh phí đào tạo, những năm gần đây hầu hết giáo viên của trường đi đào tạo nâng cao trình độ ở nước ngoài chủ yếu vẫn là tự túc kinh phí hoặc do được các trường đại học ở nước ngoài cấp học bổng thông qua quan hệ hợp tác quốc tế với trường, tuy nhiên con số còn rất khiêm tốn và chưa đáp ứng đúng, đủ yêu cầu nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên của trường, đặc biệt là một số ngành đặc thù.

Cam kết đảm bảo chất lượng

Cho dù từ năm 2008 Trường đã được giao cho tự chủ hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên theo cơ chế tài chính của Nghị định 43/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên qua một thời gian thực hiện đã bộc lộ những bất cập cần tháo gỡ. Đề án đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Hà Nội giai đoạn 2015 – 2017 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã lấp đi những hạn chế đó, theo đó trường sẽ được tăng thêm quyền chủ động trong điều hành các hoạt động đào tạo, từ tuyển dụng và sử dụng giảng viên đến việc điều hành hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt là việc xây dựng và tổ chức hệ thống nhân sự theo hướng các trường đại học uy tín trên thế giới.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Luận – Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, trường sẽ cam kết sẽ thực hiện các nội dung sau: Công khai mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra, nội dung chương trình đào tạo và các kết quả kiểm định chất lượng đào tạo; mức học phí, lệ phí của các loại hình, chương trình và ngành đào tạo; Định kỳ thực hiện kiểm định các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn chung của Bộ GDĐT hoặc theo tiêu chuẩn của tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín; công khai mức độ đáp ứng tiêu chuẩn của từng chương trình.

Trường cũng cam kết thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và chịu sự giám sát thường xuyên của Bộ GDĐT; Sử dụng linh hoạt, hiệu quả và minh bạch nguồn tài chính. Đây là một yêu cầu quan trọng trong sử dụng ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học trên cơ sở kết hợp với các công cụ quản lý của Nhà nước như hoạt động kiểm toán, thanh tra… bảo đảm ngân sách được kiểm soát an toàn.

Liên quan đến hoạt động đạo tạo, trường cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa về cơ sở vật chất cho người học: Thư viện điện tử, phòng học đạt chuẩn với đầy đủ các phương tiện nghe nhìn, kho cơ sở dữ liệu phong phú…; Thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội của một trường công lập, tạo điều kiện và cơ hội học tập cho các đối tượng chính sách, sinh viên nghèo. Khẳng định vai trò của một trường đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thực hiện tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản.

Bình luận bài viết

x

Check Also

Thời hạn luân chuyển nhà giáo đến công tác tại vùng khó

Tuy nhiên hiệu trưởng nhà trường không nhận và nói trường đã đủ định biên ...