Home » Chính sách giáo dục » Xuân về bản vắng

Xuân về bản vắng

Ở nơi mịt mù khói sương hoang vắng và bốn mùa chỉ nhìn thấy những cánh rừng đại ngàn sẫm tối, nếu không có lòng yêu nghề, yêu trẻ – có lẽ ít giáo viên có thể “trụ” tại nơi này.

Trường Mầm non Cao Thượng tọa lạc tại trung tâm xã. Trường có 11 điểm trường lẻ gồm 19 lớp và 310 HS, cách xa trung tâm huyện gần 20 km. Còn các điểm trường cách trường chính hơn 20 km. 22 cán bộ giáo viên đang gắn bó với các em học sinh các dân tộc, và chăm lo cho trẻ là niềm vui hàng ngày của các cô giáo nơi đây.

Gian nan Cao Thượng

Đường sá vào các thôn bản ở đây cheo leo, đầy nguy hiểm và chủ yếu là đường đất. Hễ có mưa, những cơn mưa rừng trút xuống bất thình lình, thì coi như lối về nhà đã bị phong tỏa. Các thầy cô và học trò đành yên vị tại các điểm trường. Nỗi lo sạt lở và lũ quét luôn ám ảnh những người dân nơi này.

Cô Hiệu phó Trường Mầm non Cao Thượng cho biết, những con dốc ngược quanh co trong và sau những ngày mưa lũ luôn là nỗi sợ hãi, ám ảnh biết bao người. Vì không ít lần, nhiều cô giáo đã bị ngã, đau đớn tại những cung đường này.

Cô Nguyễn Thị Ly – Phó Hiệu trưởng – nhớ lại: Có lần chẳng may cô sơ ý cả người và xe ngã vật trên đường, cô loay hoay không thể đứng dậy được vì đau đớn, cả xe chèn lên người.

May mắn lúc ấy có đôi vợ chồng người Mông đi qua, họ đến giúp dựng xe lại cho cô, rồi hốt hoảng rời khỏi thật nhanh, tuyệt nhiên, không dìu cô đứng dậy. Mãi sau cô mới biết, họ sợ ma.

Những người nằm im lìm, hay bất tỉnh – có nguy cơ chết, với người Mông là điều ghê sợ. Họ tin rằng, nếu chạm vào người chết, ma sẽ theo họ về nhà.

Cô nhớ lại, những đám ma của người Mông nơi nào cũng thế. Nếu trong nhà có người mất, gia đình tổ chức lễ an táng (mang đi chôn cất) rất nhanh.

Tất cả đều hối hả trở về nhà để làm lễ cúng ma cho người đã được chôn cất. Họ sợ nếu chần chừ, ở lâu với người đã khuất, con ma sẽ theo họ.

Có lẽ đây cũng là một lý do để cho câu chuyện về rừng núi Cao Thượng trở nên huyền bí, mang yếu tố tâm linh.

Đã có hai cô giáo mầm non, sau khi tốt nghiệp lên nhận công tác ở điểm trường Cao Thượng, không chịu nổi cảnh sống nghiệt ngã thiếu thốn nơi đây, đêm đêm ánh đèn leo lét, chỉ có tiếng hú của gió đại ngàn. Cùng với câu chuyện dệt thêu về con ma núi cho nên các cô lo lắng. Cuối cùng hai cô phải trở về nhà, chia tay với nghề dạy học.

Đặc biệt, những con vật nuôi ở đây cũng có cách thích nghi với địa hình rừng núi. Chúng tôi đã nhìn thấy những chú lợn bản lông đen, thung thăng rúc bụi chuối ở độ cao dốc ngược, bốn chân như nam châm, hút chặt vào vách núi. Thấy bóng người, các chú ỉn lướt trên độ dốc như tên bắn.

Sự hoang vắng, có lẽ không ở đâu có thể minh chứng rõ hơn như ở nơi này.

Buồn vui nghề giáo

Điểm trường Khâu Bút cách trường chính 4km có 17 học sinh. Còn ở thôn Nặm Cắm cách trường chính 5km chỉ có 12 học sinh. Ở điểm thôn Ngạm Khét, cách trường chính 4km, có hơn 30 HS.

Đây là thôn có số học sinh tương đối đông. Hầu như ở các thôn bản trên núi cao, 100% bà con người dân tộc Mông đều là hộ nghèo. Món ăn nuôi sống họ là mèn mén (ngô xay được thổi lên) ăn với rau rừng.

Với 120.000 đồng/học sinh/tháng mà Nhà nước phụ cấp cho HS mầm non miền núi, HS của các cô cũng có bữa ăn tương đối có chất dưới bàn tay khéo léo, tằn tiện, linh hoạt đổi bữa cho các cháu.

Số tiền ấy, không phải gia đình các cháu lúc nào cũng có sẵn để mua thức ăn cho con. Đây là lý do khiến cho việc huy động trẻ đến trường của các cô tương đối thuận lợi hơn.

Cô Nguyễn Thị Ly sinh năm 1984, đã có 2 con nhỏ, chồng là giáo viên THCS, là người Tày Ba Bể, người gắn bó nơi này lâu năm nhất, từ năm 2005 đến nay.

Bao kỷ niệm vui buồn của cuộc đời nhà giáo đã khiến cô gắn bó và yêu hơn mảnh đất này. Hơn 20 cô giáo cắm bản bên cô, làm bạn với sương giăng mây phủ và những học trò nghèo ở 11 điểm trường cũng thế, đều có từ 3 – 5 năm.

Cô Ly cho biết: Trước đây, cô Hoàng Thị Lim về làm Hiệu trưởng Trường MN Cao Thượng, khi trường tổ chức ăn bán trú đầu tiên, thấy trẻ em khóc quá vì chưa quen với việc ăn cơm ở trường, trước đây mới về, làm việc quá sức, sau đó bị ốm nặng, kiệt sức phải nằm viện. Nằm viện, ốm liệt giường phải tiêm và truyền nước, khi có người đến thăm, cô hỏi, các cháu ăn cơm đỡ khóc chưa?

Chỉ lo cho bữa ăn các cháu, mà những người như cô Lim, cô Ly… đã không quản ngày đêm ở bên các cháu, lo lắng từng giấc ngủ bữa ăn cho trẻ. Để đến khi hết bậc, hết cấp, các em rời trường khỏe mạnh học tiếp, các cô mới yên tâm.

Những năm trước, các điểm trường không có điện thoại, tivi – nên ngày đêm các cô giáo phải làm bạn với mưa rừng, sương giăng, gió hú.

Không chợ búa, đường sá khó khăn, nhiều cô giáo đã phải tự an ủi nhau cố gắng bám trường bám lớp vì các em thân yêu. Những ánh mắt mòn mỏi, những mái nhà xiêu vẹo, những mảnh đời nghèo khó… như một sự ám ảnh, níu kéo các cô ở lại.

Tuy vậy, cũng có giáo viên không thể bám trụ, mà đã phải ra đi. Cách đây 6 – 7 năm, cô Ly nhớ lại, có hai giáo viên lên nhận công tác. Sau khi vật vã mãi mới tới điểm trường ở nơi xa xôi nhất, các cô quá bất ngờ vì thực tế nơi đây khác xa những gì các cô đã nghĩ.

Thiếu thốn, khó khăn, và cách trở, xa vắng người thân mà không thể chia sẻ bằng sóng điện thoại hay xem tivi giải khuây khi đêm về, các cô đã rời điểm trường, xuống núi, giã biệt nghề giáo, một đi không trở lại.

Vì vậy, nhiều cô giáo bị phân lên điểm trường xa xôi, chồng con đi theo – tất cả đều ở chung trong những căn “phòng” chật chội, thiếu ánh sáng – dĩ nhiên là thiếu cả tiện nghi.

Trai bản ở đây, thường lấy vợ sớm, nên ở tuổi các cô, lên núi cắm bản, đã là tuổi “cao” so với lứa tuổi lấy chồng lấy vợ của thanh niên nơi này.

Nếu có người yêu, hoặc có chồng thì không sao, nếu không, thì lên vùng sâu núi thẳm này, các cô khó có thể tìm được ý trung nhân cho mình.

Là Hiệu phó chuyên trách, cô Ly tâm sự, ước mơ của cô là cống hiến cho quê hương đến những ngày cuối cùng của cuộc đời dạy học.

Được hỏi về sự gắn bó với nghề trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, cô cho biết, cô yêu nghề và không bao giờ nghĩ bỏ nghề cả. Nghề chọn cô chứ cô không chọn nghề.

Cười vui đã là Tết

Đặc thù Trường Mầm non Cao Thượng cũng như các trường ở vùng cao là thường xuyên có sự thay đổi giáo viên. Khi cô giáo đã quen trò và bắt đầu gắn bó lại bắt đầu luân chuyển giáo viên.

Sự luân chuyển này là cần thiết, tránh cho việc một giáo viên cứ ở mãi một điểm trường khó khăn hay điểm trường thuận lợi. Tuy vậy, cô trò vừa mới quen nhau, gắn bó… thì lại chuẩn bị chia tay. Nếu may mắn, có giáo viên địa phương nhà tại điểm trường là lý tưởng nhất.

Hiện nay có 10 điểm trường ở Cao Thượng có điện, còn 1 điểm trường chưa có. Nước ăn và sinh hoạt vẫn lấy trên nguồn, theo ống dẫn nước về nhà, về trường.

Tâm sự về việc ăn Tết ở nơi đây, cô Ly cho biết, ngày nghỉ Tết, các cô về quê nội, ngoại… Vì quá nghèo, trường không có quà Tết dành cho giáo viên, xã cũng vậy. Gặp nhau ngày Tết, ngày lễ cười vui là Tết rồi.

Hỏi về việc du lịch và về thành phố chơi trong dịp Tết, các cô cười buồn: “Chúng em làm gì có điều kiện đi chơi… Hà Nội ư? Chúng em muốn xuống thăm Thủ đô lắm… Nhưng…”. Bao điều muốn nói sau từ “nhưng” ấy.

Giáo viên nào được xếp loại tiên tiến, được thưởng gần 1 triệu đồng. Số tiền đó đặc biệt có ý nghĩa để mỗi người phấn đấu, và dành dụm mua quà cho mình và người thân. Làm sao các cô có thể chuẩn bị cho mình một chuyến đi du lịch hay đi chơi thăm thú bạn bè tỉnh khác?

Với giáo viên xã Cao Thượng ở nơi hoang vu này, đi chơi là việc xa xỉ. Hàng ngày họ hiểu về đô thị, về nhịp sống hiện đại qua những trang báo online, hay tivi. Nhiều người ước ao “hạ sơn” một lần để “xóa ngố”.

Nhưng, cho đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa thực hiện được ước mơ giản dị ấy. Họ cũng giống như giáo viên ở các trường vùng khó khăn Bắc Kạn.

Như Trường Nam Mẫu chẳng hạn. Bốn bề là rừng núi, đôi khi diện váy áo và son phấn – việc làm đẹp chính đáng của chị em giáo viên, họ cũng ngại ngùng.

Cảm giác không hòa nhập, lạc lõng đã khiến không ít cô giáo trở nên xuề xòa, mặc dù cũng có giáo viên cố may cho mình một bộ thời trang để lỡ được đi chơi đâu đó, có dịp trưng diện.

Chợt nhớ hôm chúng tôi về công tác tại Trường Nam Mẫu, cô Ma Thị Chuyên, Hiệu trưởng biết tin nhà báo đến vội vã cưỡi con xe phụt khói, tồng tộc trở về, với bộ quần đen, áo tím, dép lê tổ ong từ trên núi xuống.

Ở Trường THCS và Tiểu học Nam Mẫu, nhiều giáo viên chỉ biết Hà Nội qua tivi. Có giáo viên sắp nghỉ hưu, chỉ mơ ước có bộ áo dài để chụp ảnh khi khai giảng hay bế giảng, cũng không có.

Giấc mơ của các cô giáo Cao Thượng cũng như thế. Có gì đó rưng rưng, thương cảm mà không thể dễ động viên, an ủi. Bởi các thầy cô không cần sự an ủi đó. Như cô Ly và các cô ở Cao Thượng cho biết, các cô yêu nghề dạy học, khổ và khó khăn nữa cũng không bỏ nghề.

Nhìn những cô giáo nhỏ bé, da bợt tái vì rét và ở rừng đã lâu, tôi vẫn nhận ra ánh mắt thân thương và sự trìu mến với học trò. Ở họ, sợi dây níu kéo với trẻ em vùng cao, với những cảnh đời còn khó khăn – chính là tấm lòng yêu thương vô bờ bến.

Xuân đã bắt đầu gõ cửa từng nhà. Bản vắng đã sáng bừng trở lại. Những cây đào đã lấm tấm trổ hoa. Từng chiếc váy của các cô gái Mông được đem ra phơi trên các bờ rào, như hình trăng khuyết, rực rỡ sắc màu dưới nắng. Tết năm mới, lễ hội tung còn, vật nhau… sẽ khiến khu rừng vốn âm u hoang vắng bừng tỉnh thức.

Còn với các cô giáo, sau những ngày nghỉ gắn bó với gia đình dịp Tết, các cô lại lụi cụi, gùi chữ lên non. Như không hề có mưa lũ, vực sâu đêm đông giá lạnh, như không hề có con dốc đỉnh đèo hoang vu… thử thách hù dọa bước chân người.

Lại vẫn cười vui khi gặp mặt. Các cô bảo đó đã là Tết rồi.

Bình luận bài viết

x

Check Also

Thời hạn luân chuyển nhà giáo đến công tác tại vùng khó

Tuy nhiên hiệu trưởng nhà trường không nhận và nói trường đã đủ định biên ...