Home » Thi - Tuyển sinh » Giúp học sinh THPT học hiệu quả phần phát âm và dấu nhấn tiếng Anh

Giúp học sinh THPT học hiệu quả phần phát âm và dấu nhấn tiếng Anh

GDTĐ – Trong quá trình học tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng nói (speaking), phát âm và dấu nhấn là những thành tố quan trọng mà học sinh dù ở bất kỳ trình độ nào cũng nên trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản này.

Việc có được phát âm chuẩn xác sẽ giúp học sinh tự tin hơn trong giao tiếp và tạo nền tảng vững chắc để phát triển và hoàn thiện những kỹ năng còn lại.

Hơn nữa, xuất phát từ tình hình thực tế là học sinh khi học tiếng Anh ở cấp THCS, các bài kiểm tra 15 phút, giữa học kỳ, cuối học kỳ và thậm chí là bài thi tuyển sinh lớp 10 đều không có phần phát âm và dấu nhấn. Nhưng khi vào lớp 10 lên đến lớp 11 và 12, phần phát âm và dấu nhấn đều xuất hiện trong các đề thi tiếng Anh của hầu hết tất cả các trường trên địa bàn TP HCM.

Hiện nay có một điều đáng tiếc là có rất nhiều học sinh, dù rất giỏi tiếng Anh (thậm chí là học sinh ở các lớp chuyên Anh vẫn không làm tốt ở phần phát âm và dấu nhấn. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi một số học sinh có khả năng nói (speaking) rất tốt với giọng (accent) gần giống như người bản xứ (native speaker) hoặc có theo học tăng cường nghe nói tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ như Hội Việt Mỹ (VUS) hay ILA cũng không đạt kết quả cao ở phần này.

Đi sâu tìm hiểu thực trạng này cho thấy hầu hết các em học sinh đều thiếu những kiến thức cơ bản về phát âm và dấu nhấn trong tiếng Anh.

Trước thực trạng này, giảng viên Bùi Trí Vũ Nam (Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh) đề xuất cách thức đơn giản, nhưng hiệu quả mang tính chất lấy người học làm trung tâm (student-centered) nhằm giúp học sinh THPT học tập tiến bộ ở phần phát âm và dấu nhấn này.

Cách thức tiến hành

Thông thường trong mỗi bài học của sách giáo khoa môn Tiếng Anh ở bậc THPT, ở phần Language Focus đều chia làm 2 phần nhỏ rất rõ ràng là phát âm, dấu nhấn và ngữ pháp.

Ở phần phát âm và dấu nhấn của mỗi bài học, học sinh sẽ được học phát âm 1 âm đơn lẻ hoặc học theo theo từng cặp âm mà học sinh hay nhầm lẫn. Giáo viên có thể dành ra thời lượng 1 tiết để giúp học sinh ôn tập phần này trước kỳ thi giữa hoặc cuối học kỳ.

Đầu tiên, giáo viên có thể yêu cầu học sinh làm theo theo nhóm khoảng 5 đến 6 học sinh. Các nhóm sẽ dựa vào phần đề cương từ vựng có sẵn để chọn ra những từ có mang âm được học trong phần Language Focus. Giáo viên có thể tùy từng bài mà yêu cầu học sinh nhóm những từ mang cùng 1 âm khác trong bài học. Phần dấu nhấn cũng có thề được tiến hành tương tự.

Sau đó, các nhóm sẽ được giao nhiệm vụ thiết kế khoảng 8 đến 10 câu trắc nghiệm về phát âm và dấu nhấn ở tất cả các bài đã ôn tập. Giáo viên lưu ý nhắc học sinh khi thiết kế các câu trắc nghiệm thì 4 lựa chọn trong một trắc nghiệm nên là các từ của những bài khác nhau.

Sau khi hoàn thành phần công việc của mình, học sinh ở mỗi nhóm cử đại diện viết câu hỏi lên bảng hoặc dán câu hỏi lên bảng (giáo viên chuẩn bị giấy A2 hoặc A1 cho học sinh). Các nhóm khác sẽ có 1 khoảng thời gian nhất định để trả lời các câu hỏi của nhóm bạn.

Sau khi hoàn thành phần trả lời, mỗi nhóm cử đại diện lên sửa bài và giải đáp thắc mắc của các bạn ở các nhóm khác. Ở cuối tiết, giáo viên có thể đưa ra nhận xét về phần câu hỏi của các nhóm và tóm tắt lại một số điểm trọng tâm về phát âm và dấu nhấn cho từng bài học (units).

Một số ý kiến đề xuất tăng hiệu quả cho hoạt động

Để hoạt động này hiệu quả hơn, giảng viên Bùi Trí Vũ Nam đề xuất một số ý kiến theo kinh nghiệm bản thân:

Thứ nhất: Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh trước một số trò chơi đơn giản liên quan đến việc luyện tập phát âm và dấu nhấn để các em có thêm ý tưởng trong phần sửa bài và giải đáp thắc mắc từ các bạn ở nhóm khác.

Điều này là rất cần thiết, đặc biệt là khi học sinh gặp những âm khó phát âm hay những cặp âm gần giống nhau, gây khó khăn cho học sinh sửa bài và những học sinh nghe sửa bên dưới. Thay vì giới thiệu cách phát âm của các từ đó, các học sinh chịu trách nhiệm sửa bài có thể vận dụng những trò chơi ngắn và đơn giản để giúp phần sửa bài và giải đáp thắc mắc của nhóm mình thêm phần sinh động và có tính giao tiếp hơn.

Khi phân nhóm, giáo viên nên chú ý phân đều một số học sinh có phát âm khá tốt vào các nhóm để bảo đảm độ chuẩn xác cho phần câu hỏi và sửa bài.

Phần câu hỏi của các nhóm nếu trong thời lượng cho phép mà lớp không thể sửa hết thì có thể giao về nhà như là một dạng luyện tập thêm cho các em. Giáo viên hoặc nhóm học sinh phụ trách phần câu hỏi đó sẽ có trách nhiệm giải đáp thắc mắc nếu có.

Các nhóm làm tốt công việc của mình có thể được điểm cộng hoặc một phần quà nhỏ từ giáo viên để khuyến khích học sinh tham gia tích cực vào tiết ôn tập phần ngữ âm.

Bài trao đổi được biên tập từ tham luận của giảng viên Bùi Trí Vũ Nam (Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh) tại hội thảo Thực trạng dạy học tiếng Anh trong việc đảm bảo chất lượng đầu vào và kết quả đầu ra môn Tiếng Anh của học sinh các cấp học phổ thông các tỉnh/thành phố miền Nam

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngành Kỹ thuật xây dựng Trường đại học Xây dựng

1. Chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển     Chỉ tiêu tuyển sinh: 400       Tổ ...