Home » Thi - Tuyển sinh » "Nhiều chương trình tiên tiến từ vệt sáng trở thành đom đóm"

"Nhiều chương trình tiên tiến từ vệt sáng trở thành đom đóm"

 – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhận định như vậy trong kết luận tại Hội nghị tổng kết đào tạo theo chương trình tiên tiến (CTTT) giai đoạn 2006-2016 diễn ra chiều 30/12.

Nhiều người coi CTTT như bước đệm đi nước ngoài

Nhận lời “đặt hàng” của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nhiều ý kiến đến từ các trường dành phần lớn thời gian cho việc chỉ ra những hạn chế, tồn tại của 10 năm thực hiện chương trình tiên tiến nhằm hướng tới mục tiêu xa hơn là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong tương lai.

GS Nguyễn Quý Thanh, giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQH Hà Nội cho rằng, các chương trình tiên tiếp được nhập khẩu từ nước ngoài nhưng chính các đối tác cũng chưa công nhận tín chỉ như chương trình của họ. Bên cạnh đó, hiện tại chỉ mới có 6 trên tổng số 35 chương trình tiên tiến được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn AUN.

GS Nguyễn Quý Thanh chỉ ra khá nhiều hạn chế của các chương trình tiên tiến trong giai đoạn 10 năm qua. Ảnh: Lê Văn.

Các chương trình được kiểm định cũng chỉ mới đạt mức 5 trong tiêu chuẩn đánh giá của AUN trong khi để đạt trình độ của khu vực phải là mức 6 và để đạt chuẩn quốc tế phải đạt ở mức 7” – ông Thanh nói. “Như vậy, các chương trình tiên tiến của chúng ta chưa phải là nổi bật hơn các chương trình khác trong tổng số hơn 200 chương trình được AUN đánh giá“.

Ông Thanh cũng nhận định, hiệu quả về KHCN chưa được thể hiện rõ khi mà tổng số công bố quốc tế chỉ có khoảng 145 bài báo công bố ở nước ngoài cho tất cả các chương trình trong giai đoạn 10 năm. Có nhiều chương trình không có công bố quốc tế nào trong khi tổng số giảng viên là tiến sĩ của chương trình lên tới hơn 1.000 người.

Con số công bố quốc tế như vậy là thấp so với các trường trong khu vực ASEAN chứ chưa nói tới các trường ở mức cao hơn” – ông Thanh nhận định.

Một vấn đề khác cũng được ông Thanh đưa ra đó là, dù là các chương trình tiên tiến trong giai đoạn hiện tại hay chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao trong tương lai thì mục tiêu là phải phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Cần tránh tình trạng xem chương trình tiên tiến như bước đệm để đi học nước ngoài. Điều này về mặt tổng thể quốc tế thì tốt nhưng nhìn từ góc độ phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam thì việc đầu tư một chương trình không ít tiền đến cuối cùng lại chỉ như là bước đệm để các em tìm kiếm học bổng ở nước ngoài cần phải cân nhắc kỹ” – ông Thanh phân tích.

Trao đổi với ý kiến của ông Thanh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, trong giai đoạn đầu thì việc nhiều SV sau khi tốt nghiệp đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài cũng là một cách mà các chương trình tiên tiến hỗ trợ các đề án 322 hay 911. Tuy nhiên, ông Nhạ cho rằng, điều này chỉ nên xảy ra trong giai đoạn khởi tạo.

Ở giai đoạn tiếp theo cần phải khẳng định luôn là đào tạo ra phải phục vụ Việt Nam chứ không để đi nước ngoài. Bởi vì chúng ta đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng của đất nước. Do đó, học xong phải gắn với nhu cầu phát triển đất nước chứ không phải học xong để làm việc cho Tây” – ông Nhạ khẳng định.

Yếu tiếng Anh cả thầy lẫn trò

Một trong những khó khăn của chương trình đào tạo tiên tiến được nhiều ý kiến nhắc đến chính là hạn chế khả năng tiếng Anh của sinh viên cũng như giảng viên.

TS. Hà Thanh Toàn cho biết, do trường thu hút chủ yếu sinh viên ở khu vực ĐBSCL nên khả năng tiếng Anh khá yếu. Để đảm bảo chất lượng chương trình, nhà trường đã bố trí nguyên một học kỳ đầu để sinh viên tham gia các chương trình tiên tiến học tiếng Anh, tới các kỳ sau mới để các em tiếp tục học chương trình bằng tiếng Anh.

Ông Phan Quang Thế cho rằng, cần áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng sinh viên cũng như giảng viên. Ảnh: Lê Văn

GS Lương Công Nhớ, hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Việt Nam thì cho biết, để tạo môi trường học tập mang tính quốc tế, trường đã đặt lộ trình cho các giảng viên trong 3 năm phải đạt trình độ ngoại ngữ IELTS 6.0, nếu không đạt sẽ buộc thôi việc.

Đến nay trường đã cho thôi việc 38 giảng viên vì không đạt tiêu chuẩn ngoại ngữ” – ông Nhớ thông tin.

Cũng chia sẻ quan điểm cần nâng cao tiêu chuẩn đối với giảng viên, sinh viên các chương trình tiên tiến theo các tiêu chuẩn quốc tế, ông Phan Quang Thế, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp, ĐH Thái Nguyên cho rằng, nhờ có chương trình tiên tiến, trường ông đã có 150 lượt giảng viên được ra nước ngoài học tập và điều này đã thay đổi rất lớn đối với trình độ cũng như con người của các giảng viên.

Ông Thế cũng cho rằng, Bộ nên xem xét bỏ các yêu cầu chứng chỉ B1, B2 đối với giảng viên vì không thực chất, các thầy cô giáo đi mua bằng để đối phó mà nước ngoài không ai công nhận. “Tôi đề nghị cứ theo chuẩn quốc tế mà áp dụng” – ông Thế đề xuất.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, trong giai đoạn đầu, việc tuyển chọn chất lượng đầu vào của sinh viên chưa tương xứng với yêu cầu dẫn đến những năm đầu gọi là tiên tiến nhưng thực tế chất lượng còn lỗ mỗ.

Bí nhất của cả thầy lẫn trò là tiếng Anh. Chúng ta chưa có nhiều thời gian chuẩn bị cho thầy và trò. Trò còn có thời gian đào tạo dự bị chứ thầy thì có gì dùng nấy dẫn đến chất lượng các thầy trong chương trình nhiều khi không đảm bảo trong khi thầy nước ngoài ít khi được như cam kết. Cuối cùng dẫn đến tình trạng tự biên tự diễn” – Bộ trưởng Nhạ nhận định.

Yếu tiếng Anh, thiếu một môi trường quốc tế được cho là nhân tố khá lớn ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo của các chương trình tiên tiến, vốn được nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng thời, đây cũng được cho là nguyên nhân các chương trình tiên tiến trong 10 năm qua khó thu hút sinh viên nước ngoài.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, trong 10 năm qua, các chương trình tiên tiến chỉ mới có các sinh viên tham gia theo dạng thực tập, trao đổi chứ không có một sinh viên nào tham gia fulltime (toàn thời gian). Trong khi đó, sinh viên Việt Nam được đào tạo ra lại ra nước ngoài làm việc. Như vậy, đây là điểm rất cần xem xét.

Nhiều chương trình từ vệt sáng trở thành đom đóm

Đánh giá tổng thể chương trình tiên tiến trong 10 năm qua là thành công, tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng vẫn có nhiều bài học cần phải rút ra.

Nhìn lại giai đoạn đầu, hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng nếu làm lại từ đầu sẽ làm khác. Do đó, bài học đầu tiên chính là bài học về nhận thức và quản lý. Đây là các chương trình tiên tiến nhưng đâu đó vẫn còn nhúng vào chương trình không tiên tiến dẫn đến vệt sáng trở thành đom đóm” – ông Nhạ nhận định.

Theo ông Nhạ, các mục tiêu yêu cầu của chương trình với thực tế khi tốt nghiệp chênh nhau nhiều. Mong muốn thì cao nhưng quá trình thì du di. Mặc dù so với chương trình thường thì tốt nhưng so với yêu cầu thì chưa đạt.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, nhiều chương trình tiên tiến sau khi hết tiền không được duy trì đúng mức dẫn đến tình trạng từ vệt sáng trở thành đom đóm. Ảnh: Lê Văn.

Bên cạnh đó, khi sinh viên tốt nghiệp ra trường thì các trường đều coi như xong, không đầu tư tiếp tục quan tâm xem SV đó phát huy như thế nào với những gì được đào tạo trong chương trình.

Đối với giảng viên của chương trình sự gắn bó không cao. Nhiều trường hợp coi chương trình như dự án, hết môn thì hết tiền. Do đó chưa tạo được nền tảng vững chắc cho sự phát triển. Sự kết nối của các chương trình với doanh nghiệp để tìm kiếm việc làm cho sinh viên cũng rất hạn chế.

Đánh giá các báo cáo của các trường về chương trình tiên tiến, ông Nhạ cho rằng, hầu hết các báo cáo có tính chất thống kê, chưa có phân tích sâu sắc để từ đó đề xuất cách làm khác. Từ đó khiến chương trình tiên tiến như “ngôi sao cô đơn” và lịm dần cùng các chương trình khác.

Thời gian đầu thì chương trình tiên tiến như ngôi sao. Bẵng đi thời gian hết tiền rồi thì chương trình tiên tiến không duy trì một cách đúng mức dẫn đến chương trình tiên tiến sẽ bị mờ tương đối so với những chương trình khác có điều kiện phát triển chất lượng. Nhiều nơi có tâm lý không có tiền thì gần như buông” – ông Nhạ thẳng thắn.

Đặt vấn đề cho giai đoạn tiếp theo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, chương trình tiên tiến đã tạo được nền móng tốt, nếu không tiếp tục một cách chủ động thì không thể khai thác được.

Sứ mệnh của chương trình tiên tiến giai đoạn vừa rồi đã hoàn thành. Bây giờ chuyển sang một sứ mệnh khác là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước bám sát nhu cầu của nền kinh tế. Đây là mục tiêu số một và nhất quán trong giai đoạn tới” – ông Nhạ nói.

Ông Nhạ cũng cho biết, hướng tiếp cận sắp tới là hợp đồng giao nhiệm vụ, chứ không phân bổ vốn theo mục đích như trước. Các trường sẽ được phép cạnh tranh một cách công bằng, không phân biệt trường công hay trường tư. Đồng thời, sẽ hướng tới việc đầu tư đến từng sinh viên theo dạng học bổng chứ không đầu tư cho trường như trước.

Tới đây, cạnh tranh giữa các trường phải rất quyết liệt. Và mỗi trường ĐH chỉ cần có một số CT xuất sắc, trọng điểm, bám sát thị trường, tập trung đầu tư vun cao để xây dựng và phát triển thương hiệu, không dàn hàng ngang” – ông Nhạ khẳng định.

Sẽ tăng học phí các chương trình tiên tiến

 

Đại diện các trường ĐH có chương trình đào tạo tiên tiến cho biết, sau khi hết hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, các trường đều có lộ trình tăng học phí. Nhiều chương trình thu mức học phí gần 80 triệu đồng/năm, trung bình mức học phí khoảng 20-30 triệu/năm.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, việc các chương trình thu học phí thấp không tương xứng với chi phí đào tạo trong khi kinh phí của nhà trường dành ra cho chương trình tiên tiến còn hạn chế sẽ khiến chương trình tiên tiến gặp khó khăn trong quá trình phát triển và nhân rộng khi không còn ngân sách nhà nước hỗ trợ.

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi nghe mức kinh phí đào tạo chương trình tiên tiến ở ĐH Y Hà Nội là 20 triệu đồng/năm đã cho rằng, chi phí đào tạo cho chương trình như vậy là rất thấp. Theo Bộ trưởng Nhạ, mức học phí cần phải tương xứng với chất lượng đào tạo.

 

Trong khi đó, ông Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thì cho biết, việc tăng học phí cũng phải tính đến yếu tố vùng miền. Chẳng hạn như khu vực miền Trung như ĐH Đà Nẵng kinh tế hạn chế, các ngành công nghiệp không phát triển bằng Hà Nội hay TP. HCM thì mức học phí cho các chương trình này trường cũng không dám tăng quá mạnh.

Lê Văn

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngành Kỹ thuật xây dựng Trường đại học Xây dựng

1. Chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển     Chỉ tiêu tuyển sinh: 400       Tổ ...